Mục Lục
- Những câu hỏi phỏng vấn sàng lọc mà mọi nhà tuyển dụng cần hỏi
- Địa điểm làm việc có thuận tiện cho bạn không?
- Điều gì thu hút bạn đến với vị trí công việc và công ty này?
- Bạn mô tả môi trường làm việc lý tưởng của mình thế nào?
- Bạn đã đảm nhiệm những nhiệm vụ nào ở vị trí trước đây mà bạn tin rằng sẽ có giá trị ở vị trí này?
- Mức lương mà bạn mong muốn cho vị trí này là bao nhiêu?
Một trong những phần quan trọng nhất của quá trình tuyển dụng là đặt các câu hỏi phỏng vấn sàng lọc cho các ứng viên xin việc.
Quá trình tuyển dụng có thể mất nhiều thời gian để hoàn thành. Đây là lý do vì sao bạn nên hạn chế dành thời gian cho những ứng viên không phù hợp bằng các cuộc phỏng vấn sàng lọc. Trái với lầm tưởng của nhiều người cho rằng điều này chỉ làm tốn thời gian quý báu thì đây là chìa khóa để tiết kiệm thời gian sau này và đảm bảo bạn sẽ tuyển được đúng người cho vị trí cụ thể. Không có gì khó chịu cho bằng việc gặp gỡ một ứng viên đủ tiêu chuẩn, thú vị để rồi nhận ra rằng có một rào cản để tiến xa hơn, chẳng hạn như chênh lệch về mức lương kỳ vọng, thiếu kỹ năng hoặc hiểu sai về địa điểm làm việc.
Bạn có muốn biết các nhà tuyển dụng có kinh nghiệm sàng lọc ứng viên như thế nào không? Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Trưởng phòng Tuyển dụng chia sẻ: “Các cuộc phỏng vấn qua điện thoại là giải pháp thuận tiện để sàng lọc ứng viên. Chỉ cần một vài câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp, sở thích công việc và khả năng của ứng viên sẽ giúp bạn xác định ai nên được phỏng vấn sâu hơn”.
“Những câu hỏi phỏng vấn sàng lọc phải ngắn gọn và cụ thể, cộng với yêu cầu câu trả lời chi tiết vì chúng sẽ được sử dụng trên một nhóm ứng viên lớn.”
Sau đây là 5 câu hỏi quan trọng cần hỏi mà chị Tuyết Trinh muốn đề cập.
Những câu hỏi phỏng vấn sàng lọc mà mọi nhà tuyển dụng cần hỏi
Địa điểm làm việc có thuận tiện cho bạn không?
Tùy theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí tùy vào vị trí khác nhau trong một công ty mà yêu cầu về nơi làm việc sẽ khác nhau. Một số công việc có thể linh hoạt về giờ giấc còn một số thì không. Ứng viên có thể đã đọc được thông tin về khả năng làm việc từ xa của một bộ phận cụ thể nhưng không nhận ra rằng điều đó không áp dụng cho nhóm mà họ muốn tham gia.
“Tương tự như vậy, ứng viên có thể biết trụ sở chính công ty ở thành phố lớn và cho rằng công việc sẽ diễn ra ở đó nhưng hóa ra nhóm của họ lại làm việc ở một tỉnh khác. Nhằm tránh những hiểu lầm có thể gây mất thời gian cho cả hai bên, bạn có thể sử dụng câu hỏi sàng lọc này như một cách để đảm bảo ứng viên biết chính xác văn phòng thực tế của bạn ở đâu và kỳ vọng xung quanh vị trí tuyển dụng là gì”, chị Tuyết Trinh gợi ý.
Điều gì thu hút bạn đến với vị trí công việc và công ty này?
Câu hỏi phỏng vấn sàng lọc trước này rất cần thiết vì nó cho thấy lí do đằng sau việc ứng viên muốn gia nhập công ty. Một số ứng viên nộp đơn xin mọi việc trên đời vì họ rất cần một công việc hoặc động lực duy nhất của họ là mức lương cao hơn. Đặt câu hỏi này sẽ giúp bạn có thêm thông tin chi tiết về việc ứng viên đã nghiên cứu công ty và có thực sự quan tâm đến vai trò hay không.
“Các ứng viên tiềm năng sẽ chủ động tìm hiểu về công ty bạn, hiểu cách thức làm việc cũng như có kinh nghiệm trong ngành. Nếu họ nêu rõ điều gì thu hút họ đến với vị trí hoặc công ty thì nhiều khả năng họ sẽ gắn bó lâu dài và có động lực làm việc cao hơn nếu được tuyển dụng. Bạn đừng bao giờ nên để mất những ứng viên như vậy”, chị Tuyết Trinh phân tích.
Theo chị, câu hỏi này cũng sẽ cho bạn biết ứng viên biết gì về công ty của bạn ngoài những thông tin trên trực tuyến. Đó có thể là bạn bè của họ đã từng làm việc ở công ty bạn và thích môi trường ở đây hoặc họ hâm mộ các chiến dịch tiếp thị mà công ty đã thực hiện. Mặt khác, khi đặt câu hỏi về lí do ứng tuyển, bạn sẽ biết được điều gì thúc đẩy họ muốn làm việc ở công ty của bạn và bạn có thể sử dụng điều này như một lợi thế để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong việc thu hút các ứng viên có trình độ cao.
Bạn mô tả môi trường làm việc lý tưởng của mình thế nào?
Khi sàng lọc ứng viên, việc hỏi về môi trường làm việc lý tưởng của họ có thể cho bạn biết khá nhiều về nhiều thứ hơn là chỉ tiết lộ sở thích công việc, khả năng tương thích của họ với văn hóa làm việc và các thành viên khác trong nhóm. “Câu trả lời của ứng viên cũng cung cấp thông tin chi tiết về các giá trị ưu tiên của họ, chẳng hạn như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tính linh hoạt và cơ hội phát triển”, chị Tuyết Trinh tiết lộ.
Phản hồi của họ có thể giúp bạn xác định xem kỳ vọng của ứng viên có phù hợp với văn hóa và giá trị của công ty bạn hay không đồng thời giảm thiểu xung đột và khả năng rời đi trong tương lai. Hơn nữa, đó còn là cơ hội để bạn thể hiện thế mạnh và nét độc đáo của doanh nghiệp để thu hút những nhân tài hàng đầu.
Bạn đã đảm nhiệm những nhiệm vụ nào ở vị trí trước đây mà bạn tin rằng sẽ có giá trị ở vị trí này?
Hãy lưu ý đến khả năng của ứng viên trong việc xử lý các trách nhiệm liên quan đến vai trò công việc mà họ đã ứng tuyển. Bằng các câu hỏi tương tự như “Bạn chịu trách nhiệm thực hiện những loại công việc nào ở vị trí trước đây?”, “Bạn có từng làm các công việc ngoài mô tả của mình không?”… bạn có thể đánh giá trực tiếp trình độ và khả năng thực hiện công việc của ứng viên.
“Yêu cầu công việc có thể khác nhau giữa các công ty đối với một chức danh công việc cụ thể. Đó là lý do tại sao bạn nên hỏi ứng viên về vai trò và trách nhiệm của họ tại công ty trước đây thay vì chỉ xem qua chức danh công việc để xem liệu họ có kinh nghiệm làm việc mà bạn cần hay không”, chị Tuyết Trinh giải thích.
Chị nói thêm “Hơn nữa, cách ứng viên kể về kinh nghiệm cũng có thể giúp bạn có cái nhìn sâu sắc về cách họ nhận thức bản thân, sự tự tin và khả năng thể hiện giá trị bản thân – tất cả đều là những kỹ năng mềm quan trọng trong môi trường làm việc năng động ngày nay”.
Mức lương mà bạn mong muốn cho vị trí này là bao nhiêu?
Nếu ứng viên phù hợp hoàn hảo về mặt văn hóa và đáp ứng được yêu cầu công việc nhưng lại đưa ra mức lương quá cao so với ngân sách thì thời gian bạn bỏ ra sẽ trở nên vô ích. “Việc biết thông tin này ngay từ đầu giúp đơn giản hóa quy trình tuyển dụng, cả bạn và ứng viên cũng tiết kiệm thời gian và công sức của nhau”, chị Tuyết Trinh nêu ý kiến.
Ngoài ra, thảo luận về kỳ vọng mức lương trước còn tạo tiền đề cho các cuộc thảo luận cởi mở và minh bạch về chế độ lương thưởng, thúc đẩy trải nghiệm tích cực của ứng viên và nâng cao thương hiệu nhà tuyển dụng của bạn.
Phỏng vấn sàng lọc là một bước nhỏ nhưng cần thiết để tuyển dụng hiệu quả. Chỉ cần một cuộc gọi điện thoại kéo dài 15 phút hoặc một bảng câu hỏi ngắn là bạn đã biết được các thông tin cần thiết về ứng viên trước khi quyết định đưa họ vào vòng phỏng vấn chính thức. Hãy áp dụng những câu hỏi phỏng vấn sàng lọc này và tận dụng hiểu biết của bạn để xây dựng các đội nhóm mạnh mẽ, hiệu quả, góp phần vào thành công chung của doanh nghiệp nhé.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.13Offer letter nên tránh lỗi nào để tăng cơ hội ứng viên đồng ý?
- Nghệ thuật quản lý2025.01.066 dấu hiệu bạn đang lãnh đạo nhóm hiệu quả
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.305 câu hỏi giúp đánh giá khả năng ứng viên qua CV
- Nghệ thuật quản lý2024.12.23Vượt qua thành kiến khi đánh giá hiệu suất làm việc cuối năm