10 câu hỏi đánh giá kỹ năng tư duy phản biện của ứng viên

Các câu hỏi về kỹ năng tư duy phản biện là một phần không thể thiếu trong quá trình phỏng vấn nếu bạn đang tìm một ứng viên đảm trách vị trí yêu cầu kỹ năng ra quyết định chính xác và hợp lý.

Nhiều nhà tuyển dụng thường bỏ qua kỹ năng này vì không phải lúc nào cũng dễ dàng đánh giá. Tuy nhiên, với những gợi ý sau bạn sẽ cảm thấy quá trình này không quá phức tạp như vẫn tưởng.

Tư duy phản biện là gì?

Tư duy phản biện là quá trình suy nghĩ giúp bạn đánh giá thông tin một cách khách quan và đưa ra các phản ứng phù hợp.

Ở nơi làm việc, những người có kỹ năng tư duy phản biện được đánh giá cao vì họ thường đưa ra những lời khuyên hợp lý, những giải pháp thấu đáo và đánh giá mọi việc công bằng.

8 lợi ích của người có kỹ năng tư duy phản biện

–       Họ phân tích các tình huống một cách cẩn thận;

–       Họ suy luận một cách logic và dựa trên thực tế;

–       Họ có thể phân biệt giữa sự thật với lời nói dối và chỉ ra chúng;

–       Họ tiến hành nghiên cứu sâu hơn hoặc tham khảo các trải nghiệm trong quá khứ và hạn chế sự thiên vị;

–       Họ phát hiện mâu thuẫn và thực hiện so sánh;

–       Họ hình dung ra các giải pháp và những hậu quả tiềm ẩn của nó;

–       Họ định lượng các kết luận của bản thân và đưa ra các quyết định sáng suốt;

–       Và họ chuyển đổi tình huống từ tiêu cực sang tích cực.

Dù tình huống là gì thì người có kỹ năng tư duy phản biện luôn đối mặt với vấn đề và giải quyết nó theo cách tốt nhất có thể. Họ cũng không ngần ngại đưa ra những quyết định không phổ biến nếu đó là lợi ích tốt nhất của công ty hoặc những người có liên quan.

Thật khó để biết mức độ kỹ năng tư duy phản biện của ứng viên trừ khi bạn đặc biệt tìm kiếm nó trong quá trình phỏng vấn. Các câu hỏi phỏng vấn về tư duy phản biện là một trong những công cụ giúp các nhà tuyển dụng đánh giá cách một ứng viên sẽ xử lý các tình huống không thể đoán trước có thể phát sinh trong công việc.

Câu hỏi phỏng vấn phổ biến giúp đánh giá kỹ năng tư duy phản biện của ứng viên

Bạn sẽ làm gì nếu có một nhiệm vụ sắp đến thời hạn nhưng bạn vẫn chưa có tất cả các thông tin cần thiết?

Nếu bạn tìm ra giải pháp hiệu quả hơn để tiết kiệm chi phí nhưng người quản lý không hiểu những gì bạn đang nói, bạn sẽ làm thế nào?

Khi đứng đầu một nhóm, bạn có thể nhận được những ý kiến khác nhau về cách thực hiện công việc. Làm thế nào để bạn tạo ra sự đồng thuận?

Bạn sẽ làm gì nếu người quản lý hối thúc bạn hoàn thành một dự án mới mà bỏ qua các dự án khác đã gần đến thời hạn?

Một đơn đặt hàng không được giao cho khách hàng đúng hạn và họ rất tức giận. Họ muốn bạn hủy đơn hàng. Bạn sẽ làm thế nào để khắc phục thiệt hại và giữ chân được khách hàng?

Công việc kinh doanh đang chậm lại và bạn đang hỏi ý kiến mọi người để cải thiện tình hình. Ai đó đề nghị giảm giá và tập trung nhiều hơn vào sự hài lòng của khách hàng. Phản ứng của bạn là gì?

Bạn có một nhân viên hoàn thành xuất sắc công việc nhưng họ lại ứng xử thiếu chuyên nghiệp với đồng nghiệp và điều đó gây ra xích mích trong đội nhóm. Bạn giải quyết vấn đề như thế nào?

Bạn tham gia một cuộc họp và người quản lý trích dẫn sai giá cả hoặc một quy trình có thể tác động đáng kể đến bộ phận hoặc công việc của bạn, bạn sẽ làm gì?

Nếu bạn phải đưa ra quyết định dựa trên thông tin không đầy đủ, bạn sẽ xử lý ra sao?

Bạn sẽ làm gì khi bạn và đồng đội của bạn không thống nhất về cách tiếp tục thực hiện một dự án?

Bạn nên chú ý điều gì khi đặt câu hỏi phỏng vấn về kỹ năng tư duy phản biện?

Bạn sẽ nhận thấy rằng các vấn đề được liệt kê ở trên rất rộng và không có câu trả lời hoặc kết quả đúng hay sai. Những điều bạn nên tìm kiếm là cách ứng viên phản hồi và quá trình lập luận. Mỗi câu hỏi về kỹ năng tư duy phản biện là một tình huống giả định có khả năng trở thành một vấn đề lớn nếu không được giải quyết hợp lý.

Những ứng viên có trí tuệ cảm xúc cao và kỹ năng tư duy phản biện mạnh mẽ sẽ không đưa ra câu trả lời theo lối mòn. Đối mặt với một tình huống phức tạp, tư duy phản biện của họ sẽ phát huy tác dụng và rất có thể họ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi để tìm hiểu sâu hơn. Đừng ngạc nhiên nếu bạn nhận được câu trả lời như “Tôi cần tìm hiểu thêm một chút về…”. Người có tư duy phản biện sẽ xác nhận thông tin trước khi đưa ra phản hồi.

Ngược lại, những người không hỏi thêm chi tiết và không suy nghĩ trước khi trả lời, có khả năng không phát triển kỹ năng phân tích. Họ cũng có xu hướng ra quyết định kém và dựa trên cảm xúc.

Trả lời những câu hỏi sau đây sẽ hữu ích cho bạn trong việc đánh giá tư duy phản biện trong quy trình phỏng vấn.

Ứng viên có mô tả cách họ xác định vấn đề không? Tại sao họ biết đó là vấn đề? Một người có tư duy phản biện luôn muốn người nghe của họ hiểu được vấn đề.

Ứng viên có nói về những lựa chọn mà họ thấy khả thi và cách họ xác định lựa chọn tốt nhất không?

Ứng viên có đề cập đến những chi tiết quan trọng hỗ trợ cho đánh giá của họ không?

Ứng viên có đưa ra kế hoạch ngăn chặn hoặc giải quyết cho các vấn đề tương tự trong tương lai không?

Là một nhà tuyển dụng, điều quan trọng là phải nhận ra rằng trong khi các kỹ năng kỹ thuật là thành phần cốt lõi của hiệu suất ở hầu hết các vai trò nhưng chúng có thể học được. Trái lại, kỹ năng tư duy phản biện là điều rất khó để học. Vì vậy, hãy đảm bảo bao gồm các câu hỏi tư duy phản biện tập trung vào khả năng giải quyết các vấn đề kinh doanh của bạn một cách hợp lý trong quá trình phỏng vấn.

Đặng Hảo

Sao chép thành công