4 câu hỏi tình huống hay giúp xác định ứng viên tiềm năng nhất

Các câu hỏi tình huống tập trung vào cách ứng viên xử lý các tình huống thực tế mà họ có thể gặp ở nơi làm việc và cách họ xử lý các tình huống tương tự trong các vai trò trước đó.

Hãy tưởng tượng bạn đang trong kế hoạch phỏng vấn để tuyển chọn một nhân viên mới tiềm năng. Ứng viên đã có một bản CV tuyệt vời và cũng đưa ra câu trả lời trôi chảy về các trải nghiệm trong quá khứ, nhưng bạn vẫn chưa chắc chắn về cách họ sẽ thể hiện trong doanh nghiệp của bạn. Đó là lúc mà các câu hỏi tình huống sẽ phát huy tác dụng.

Bằng cách đặt ra cho ứng viên các tình huống cụ thể mà họ có khả năng phải đối mặt trong vai trò ứng tuyển, bạn có thể hiểu rõ hơn về cách họ làm việc.

Khi xây dựng các câu hỏi phỏng vấn tình huống, bạn cần tập trung vào mô tả công việc và lập danh sách các kỹ năng và trách nhiệm cần thiết. Sau đó viết ra các câu hỏi khám phá chính xác cách ứng viên đã thể hiện những kỹ năng đặc biệt đó trong các tình huống trong quá khứ.

Hãy sử dụng các câu hỏi tình huống để thăm dò các kỹ năng sau:

–       Kỹ năng tương tác (đặc biệt là cách ứng xử với đồng nghiệp, khách hàng hoặc khách hàng khó tính)

–       Tổ chức quy trình làm việc (nhất là khi phải đáp ứng thời hạn hoặc phải sắp xếp thứ tự ưu tiên)

–       Giao tiếp và thuyết phục

–       Giải quyết vấn đề

Ứng viên có năng lực sẽ đưa ra những câu chuyện thành công của họ kết nối trực tiếp với công việc mới, trong khi đó một ứng viên kém hiệu quả sẽ đưa ra những khái quát mơ hồ và các từ ngữ sáo rỗng.

Dưới đây là một số câu hỏi phỏng vấn tình huống phổ biến và một số gợi ý để đánh giá câu trả lời mà bạn có thể áp dụng.

Bạn sẽ xử lý thế nào nếu phải làm việc cùng một đồng nghiệp khó chịu?

Mỗi người đều có tính cách khác nhau và đến một lúc nào đó nhân viên sẽ phải làm việc với người mà họ không thích. Là người quản lý, bạn cần biết liệu họ có thể “chịu đựng” được các thành viên khó khăn trong nhóm hay không.

Một ứng viên tiềm năng sẽ có câu trả lời như: Trước đây tôi đã từng làm việc với một người như thế này. Lúc đầu, tôi nghĩ họ chỉ đơn giản là thô lỗ và thiếu suy nghĩ nhưng sau thời gian làm quen, tôi nhận ra họ đang trải qua chuyện buồn gia đình. Chính điều này đã khiến họ có hành vi cư xử kém cỏi. Nếu gặp tình huống này trong tương lai, tôi sẽ dành thời gian để làm quen với những đồng nghiệp khó tính vì có thể họ đã trải qua một khoảng thời gian đầy khó khăn trong cuộc sống.

Bạn phạm phải một sai lầm nhưng không ai khác nhận ra, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ khắc phục hay cố tình cho qua?

Sự trung thực và tin cậy là điều quan trọng trong bất kỳ doanh nghiệp nào và đó là lí do câu hỏi tình huống này nên được đưa ra trong các buổi phỏng vấn.

Nếu ứng viên nói rằng họ chưa bao giờ trễ hẹn hoặc đổ lỗi cho người khác thì bạn nên cảnh giác. Một ứng viên tiềm năng sẽ thừa nhận sai lầm đã mắc phải, thông báo cho người bị ảnh hưởng và tốt hơn là giải thích cách họ dự định đưa mọi việc trở lại đúng hướng thay vì cố gắng che đậy.

Một câu trả lời hay sẽ như thế này: Mặc dù không có ai nhận ra lỗi sai nhưng tôi sẽ đưa nó ra và tìm cách khắc phục vấn đề. Ngoài việc đây là điều đúng đắn thì có thể ai đó sẽ phát hiện lỗi sai sau này. Bằng cách sửa sai, tôi sẽ đảm bảo nó không ảnh hưởng đến những người khác có liên quan.

Bạn sẽ làm gì nếu gặp khách hàng đang nổi giận vì một trong những sản phẩm/dịch vụ của công ty?

Bất kể ngành nghề kinh doanh của công ty bạn là gì thì mọi nhân viên đều có thể gặp các tình huống xung đột vào lúc này hay lúc khác. Do đó, bạn cần đảm bảo rằng ứng viên có khả năng vượt qua những tình huống nhạy cảm bằng sự đĩnh đạc và khéo léo. Điều này đặc biệt quan trọng nếu lấy khách hàng làm trung tâm là một giá trị quan trọng đối với công ty của bạn.

Điều bạn nên nghe từ câu hỏi này sẽ là: Trước tiên, tôi sẽ yêu cầu khách hàng mô tả vấn đề của họ với sự đồng cảm. Để cho thấy tôi đã lắng nghe, tôi sẽ lặp lại vấn đề với họ trong khi thảo luận về cách giải quyết như đổi sản phẩm khác hoặc hoàn tiền. Sau đó, tôi sẽ dựa vào chính sách của công ty và mong muốn của khách hàng để đưa ra hướng hành động tốt nhất.

Người giám sát cung cấp cho bạn hướng dẫn về cách thực hiện một nhiệm vụ. Khi bắt đầu dự án, bạn nhận ra các hướng dẫn không đủ tốt để thực hiện công việc một cách chính xác. Bạn sẽ làm gì?

Câu trả lời cho câu hỏi tình huống này sẽ cho bạn biết được kỹ năng lắng nghe, làm theo chỉ dẫn của ứng viên và cách họ sẽ xử lý với sự mơ hồ. Họ sẽ ngồi im và chờ đợi các hướng dẫn chi tiết hơn hoặc đi sâu vào nghiên cứu và tự tìm hiểu thêm.

Một câu trả lời hay sẽ như sau: Tôi sẽ đọc qua bất kỳ hướng dẫn nào mà tôi có và kiểm tra xem tôi có đang bỏ lỡ điều gì hay không. Nếu không, tôi sẽ tìm người giám sát để nhờ họ giúp đỡ hoặc làm rõ. Tôi thà mất chút thời gian để có thể làm đúng việc hơn là suy đoán và cuối cùng làm sai.

Khi phỏng vấn, bạn nên nghĩ về những đặc điểm quan trọng nhất cho vai trò, là sự đồng cảm, tự nhận thức hoặc giao tiếp và chọn câu hỏi tình huống phù hợp nhất. Các câu hỏi tình huống này đòi hỏi tư duy tại chỗ của ứng viên, vì vậy bạn đừng lo lắng khi thấy họ im lặng trong khoảnh khắc. Không có câu trả lời đúng hay sai, điều bạn đang tìm kiếm là cách họ nghĩ về nó. Hãy cho phép ứng viên thời gian nếu họ cần và đừng cố gắng xen vào các khoảng im lặng đó. Có thể họ đã lắng nghe những gì bạn hỏi và muốn cung cấp cho bạn câu trả lời chi tiết, rõ ràng nhất.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công