6 điều cần nhớ khi phỏng vấn sinh viên mới ra trường

Vì sinh viên mới ra trường thiếu hoặc không có nhiều kinh nghiệm nên bạn không thể dựa vào kỹ năng làm việc, lịch sử công việc để hiểu được khả năng của họ. Vậy làm sao để biết được thực lực của họ để ra quyết định chính xác?

Dưới đây là 6 quy tắc cần biết khi phỏng vấn sinh viên mới tốt nghiệp sẽ giúp bạn nhìn thấy được tiềm năng của họ.

Đưa ra các hướng dẫn rõ ràng

Là người phỏng vấn những ứng viên chưa có kinh nghiệm, bạn cần hỗ trợ họ trong suốt cuộc phỏng vấn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai bên, hãy cung cấp cho các ứng viên các hướng dẫn rõ ràng, chi tiết. Nói cho ứng viên biết họ nên trả lời câu hỏi phỏng vấn của bạn như thế nào. Chẳng hạn “Khi tôi đưa ra những câu hỏi, hãy cố gắng trả lời cụ thể, đưa ra các dẫn chứng và cho tôi biết về kết quả”.

Sử dụng các câu hỏi gợi mở tiếp theo

Ứng viên có thể bối rối và rất lo lắng trong cuộc phỏng vấn, vì họ không có nhiều kinh nghiệm trong các tình huống như thế này trước đây. Do đó, bạn hãy chuẩn bị nhận về một số câu trả lời không đầy đủ hoặc mơ hồ, cho dù đã có hướng dẫn như trên.

Đừng tỏ ra khó chịu khi điều này xảy ra.

Thay vì yêu cầu ứng viên lặp lại câu trả lời hoặc nói rằng câu trả lời của họ là chưa tốt, hãy cho họ cơ hội thứ 2 bằng cách sử dụng các câu hỏi gợi mở tiếp theo, ví dụ như “Hãy nói cho tôi biết một chút về những gì bạn đã làm và thời gian là khi nào. Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra khi bạn thực hiện công việc đó?”

Tìm hiểu kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian của họ

Khả năng tổ chức và quản lý thời gian là chìa khóa quan trọng của các dự án thành công. Nếu nhân viên của bạn có kiến thức để làm một việc gì đó nhưng lại thiếu kỹ năng sắp xếp thời gian và các hoạt động thì họ không phải là người phù hợp với công việc.

Để biết khả năng này của ứng viên đến đâu, hãy hỏi họ một số câu hỏi chung về cuộc sống của họ. Điều này sẽ giúp bạn hiểu cách họ sắp xếp và ưu tiên các công việc hàng ngày, chẳng hạn “Hãy cho tôi biết cách bạn tổ chức một ngày bình thường, bắt đầu từ sáng cho đến khi bạn đi ngủ. Nếu bạn muốn, bạn có thể nói về những ngày bạn còn đi học.”

Hỏi về kỹ năng giải quyết vấn đề

Khi hỏi về kỹ năng giải quyết vấn đề của ứng viên, bạn nên sử dụng các câu hỏi phỏng vấn giải quyết vấn đề cụ thể. Các kinh nghiệm làm việc có thể rất hữu ích để bạn đánh giá khả năng này của họ. Nhưng ngay cả khi ứng viên không có kinh nghiệm làm việc, bạn có thể tập trung vào các trải nghiệm hoạt động tình nguyện hoặc thực tập của họ, cũng như các môn học đòi hỏi kỹ năng này.

Cụ thể, “Bạn đã bao giờ trải qua tình huống phải hành động nhanh và giải quyết một vấn đề bất ngờ chưa? Trách nhiệm và quyết định của bạn trong thời điểm đó ra sao? Kết quả của hành động của bạn là gì?”

Đừng vội đánh giá kỹ năng giao tiếp của họ

Một sinh viên mới tốt nghiệp có thể sở hữu kỹ năng giao tiếp tuyệt vời nhưng cảm giác quá lo lắng và căng thẳng trong cuộc phỏng vấn khiến họ không bộc lộ một cách tốt nhất. Vậy nên, hãy thử đánh giá các kỹ năng giao tiếp của họ bằng cách sử dụng các câu hỏi phỏng vấn kỹ năng cụ thể ở một nơi nào đó sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn.

Lúc này ứng viên đã được giải tỏa khỏi căng thẳng ban đầu và có thể thể hiện bản thân mà không gặp nhiều khó khăn. Hãy chú ý đến các chi tiết như ứng viên có trả lời câu hỏi của bạn mà không cần thời gian để suy nghĩ không? Hoặc họ cần rất nhiều thời gian để xử lý câu hỏi? Ứng viên sử dụng loại ngôn ngữ nào trong khi nói chuyện với bạn? để đưa ra nhận xét chính xác.

Đánh giá động lực của họ

Cho dù thành tích học tập của một ứng viên tuyệt vời đến thế nào thì họ cũng sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho công ty của bạn nếu họ không có động lực làm việc. Do đó, hãy kiểm tra động lực của họ. Một sinh viên mới tốt nghiệp có động lực sẽ học những gì họ không biết nhanh hơn và tận dụng tất cả các kỹ năng có được để hoàn thành công việc.

Đáp án cho các câu hỏi “Bạn thích làm gì nhất? Khi bạn không học, bạn làm gì trong thời gian rảnh? Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?” sẽ cho bạn thông tin về các giá trị và đóng góp mà ứng viên sẽ mang lại cho công ty bạn.

 

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công