Công nghệ CNC là gì? Ưu nhược điểm của công nghệ CNC

Sự ra đời và phát triển của công nghệ CNC đã góp phần tiết kiệm chi phí và gia tăng năng suất gia công vượt trội, tạo ra những sản phẩm được chế tác, gia công với độ chính xác cao và chất lượng đạt chuẩn. Vậy, chính xác thì công nghệ CNC là gì? Cách thức hoạt động của nó ra sao? Hãy cùng nhau tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.

Công nghệ CNC là gì? Ưu nhược điểm của công nghệ CNC

Công nghệ CNC là gì?

“CNC là viết tắt của Computerized Numerical Control – là quy trình ứng dụng máy tính và các phần mềm máy tính vào việc điều khiển máy móc cơ khí.”

Các bộ phận trong máy CNC được lập trình để tự động vận hành theo chuỗi thao tác mà người dùng thiết lập sẵn, từ đó tạo ra những sản phẩm có hình dạng và kích thước đúng như yêu cầu. Công nghệ CNC thường được ứng dụng vào các loại máy móc tạo hình sản phẩm và có thể cắt sản phẩm theo dạng 2D, 3D hoặc điêu khắc 3D. Nói cách khác, công dụng của công nghệ CNC là gia tăng độ chính xác và rút ngắn thời gian hoàn thành công việc cho con người.

Máy CNC là gì?

Trước đây, các loại máy móc hoạt động chủ yếu nhờ vào bánh xe và đòn bẩy, tuy có thể giúp con người hoàn thành những công việc đơn giản nhưng độ chính xác chỉ ở mức tương đối. Ngược lại, máy cắt CNC có thể hỗ trợ con người thực hiện các công việc phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao nhờ được điều khiển bởi các chương trình máy tính.

Những loại máy cắt CNC phổ biến có thể kể đến như: máy mài, máy phay, máy tiện, máy in, máy cắt…

Ưu điểm của công nghệ CNC là gì?

Độ chính xác gần như tuyệt đối

Các loại máy cắt CNC có thể thực hiện nhiều thao tác phức tạp liên quan đến vấn đề tạo hình sản phẩm như cắt, mài, gọt… và cho độ chính xác gần như tuyệt đối.

Khả năng gia công những sản phẩm có độ khó cao

Ngay cả khi thực hiện thủ công thì công đoạn gia công các vật liệu cứng hay dễ vỡ cũng vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của công nghệ CNC và các loại máy cắt đã khắc phục mọi nhược điểm, giúp công việc này trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều.

Tính linh hoạt cao

Máy CNC có thể hoạt động theo đúng quy trình được cài đặt sẵn chỉ bằng một vài thao tác đơn giản. Trong trường hợp các quy trình thay đổi, người dùng chỉ cần thay đổi chương trình cài đặt để máy hoạt động theo các thao tác mới. 

Thời gian gia công ngắn

Công nghệ CNC giúp cho quá trình gia công các sản phẩm được xử lý nhanh chóng và dễ dàng hơn, đặc biệt độ chính xác cao hơn giúp nhà sản xuất tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.

Nhược điểm của công nghệ CNC là gì?

Giá thành cao

Được trang bị những công nghệ hiện đại nên việc các loại máy CNC có mức giá bán khá cao là điều vô cùng dễ hiểu. Tuy nhiên, nhược điểm này khiến chi phí đầu tư bị đội lên khá nhiều, gần như chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn, không phù hợp với các xưởng sản xuất, xưởng gia công có quy mô nhỏ hay hoạt động theo mô hình gia đình.

Chi phí sửa chữa cao

Tuy không thường xuyên phát sinh hỏng hóc nhưng một khi phát sinh vấn đề trong việc vận hành thì chi phí sửa chữa, bảo trì của các loại máy CNC nhìn chung ở mức khá cao, có thể trở thành một sự tổn thất đối với doanh nghiệp.

Yêu cầu cao về trình độ của người điều khiển, vận hành máy

Các loại máy CNC hoạt động dựa trên các chương trình máy tính cho nên việc cài đặt và vận hành máy không phải lao động phổ thông có thể thực hiện được. Nó đòi hỏi người điều khiển phải được đào tạo bài bản với trình độ chuyên môn cao – điều còn khá hạn chế so với chất lượng nhân công tại Việt Nam.

Ứng dụng của công nghệ CNC

Như đã đề cập ở trên, công nghệ CNC được ứng dụng vào các loại máy CNC, hỗ trợ con người rất nhiều trong hoạt động sản xuất, đặc biệt là trong các ngành sản xuất công nghiệp với các vật liệu kim loại. Một số lĩnh vực sản xuất ứng dụng công nghệ CNC phổ biến bao gồm:

  • Y tế: dụng cụ phẫu thuật, chỉnh hình, nha khoa…
  • Hàng không vũ trụ: khung máy, vỏ máy, tuabin máy bay…
  • Chế tạo các bộ phận ô tô: lưới tản nhiệt, mâm xe, cửa xe, tay nắm cửa…

Các loại máy sử dụng công nghệ CNC là gì?

Máy tiện CNC: gồm 2 bộ phận chính là bộ phận cố định phôi và bộ phận lắp dụng cụ cắt để có thể tạo hình sản phẩm theo hình dạng mong muốn. 

Máy phay CNC: là dòng máy được ứng dụng nhiều trong ngày kim khí. Thiết bị này sử dụng dao cắt (hay còn gọi dao phay) quay tròn để loại bỏ vật liệu khỏi phôi. Dao phay của máy có nhiều lưỡi cắt nên khá bền, lâu mòn.

Máy mài CNC: là một loại máy cực kỳ linh hoạt, được sử dụng để thực hiện một loạt các động tác mài, có khả năg mài những hình dạng phức tạp, các loại vật liệu có độ cứng cao và cả những vật liệu dễ vỡ. Máy mài CNC thường dùng để mài dao và các bộ phận dao cắt của máy móc công nghiệp.

Máy khoan CNC: có 2 loại là máy khoan bàn và máy khoan cần, được chế tạo với nhiều kích thước khác nhau để phù hợp với kích thước của những vật cần khoan. Máy khoan CNC thường được ứng dụng khi triển khai sản xuất hàng loạt. Nó có thể khoan nhiều loại vật liệu khác nhau, nhiều vị trí cùng một lúc mà vẫn đảm bảo tốc độ và độ chính xác.

Máy cắt CNC: là loại máy kết hợp công nghệ CNC với một số phương pháp khác để cắt vật liệu với các hình dạng được lập trình trước, tạo ra những nhát cắt gọn gàng, chính xác với tốc độ cắt nhanh chóng.

Ngoài ra còn nhiều loại máy khác như máy in 2D, máy in 3D, máy bào rãnh, máy đột dập… cũng được ứng dụng công nghệ CNC.

Những thông tin vừa rồi đã khép lại bài viết ngày hôm nay. Tin rằng bạn đã hiểu rõ công nghệ CNC là gì và được ứng dụng như thế nào trong ngành cơ khí. Hẹn gặp lại trong những bài viết kỳ sau.

Trang Đoàn

Sao chép thành công