4 lí do quy trình tuyển dụng của bạn không “hút” được nhân tài

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn tuyển dụng những nhân viên tài năng, nhưng nhiều công ty dường như rất khó khăn để tìm được người giỏi.

Có thể vấn đề không nằm ở các ứng viên mà nằm ở phía bạn.

Dưới đây là một số cách mà quy trình tuyển dụng của bạn có thể khiến các ứng viên tốt nhất không “mặn mà” ứng tuyển, hãy cùng tham khảo nhé!

 Bạn không đưa ra các tiêu chí thật sự cần thiết

Khi viết tin đăng tuyển dụng, bạn có thể bị hấp dẫn để liệt kê ra tất cả các kỹ năng, phẩm chất, kinh nghiệm… mà một ứng viên hoàn hảo cần có. Khi bạn thể hiện rằng bạn muốn rất nhiều thứ, sẽ có rất nhiều người nộp đơn bởi ai cũng sẽ đáp ứng được một vài tiêu chí trong số đó. Thế nhưng, bạn không thực sự cần tất cả những điều này.

Nếu chỉ có thể chọn một đặc tính quan trọng, bạn hãy xem điều gì là quan trọng nhất mà một nhân viên tuyệt vời cần có để thành công ở vị trí đăng tuyển. Đó có thể là thái độ, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm hoặc một kỹ năng cụ thể nào khác. Có thể bạn thực sự cần một người quản lý có thể cải thiện 20% năng suất làm việc hoặc một nhà phát triển có thể đưa sản phẩm ra thị trường. Dù là gì thì các tiêu chí đưa ra nên tập trung vào những gì công việc đòi hỏi và là điều bạn thực sự cần đến.

Bạn yêu cầu các bằng cấp (trình độ chuyên môn) không thỏa đáng

Nếu bạn cần một kỹ sư cơ khí thì bằng cấp sẽ cho thấy một mức độ kiến ​​thức nhất định của ứng viên. Nhưng nếu bạn cần một nhân viên dịch vụ khách hàng, có cần bằng cấp không? Thường thì sẽ không – và khi bạn yêu cầu, bạn sẽ tự động loại trừ một số người có khả năng tuyệt vời.

Điều này cũng đúng với tiêu chí “nhiều năm kinh nghiệm”. Các công ty thông minh không quan tâm quá nhiều đến việc ứng viên đã làm công việc của họ trong bao lâu. Năm làm việc không cho thấy điều gì cả bởi ứng viên có thể là một nhân viên có kinh nghiệm 10 năm nhưng không được đánh giá cao. Nếu bạn đang tuyển một nhân viên thiết kế web thì nên tập trung vào việc họ đã tạo bao nhiêu trang web, bao nhiêu ứng dụng mà họ đã phát triển… Điều quan trọng hơn hết là những gì ứng viên đã làm.

Đừng bao giờ sử dụng bằng cấp như một đại diện cho thành tích hoặc trình độ. Nhân viên tài năng là người đạt được những kết quả thực tế. Do đó, hãy tìm kiếm những người đã cho thấy họ có thể (hoặc có tiềm năng) đạt được những gì bạn mong muốn.

Bạn buộc ứng viên phải trải qua các thủ tục hành chính không cần thiết

Sẽ có rất nhiều ứng viên đang có việc làm nhưng đôi khi họ vẫn tìm kiếm xung quanh xem mọi thứ đang diễn ra ngoài môi trường của họ như thế nào. Họ tìm thấy tin đăng tuyển của bạn. Họ hào hứng và nộp đơn. Nhưng trải qua quá nhiều bước điền thông tin ứng tuyển, từ thích thú họ trở nên bực bội và bỏ cuộc. Họ thích công việc của bạn nhưng họ không cảm thấy cần công việc này. Điều này cũng tương tự như việc ứng viên trước khi tham gia phỏng vấn phải điền vào các mẫu thông tin, trong khi những điều này đã có sẵn trong CV.

Trong hầu hết các trường hợp, các hệ thống ứng tuyển cồng kềnh được thiết kế để mang lại lợi ích cho nhà tuyển dụng, chứ không phải nhân viên tiềm năng. Mặc dù điều này sẽ giúp công việc của bạn dễ dàng hơn nhưng nó cũng làm cho rất nhiều người giỏi – đặc biệt là những người đang có việc làm – quyết định không nộp đơn ứng tuyển.

Hãy xem ứng viên như khách hàng của bạn. Bạn có làm khó một người có nhiều khả năng sẽ trở thành khách hàng thân thiết với bạn? Tất nhiên là không, thế nên bạn cần làm cho mọi thứ dễ dàng nhất có thể. Hãy làm cho hệ thống ứng tuyển của bạn trở nên đơn giản và gọn nhẹ để tất cả các ứng viên – đặc biệt là các ứng viên xuất sắc – có thể ứng tuyển dễ dàng.

Bạn không phản hồi cho ứng viên

Nghiên cứu cho thấy rằng có khoảng 94% ứng viên không bao giờ nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng, họ không biết liệu hồ sơ của họ có được nhận hay không, liệu công ty đã tìm được ứng viên hay chưa… Hành động này không chỉ cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp mà còn tác động nhất định đến kết quả kinh doanh. Các ứng viên thường chia sẻ những trải nghiệm tồi tệ của họ và một số người mà họ nói chuyện có thể là ứng viên tuyệt vời – những người sẽ không bao giờ ứng tuyển vào công ty của bạn một khi họ đã biết bạn đối xử với người khác như thế nào. Thậm chí, một số người khác mà họ nói chuyện có thể là khách hàng tiềm năng của bạn.

Do đó, trước khi đăng tin tuyển dụng tiếp theo, hãy xác định cách bạn sẽ phản hồi với ứng viên nộp đơn. Có thể bạn sẽ cài đặt thông báo trả lời tự động khi nhận email hoặc sẽ thực hiện thủ công. Tùy tình huống, bạn chỉ cần gửi email chung cảm ơn ứng viên và cho họ biết bạn đã tìm được người phù hợp.

Dù công cụ bạn chọn là gì thì nó không quan trọng bằng việc phản hồi cho ứng viên một cách nhanh chóng, lịch sự và tôn trọng. Và đừng nói rằng bạn không có thời gian trả lời cho họ. Họ đã dành nhiều thời gian và công sức để ứng tuyển, vì vậy đừng bao giờ bắt họ phải chờ đợi câu trả lời của bạn.

Huỳnh Trâm tổng hợp

Sao chép thành công