Chia sẻ những câu chuyện tìm kiếm nhân sự đáng nhớ nhất

Thu hút nhân tài có khó không? Tất nhiên rồi.

Quá trình tìm kiếm nhân sự chất lượng đang trở nên khó khăn hơn? Rất có thể.

Việc tuyển dụng có bao giờ nhàm chán không? Chắc chắn là không.

Bởi vì mỗi ngày chúng ta sẽ gặp những con người khác nhau và gặp nhiều tình huống thú vị, có khi là khó quên nhất trong suốt sự nghiệp. Những câu chuyện nhỏ mà bạn sắp đọc sau đây được chia sẻ từ các chuyên gia nhân sự như một lời khuyến khích bạn tiếp tục nỗ lực khi mọi việc trở nên khó khăn và cũng là kinh nghiệm hữu ích cho những ai muốn chinh phục nghề nghiệp này.

Những tình huống tìm kiếm nhân sự khó quên được chia sẻ từ người trong nghề

Chiếm được tình cảm của ứng viên nhờ văn hóa doanh nghiệp gần gũi, thân thiện

Là một nhân viên có 10 năm kinh nghiệm tuyển dụng, Vân Anh có rất nhiều câu chuyện để kể và kinh nghiệm để rút ra. Như chúng ta đều biết bất động sản không phải là ngành có mức độ cạnh tranh thấp nhưng Vân Anh đã đánh bại đối thủ và giành về ứng viên chất lượng chỉ trong vòng 3 ngày – một con số rất ấn tượng.

“Đúng vậy, mình và ứng viên đã có 2 cuộc phỏng vấn qua điện thoại, một buổi gặp gỡ trực tiếp và mình đã nói chuyện với người tham khảo của bạn ấy, tất cả chỉ trong vòng 3 ngày. Đó là một ứng viên rất có tiềm năng và phù hợp với công ty mình về mọi mặt nhưng có một chút rắc rối là bạn ấy cũng nhận được lời đề nghị từ công ty bất động sản khác.

Cuối cùng, mình hỏi thẳng bạn ấy rằng “Với hai lời mời làm việc này thì trái tim của bạn hướng về ai?”

Bạn ấy nói rằng rất thích việc Giám đốc điều hành của bên mình hỏi về sở thích và những điều bạn ấy làm trong thời gian rảnh rỗi. Bạn ấy biết rằng bản thân phù hợp với nền văn hóa của bên mình bởi vì bạn ấy sẽ được đối xử một cách tử tế, chứ không phải chỉ là một trong những bánh răng của cỗ máy vô cảm. Điều này rất quan trọng bởi ai cũng muốn cảm thấy mình là một phần có giá trị của tập thể. Đối với nhiều ứng viên, họ không chỉ đánh giá lời đề nghị và mức lương mà còn quan tâm đến văn hóa của doanh nghiệp”, Vân Anh chia sẻ.

“Có những tình huống tìm kiếm nhân sự đáng nhớ nhất, hài hước có, khó chịu có mà nhà tuyển dụng không bao giờ quên vì nó ẩn chứa nhiều bài học đắt giá.”

Cung cấp cho nhân viên lợi ích mà các công ty lớn không thể

Cũng liên quan về văn hóa doanh nghiệp nhưng câu chuyện của anh Hữu Trí, đang điều hành một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ, lại đi theo một hướng khác.

Anh kể “Tôi điều hành một công ty rất nhỏ và có nhu cầu tuyển dụng 2 nhân viên lập trình. Các vị trí lập trình đang rất được săn đón và startup của tôi hoàn toàn không thể cạnh tranh với các ông lớn công nghệ khác về lương bổng hoặc phúc lợi.

Để tìm được nhân viên, tôi tập trung vào các lợi ích mình có thể cung cấp mà các công ty lớn hơn khó thể như lịch làm việc linh hoạt, không có rắc rối chốn công sở, hoàn toàn tự chủ trong công việc, có thể đóng góp mọi ý kiến để cải thiện định hướng kỹ thuật của công ty và làm việc trực tiếp với Giám đốc điều hành thay vì quản lý cấp trung.

Tôi luôn nêu bật những lợi ích này ở mọi bước trong quy trình tìm kiếm nhân sự, từ mô tả công việc cho đến buổi phỏng vấn cuối cùng. Đến lúc đưa ra lời mời làm việc, hai ứng viên hàng đầu của tôi đã đồng ý ngay lập tức”.

Tìm hiểu về ứng viên, không chỉ trên hồ sơ xin việc

Mặc dù không có kết thúc có hậu như 2 câu chuyện trên nhưng trải nghiệm mà Hồng Nhung chia sẻ lại bao hàm một bài học quý về sự thận trọng.

“Mình làm việc cho một công ty dược phẩm và lúc đó đang tuyển ứng viên cho vị trí Trưởng nhóm Marketing. Mình đã tìm thấy một người có nhiều kinh nghiệm làm truyền thông và cũng muốn thử sức ở ngành dược phẩm. Khi lịch phỏng vấn đã được gửi đi thì sếp hỏi mình rằng: Em đã Google về ứng viên chưa? Đây chắc chắn không phải là tin tốt lành rồi.

Sếp cho mình xem “tài liệu” về bạn ứng viên ấy trên một mạng xã hội, toàn là hình ảnh nổi loạn kèm theo những lời bình luận rất khó nghe. Sếp bảo mình hủy ngay lịch phỏng vấn vì cho rằng ứng viên đó hoàn toàn không phù hợp với nhóm khách hàng dược phẩm vốn có phần thận trọng và nguyên tắc của công ty.

Đây vừa là bài học cho mình cần thận trọng hơn trong việc tìm kiếm ứng viên phù hợp, tìm hiểu về ứng viên từ mọi nguồn có thể cả về thái độ chứ không chỉ về trình độ vừa là bài học cho ứng viên rằng mọi hoạt động trực tuyến của bạn đều rất dễ tìm thấy và nó có thể gây bất lợi cho bạn khi tìm kiếm việc làm.”

Lịch sự và tôn trọng ứng viên trong mọi tình huống

Đây là điều mà Minh Hải luôn tâm niệm trong suốt 8 năm làm công việc tuyển dụng. Một tình huống minh họa cho điều này là khi anh có một ứng viên đến phỏng vấn sớm hơn 40 phút so với lịch hẹn.  

“Văn phòng mình khá nhỏ vì vậy không có nhiều không gian để nhiều ứng viên có thể ngồi chờ. Vậy nên mình mới đề nghị bạn ấy đến quán cà phê gần đó và quay lại vào thời gian đã hẹn nhưng bạn ấy từ chối và nói rằng sẽ tranh thủ thời gian để gọi điện.

Thế là sau đó văn phòng mình trở nên rộn ràng bởi cuộc nói chuyện của bạn ấy. Cuối cùng giờ hẹn cũng đến nhưng ứng viên vẫn nghe điện thoại. Khi mình có ý nhắc thì bạn ấy chỉ chỉ vào điện thoại ý nói rằng vẫn chưa hết chuyện. 15 phút sau, bạn ấy cũng sẵn sàng. Buổi phỏng vấn vẫn diễn ra bình thường như mọi ứng viên khác cho cùng vị trí. Người quản lý đã đánh giá cao mình vì điều này bởi lẽ nếu là người khác thì bạn ứng viên kia đã bị từ chối thẳng thừng trước khi bước vào phòng phỏng vấn, chứ không phải là nhận được email từ chối lịch sự vài ngày sau đó.

Khi ở vị trí là nhà tuyển dụng tìm kiếm nhân sự, bạn đang đại diện cho doanh nghiệp. Và trong mọi hoàn cảnh, bạn cần thể hiện những phẩm chất ưu tú nhất, kể cả khi ứng viên đang khiến bạn nóng mặt.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công