5 lý do ứng viên không đến phỏng vấn và cách hạn chế

Có thể nói được mời đến buổi phỏng vấn việc làm là mong muốn của nhiều người. Tuy nhiên, có rất nhiều ứng viên không xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn và điều đó khiến bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng cảm thấy thất vọng, thậm chí khó chịu. Có nhiều lý do khác nhau tại sao một ứng viên có thể không xuất hiện trong buổi phỏng vấn xin việc cũng như cách hạn chế tình trạng này mà các nhà tuyển dụng có thể tham khảo ngay sau đây.

Lí do ứng viên không xuất hiện trong buổi phỏng vấn

Ứng viên bận việc đột xuất

Không phải lúc nào kế hoạch cũng như ý muốn, nên nhiều khi ứng viên sẽ bận việc đột xuất khiến lỡ buổi phỏng vấn như ốm đau, gia đình xảy ra chuyện quan trọng… Tuy nhiên, họ cũng bận hoặc “đãng trí” không thông báo trước cho nhà tuyển dụng, và chỉ nhớ khi nhận thư hoặc cuộc gọi phản hồi.

Ứng viên quên lịch hẹn, nhớ nhầm ngày

Cũng gần như chuyện bận việc đột xuất, nhưng trong trường hợp này, ứng viên “đoảng” hơn khi họ quên hẳn lịch hẹn hoặc nhớ nhầm ngày. Điều này có thể do buổi phỏng vấn được lên lịch từ khá xa. Nếu tình huống này xảy ra, ngay cả khi ứng viên nhận ra rằng họ đã bỏ lỡ buổi phỏng vấn, có nhiều khả năng họ sẽ không muốn liên hệ lại với bạn.

Ứng viên chưa sẵn sàng tâm lý và năng lực

Một lý do khác thường gặp đó là nhiều ứng viên (nhất là những sinh viên mới ra trường) chưa sẵn sàng về tâm lý và kiến thức chuyên môn. Họ thiếu tự tin và cho rằng bản thân sẽ chẳng có hy vọng với buổi phỏng vấn thực tế, và tỉ lệ “bỏ cuộc” càng cao nếu nhà tuyển dụng là các doanh nghiệp lớn. Thế nên ứng viên tự động hủy hẹn và muốn dành thời gian cho các lựa chọn khác mà họ nghĩ là “vừa sức” với mình hơn.

Ứng viên không tìm được địa chỉ

Thoạt nghe qua thì đây có thể là một lý do rất hài hước, nhưng cũng không ít bạn do sơ ý không tìm hiểu trước nên chẳng thể tìm ra địa chỉ tuyển dụng. Bởi không phải công ty nào cũng đủ khả năng thuê mặt tiền hoành tráng, và không phải ứng viên nào cũng biết cách “chinh phục” các con đường ngoằn ngoèo ở những thành phố lớn. Có thể họ đã mất quá nhiều thời gian so với dự kiến và bị trễ hẹn nhiều giờ nên không “dám” liên lạc với nhà tuyển dụng vì tâm lý e ngại.

Bận rộn với công việc

Các ứng viên – người đang có công việc ổn định – thường phải “vật lộn” mới có được thời gian để đi phỏng vấn xin việc. Trong nhiều trường hợp, họ có thể “bớt” chút thời gian dành cho công việc vì không muốn khiến người quản lý khó chịu. Nếu có một sự cố nào đó xuất hiện vào phút cuối khiến họ không thể vắng mặt, họ buộc phải bỏ qua cuộc phỏng vấn và không liên hệ lại bởi họ biết rằng mình không còn cơ hội cho vị trí tuyển dụng đó.

Bí quyết giúp hạn chế tình trạng ứng viên không tham gia phỏng vấn dù đã hẹn

Hãy làm mọi thứ có thể nhằm giúp ứng viên có mặt trong buổi phỏng vấn vì như thế bạn sẽ không bỏ lỡ các nhân viên tiềm năng, điển hình là một số cách sau.

Hướng dẫn tận tình và nhắc nhở thường xuyên

Hãy chắc chắn rằng ứng viên biết địa chỉ phỏng vấn cụ thể, làm thế nào để đến đó, cần mang theo giấy tờ gì, thời gian khi nào, gặp ai và nhiều thông tin cần thiết khác. Thậm chí bạn có thể gọi điện nhắc nhở ứng viên về buổi phỏng vấn 1 ngày và 2 tiếng đồng hồ trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu nhằm đảm bảo họ nhớ đến nó, đặc biệt khi cuộc gặp gỡ này được lên lịch khá lâu.

Hãy thân thiện

Bạn cần tìm cách để thể hiện sự thân thiện với ứng viên nhằm giảm bớt sự lo lắng của họ. Chẳng hạn, sắp xếp một cuộc trò chuyện qua điện thoại ngắn giữa họ với người phỏng vấn chính trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu hoặc cung cấp cho họ một vài câu hỏi để chuẩn bị. Những điều khá nhỏ như thế này có thể giúp giảm bớt phần nào sự lo lắng của ứng viên.

Linh hoạt sắp xếp

Nếu ứng viên hiện đang có việc làm, bạn có thể linh hoạt sắp xếp phỏng vấn sau giờ làm hoặc cho họ biết rằng bạn sẽ có thể lên lịch lại miễn là họ báo trước. Sự linh hoạt này sẽ rất hữu dụng với các ứng viên đang làm việc và giúp bạn không bỏ lỡ cơ hội mang về cho công ty những nhân viên đầy tiềm năng.

 

Trung Thành

Sao chép thành công