Phỏng vấn nhân viên kinh doanh, nên chú ý điều gì?

Một số lời khuyên giúp phỏng vấn nhân viên kinh doanh mang lại hiệu quả cao mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng nên tham khảo.

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng hiểu rằng nhân viên kinh doanh là huyết mạch của công ty. Một sản phẩm tiên tiến hoặc chiến lược tiếp thị sáng tạo sẽ không đi đến đâu nếu thiếu sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ bán hàng. Tuy nhiên, tuyển dụng một nhân viên kinh doanh có năng lực không phải là một cuộc dạo chơi.

Điều này vô cùng khó khăn bởi vì những người dường như có kỹ năng hoàn hảo trong hồ sơ xin việc có thể là người làm việc nhạt nhòa trong cuộc sống thực. Hoặc những người tỏ ra tự tin và có hoài bão trong cuộc phỏng vấn có thể thiếu nhiệt tình và cẩu thả trên thực tế.

Vậy làm sao để có thể tìm được một nhân viên kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả? Dưới đây là một vài bí quyết phỏng vấn nhân viên kinh doanh hiệu quả mà bạn có thể tham khảo.

Những điều cần lưu ý khi phỏng vấn nhân viên kinh doanh

Ý chí tiến thủ

Bạn có thể đào tạo các kỹ năng bán hàng nhưng sự đam mê và hoài bão là bẩm sinh. Dĩ nhiên, tất cả các ứng viên có mặt trong cuộc phỏng vấn đều cố gắng hết sức để chứng tỏ họ là người kiên trì và nhiệt huyết. Nhưng bạn có thể đánh giá chính xác tính cách và đặc điểm của ứng viên qua cách quan sát và đặt câu hỏi. Hãy tìm hiểu về các giải thưởng và thành tích của ứng viên cả trong và ngoài nơi làm việc khi phỏng vấn nhân viên kinh doanh. Bạn cũng có thể yêu cầu họ nói về các tình huống mà họ đã giải quyết tại các công ty trước đây. Một số câu hỏi khác về khả năng tự cải thiện hoặc các hội thảo mà họ tham dự gần đây cũng giúp bạn hiểu được hoài bão của họ.

Mức độ tự tin

Tất cả các ứng viên đều cố gắng thể hiện sự tự tin trong cuộc phỏng vấn. Một nhân viên kinh doanh có thể giỏi hơn trong việc thể hiện một hình ảnh tự tin đơn giản chỉ vì họ có kỹ năng giao tiếp và có phong cách rất tự nhiên khi nói chuyện với khách hàng. Tuy nhiên, một cách hiệu quả để kiểm tra mức độ tự tin của ứng viên là trình bày một loạt các ý kiến phản hồi và cách họ xử lý chúng.

Một cách hiệu quả khác mà bạn có thể sử dụng là khi kết thúc phỏng vấn nhân viên kinh doanh, hãy nói với ứng viên rằng mặc dù họ có vẻ tốt, nhưng chỉ có một vị trí và họ không phải là người giỏi nhất. Nếu ứng viên xuống tinh thần rõ ràng, họ có thể không phải là người bạn đang tìm kiếm bởi một người tự tin sẽ không dễ dàng sụp đổ.

Tinh thần cạnh tranh

Cạnh tranh là điều không thể thiếu để thành công. Các nhân viên kinh doanh bạn tuyển chọn không chỉ nên cạnh tranh lành mạnh với các đồng nghiệp của mình mà còn phải cạnh tranh với chính bản thân họ để đạt được kết quả tốt hơn so với tuần trước, tháng trước hoặc năm trước.

Một mẹo để biết được năng lực cạnh tranh khi phỏng vấn nhân viên kinh doanh là yêu cầu ứng viên mô tả cách họ cố gắng trở thành người bán hàng giỏi nhất có thể. Họ có nói về việc học một phương pháp bán hàng mới để làm phong phú kỹ năng của họ không? Họ có nói về mong muốn vượt qua con số bán hàng tốt nhất của họ cho đến nay? Đây là một vài chỉ số chính về việc liệu ứng cử viên này thực sự có tinh thần cạnh tranh hay không.

Khả năng tương tác và ảnh hưởng đến người khác

Tương tác với khách hàng là công việc chính của nhân viên bán hàng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là một người bán hàng cần phải là người hướng ngoại. Mặc dù phát triển mối quan hệ với khách hàng tiềm năng là một đặc điểm thường thấy ở người hướng ngoại, nhưng đồng thời người hướng nội và người vừa hướng nội vừa hướng ngoại cũng có thể là những người bán hàng rất thành công.

Khi phỏng vấn nhân viên kinh doanh, hãy chú ý xem ứng viên có vẻ thoải mái không? Nụ cười của họ có chân thật không? Bạn có cảm giác họ có cố gắng tạo mối liên hệ thực sự với bạn không? Họ có lắng nghe và đặt câu hỏi dựa vào những gì bạn đang nói không?… Để hiểu rõ hơn, bạn có thể hỏi ứng viên về cách họ kết nối với khách hàng. Nếu họ đã gửi cho khách hàng các thông tin hữu ích không liên quan gì đến sản phẩm, hỏi khách hàng về bữa tiệc vào cuối tuần hoặc nhớ gửi lẵng hoa chúc mừng sinh nhật khách hàng, thì bạn đang có một ứng viên đầy tiềm năng.

Tìm kiếm giải pháp sáng tạo

Sáng tạo không phải là một từ luôn gắn liền với nhân viên kinh doanh nhưng những người bán hàng giỏi nên sáng tạo. Họ cần sự sáng tạo để thương lượng với khách hàng và nghĩ ra những cách mới để tiếp cận cũng như giữ chân khách hàng. Do đó, sáng tạo và giải quyết vấn đề là không thể thiếu để phát triển và thành công trong kinh doanh.

Một mẹo để tìm hiểu về sự sáng tạo là hỏi ứng viên về những lần họ phải nghĩ ra các cách làm khác nhau để thành công hoặc thuyết phục khách hàng tiềm năng. Bạn cũng có thể cung cấp cho họ các tình huống khó và yêu cầu họ động não tìm cách xử lý. Trong đó, hãy tập trung vào cách ứng viên vượt qua chướng ngại vật hơn là các tình huống thực tế.  

Tính tổ chức và kỷ luật

Nhiều người thường nghĩ ra bán hàng là một công việc thoải mái vì được ra ngoài tự do, gặp gỡ khách hàng mà không cần quan tâm quá nhiều đến các quy tắc. Tuy nhiên, sự thật là nhân viên kinh doanh giỏi luôn có kỷ luật, làm việc có kế hoạch và hoàn thành đúng thời hạn. 

Hãy hỏi ứng viên về cách họ lên chiến lược tiếp cận một khách hàng tiềm năng cụ thể, loại tài liệu họ gửi cho khách hàng trước và sau cuộc gọi bán hàng, cách họ quản lý thời gian và hiệu quả đạt được. Lúc này, bạn nên chú trọng vào các tình huống thực tế hơn là lý thuyết về những gì họ nghĩ nên được thực hiện.

Một số câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh hiệu quả

·         Bạn có thoải mái khi thực hiện các cuộc gọi cho khách hàng?

·         Đồng nghiệp nhận xét bạn như thế nào?

·         Điều gì khiến bạn trở thành một người bán hàng hiệu quả?

·         Câu hỏi yêu thích của bạn để hỏi khách hàng tiềm năng là gì?

·         Phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò gì trong quá trình bán hàng của bạn?

·         Nếu bạn được tuyển dụng cho vị trí này, bạn sẽ làm gì trong tháng đầu tiên?

·         Phần yêu thích nhất của bạn trong quá trình bán hàng là gì?

·         Bạn cảm thấy thoải mái nhất khi bán hàng cho ai và tại sao?

·         Hãy bán… này cho tôi

Thông thường, những gì phân biệt một người bán hàng bình thường với một chuyên gia bán hàng xuất sắc không chỉ là bằng cấp hoặc chứng chỉ. Chú ý tìm kiếm các đặc điểm trên đây khi phỏng vấn nhân viên kinh doanh sẽ giúp bạn xác định được năng lực của ứng viên và tìm được người sẽ giúp tăng giá trị cho đội nhóm của bạn.

Pha Lê

Sao chép thành công