Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?

Ngoài kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, giải quyết vấn đề, đàm phán… thì chúng ta vẫn thường nghe nói nhà tuyển dụng cần thêm một chút khả năng bán hàng/tiếp thị để tạo sự hấp dẫn cho công việc và thu hút ứng viên chất lượng. Thực tế thì có nhiều chuyên gia nhân sự đã làm rất tốt điều này, thậm chí vô tình thổi phồng công việc, khiến ứng viên khi nhận việc không khỏi thảng thốt vì sự khác biệt một trời một vực giữa “hàng quảng cáo” và “hàng nhận được”.

Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?

Thổi phồng công việc gây ra sự không hài lòng và ảnh hưởng đến uy tín của công ty

Bạn có thấy những lời này quen thuộc không?

“Anh thấy em rất hợp với công việc này nên muốn chia sẻ thêm về các cơ hội khi làm việc tại đây. Công ty xem mỗi nhân viên như là thành viên trong gia đình và chăm sóc vô cùng chu đáo. Nếu không có nhân viên thì công ty sẽ chẳng có gì cả, vì vậy công ty luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các bạn đạt được thành công. Chúng tôi đặt nhân viên lên hàng đầu, luôn nghĩ đến các bạn trong mọi quyết định của mình và tạo cơ hội giúp các bạn thăng tiến trong sự nghiệp. Chúng tôi làm mọi thứ để các bạn có môi trường lành mạnh, luôn vui vẻ và làm việc với chúng tôi trong thời gian dài nhất có thể…”

Yeah! Nghe có vẻ tuyệt quá phải không, nhưng đó không phải là thực tế công việc đang được tuyển dụng. Sự thật là, nhân viên phải thường xuyên chịu áp lực từ doanh số, phàn nàn của khách hàng và cấp trên. Họ rất hiếm khi được lên tiếng và ít được lắng nghe cũng như không được cung cấp các công cụ cần thiết vì ngân sách eo hẹp…

“Thổi phồng công việc quá mức có thể giúp tuyển được một nhân viên mới, nhưng thường sẽ khiến nhân viên bất mãn, ít gắn bó và có khả năng nghỉ việc cao”

Khi thực tế của vai trò rất khác so với câu chuyện được kể trong phòng phỏng vấn, bỏ qua những nhược điểm, khó khăn và thổi phồng công việc, có nghĩa là bạn đang trình bày sai lệch mô tả công việc. Đây rõ ràng là hành động không có lợi cho ứng viên và cả doanh nghiệp của bạn.

Phỏng vấn là con đường hai chiều. Không chỉ doanh nghiệp lựa chọn ứng viên tốt nhất mà ứng viên cũng đang tìm kiếm một công việc phù hợp nhất. Tin tuyển dụng bị cường điệu về văn hóa công ty và khả năng thăng tiến sẽ khiến ứng viên chấp nhận một vai trò không như mong đợi. Khi ảo tưởng bị phá vỡ và sự thật bị che đậy được tiết lộ, thì sao? Sự không hài lòng và thất vọng khiến họ nhanh chóng rời đi, bắt đầu lập kế hoạch cho một công việc mới tại một nơi làm việc minh bạch hơn. Nhưng điều này vẫn chưa đáng sợ bằng việc họ trút giận lên môi trường làm việc hoặc tạo một drama nhiều tập trên các trang mạng xã hội khiến hình ảnh thương hiệu của bạn bị xấu đi. Lúc này, bạn không chỉ mất đi công sức, thời gian, chi phí để tuyển dụng lại mà còn phải cố gắng bằng mọi giá để lấy lại danh tiếng khi các đánh giá tiêu cực xuất hiện tràn lan trên các nền tảng.

Trung thực là yếu tố cốt lõi trong tuyển dụng

Sự trung thực là rất quan trọng trong quá trình tuyển dụng đối với cả bạn và ứng viên vì cả hai đều đang cố gắng đưa ra quyết định phù hợp nhất.

Khi tìm được ứng viên mà bạn nghĩ họ là sự lựa chọn đúng đắn, bạn cần phải có một cuộc trò chuyện nghiêm túc về những gì họ thực sự mong muốn ở công việc hoặc vị trí đó. Ví dụ họ cần một mức lương nhất định hay họ muốn tiếp tục học lên cao? Hoặc họ muốn một gói phúc lợi cụ thể hay đang tìm kiếm cơ hội thăng tiến?

Và khi đã có được câu trả lời, bạn cần phải trung thực về việc liệu doanh nghiệp có đáp ứng được các mong muốn đó hay không. Song song đó, hãy tình bày thực tế về các yêu cầu công việc, số giờ làm việc, mức lương và mọi thứ khác, kiểu như: “Bạn sẽ đến 10 cửa hàng mới mỗi ngày, tìm gặp được người chịu trách nhiệm mua hàng và cố gắng giới thiệu sản phẩm của công ty. Dù họ nói với bạn rằng họ đang bận, sản phẩm quá đắt với khách hàng của họ, họ đã có nhiều mặt hàng tương tự hoặc kho hàng của họ đã đầy thì bạn cũng phải thuyết phục họ bán thử sản phẩm của chúng tôi. Và nếu trời có mưa như trút nước hay nắng nóng chảy mỡ, bạn vẫn phải đi đủ 10 cửa hàng. Vì chỉ có như vậy bạn mới tìm thấy đủ người chịu mua hàng giúp bạn đạt được doanh số đề ra. Chắc chắn công việc này đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực hết mình. Bạn nghĩ sao về điều đó?”

Kiểu trung thực, thẳng thắn này dù có một chút “tàn nhẫn” nhưng sẽ giúp bạn sàng lọc những người không phù hợp và cũng tránh gây hiểu lầm cho ứng viên về công việc. Nếu họ đến phỏng vấn, có nghĩa là họ tin tưởng bạn và những điều bạn nói với họ. Vì thế, bạn có trách nhiệm phải nói sự thật và không phóng đại công việc quá mức. Mặc dù bạn muốn thu hút nhiều ứng viên đến mấy, muốn nhanh chóng tìm được người đảm trách các vị trí còn trống như thế nào đi nữa thì điều quan trọng là phải thể hiện toàn bộ sự thật. Chỉ có nói sự thật, bạn mới tìm thấy người thực sự thích các điều kiện làm việc, hòa hợp với môi trường công sở và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Khi tuyển một thành viên mới cho nhóm, bạn đang tạo ra một mối quan hệ rất quan trọng. Và chắc chắn mối quan hệ đó không nên được xây dựng dựa vào việc thổi phồng công việc, ngay cả khi đó chỉ là một sự cường điệu nhỏ.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công