Trong cuộc đua giành lấy các tài năng hàng đầu, điều quan trọng là tạo cho ứng viên các trải nghiệm tìm việc tích cực. Ấn tượng tốt về quy trình tuyển dụng nhân sự có thể khiến ứng viên quyết định tham gia vào đội nhóm của bạn, trong khi đó một trải nghiệm tiêu cực sẽ tác động đến cách họ suy nghĩ về công ty, không chỉ ở vai trò là người nộp đơn mà còn ở vị trí là một khách hàng.
Nếu bạn muốn tạo ra các trải nghiệm tích cực và không để ứng viên hàng đầu “lao vào” vòng tay của đối thủ cạnh tranh, thì đây là 7 điều bạn cần tập trung vào.
Rút gọn mô tả công việc
Có thể bạn sẽ muốn cung cấp tất cả các chi tiết về công việc nhằm giúp người tìm việc hiểu rõ hơn về vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đưa ra một tin đăng dài dằng dặc, buộc ứng viên phải bỏ hàng giờ để tìm hiểu về các thuật ngữ chuyên môn và chi tiết về lịch sử công ty của bạn.
Thay vào đó, hãy tập trung vào các thông tin cơ bản – là những điều mà ứng viên cần biết bao gồm chức danh công việc, trách nhiệm chính, yêu cầu về khả năng lẫn kỹ năng, môi trường làm việc, văn hóa công ty và địa điểm làm việc. Bất cứ điều gì nhiều hơn thế sẽ làm cho tin đăng tuyển dụng trở nên rối rắm, phức tạp, từ đó dẫn đến trải nghiệm tiêu cực của ứng viên về quy trình tuyển dụng nhân sự.
Đừng để ứng viên chờ đợi
Nếu ứng viên đã dành thời gian để nộp hồ sơ vào một vị trí mở mà bạn đã đăng tuyển thì bạn cũng nên cung cấp cho họ một số phản hồi, đôi khi phản hồi tự động là đủ. Thêm vào đó, ở cuối tin đăng bạn có thể ghi chú “Chỉ những ứng viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn dự tuyển mới được liên hệ phỏng vấn”. Bằng cách này, nếu ứng viên không nhận được phản hồi từ bạn, họ hiểu rằng họ nên tiếp tục quá trình tìm kiếm. Dù là cách nào thì bạn không nên để họ sống trong cảm giác lập lờ hoặc mãi hi vọng đợi chờ.
Linh hoạt với lịch trình
Không phải lúc nào ứng viên cũng sẵn sàng tham gia phỏng vấn vào những khoảng thời gian bạn đề nghị. Do đó, một cách để cải thiện trải nghiệm của ứng viên là hỏi họ một cách cởi mở về thời gian thuận tiện cho cuộc phỏng vấn. Với thông tin có được, bạn có thể khiến ứng viên có trải nghiệm tích cực hơn về quy trình tuyển dụng nhân viên bằng cách dời các cuộc gặp gỡ đó vào cuối ngày, thậm chí là ngoài giờ làm việc.
Luôn chuẩn bị cho mọi cuộc phỏng vấn
Đừng chờ đợi cho đến khi ứng viên đã có mặt ở quầy tiếp tân thì bạn mới in CV và đến gặp họ. Chắc chắn ứng viên sẽ có ấn tượng không tốt nếu nhận thấy giờ đây bạn mới bắt đầu đọc các thông tin về họ và điều đó chứng tỏ bạn không có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho những gì sắp diễn ra.
Nếu bạn có cuộc hẹn với ứng viên vào lúc 3 giờ chiều, hãy đặt chuông báo vào lúc 2 giờ 30 để bạn có đủ thời gian in CV và tìm hiểu về lịch sử làm việc cũng như nền tảng của ứng viên. Đây cũng là cơ hội tốt để chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn trọng tâm trước cuộc gặp gỡ. Bên cạnh đó, cần đảm bảo rằng phòng phỏng vấn của bạn gọn gàng và sạch sẽ, cụ thể là không có các ly nước đã được uống dở dang, không có các mảnh giấy ghi chú nằm rải rác trên bàn hoặc các thông tin được ghi chi chít trên bảng từ các cuộc họp trước đó.
Hỏi những câu hỏi hay
Nếu bạn may mắn có được một ứng viên tuyệt vời đang ngồi đối diện, hãy tận dụng tối đa tình huống và không lãng phí thời gian của cả hai. Điều này có thể đạt được bằng cách thu thập, xác nhận và làm rõ càng nhiều thông tin càng tốt thông qua việc đặt các câu hỏi thú vị giúp bạn đánh giá chính xác hành vi, năng lực cốt lõi hoặc khả năng thực sự của ứng viên.
Đã qua rồi cái thời chỉ hỏi về điểm mạnh, điểm yếu hoặc đưa ra các câu hỏi giả thuyết. Cách duy nhất để xác định khả năng thành công của ứng viên trong vai trò ứng tuyển là đặt câu hỏi xung quanh cách họ thực hiện một nhiệm vụ tương tự trong quá khứ.
Trung thực
Có rất nhiều lời khuyên cho rằng ứng viên không nên nói dối nhà tuyển dụng và bạn cũng nên làm điều đó với họ. Đừng phóng đại quá nhiều về công việc hoặc công ty, thay vào đó, hãy nói thẳng về thực tế vốn có. Những gì làm cho một công việc kém hấp dẫn đối với ứng viên này có thể khiến nó trở thành công việc mơ ước với một người khác. Minh bạch và trung thực với các ứng viên sẽ giúp bạn xây dựng sự tin cậy và có được sự tôn trọng từ họ.
Khiến ứng viên trở nên thoải mái hơn
Tất cả chúng ta đều biết rằng quy trình tuyển dụng nhân sự có thể khiến ứng viên căng thẳng và lo lắng. Bạn không bao giờ loại bỏ được tất cả những căng thẳng này khỏi quá trình tìm kiếm việc làm và đây cũng không phải là nhiệm vụ của bạn. Nhưng nếu có một số thay đổi đơn giản mà bạn có thể thực hiện để làm cho việc ứng tuyển bớt căng thẳng hơn một chút, bạn hoàn toàn nên làm điều đó.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?