Bí quyết tạo nên thành công của ông chủ Google

Một ngày bạn vào trang Google.com bao nhiêu lần? Đã bao giờ bạn tò mò về chủ nhân của một trong những công ty công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới này không? Hai đồng chủ tịch của Google Sergey Brin và Larry Page đã được tạp chí Financial Times bình chọn là “Gương mặt của năm” cũng như được PC World bình chọn là nhân vật quan trọng số một trong số 50 người quan trọng nhất của thế giới công nghệ. Vậy bí mật thành công của 2 nhân vật đã làm thay đổi cả cách người dùng Internet, cũng như guồng máy vận hành của cả thế giới kinh doanh và công nghệ là gì? Hãy cùng Careerlink.vn khám phá nhé.

Không ngại mạo hiểm

Phương châm ở Google là nếu chúng ta không điên rồ, tức là chúng ta đang đi lạc. Hầu hết các nhà đầu tư thường thiếu lo sợ khi đầu tư lớn vào Google, vì họ lo sợ Google sẽ đi chệch hướng bởi sự mạo hiểm. Tuy nhiên, chính sự mạo hiểm đã đưa Sergey Brin và Larry Page trở thành tỷ phú giàu thứ 18 thế giới với khối tài sản trị giá khoảng 32,8 tỷ USD. Tiền thân của Google là một công cụ tìm kiếm thô sơ có tên là BackRub, được lập trình từ năm 1996. Từ nguồn vốn cá nhân và tài trợ của một số quỹ đầu tư mạo hiểm, tổng cộng 1 triệu USD, Công ty Google ra đời, đặt trụ sở tại thành phố Menlo Park, bang California . Google ra đời là kết quả của tinh thần không ngại mạo hiểm và sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn của Sergey Brin và Larry Page.

Quan tâm đến nhân viên

Nhân viên của Google chỉ khoảng 50.000 người. Xét về quy mô, Google nhỏ hơn nhiều so với Apple (72.800 nhân viên) hay Microsoft (94.000 nhân viên). Tuy nhiên, điều khiến Google được các nhân viên đánh giá cao là ở việc đầu tư và chăm sóc nguồn nhân lực. Hãng luôn cố gắng tạo ra những điểm sinh hoạt chung mà mọi người đều có thể dễ dàng kết nối với nhau. Điều này thể hiện ở việc đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của một nhân viên như nhà ăn, sân tập thể thao, phòng giặt đồ, xe đưa đón nhân viên…, từ đó đảm bảo cho nhân viên vững tâm và tập trung hoàn thành tốt công việc được giao.

Khuyến khích tinh thần sáng tạo

Sáng kiến nổi tiếng nhất của Google trong việc thúc đẩy sáng tạo của nhân viên chính là “chiến lược 20% thời gian”. Cụ thể, mỗi nhân viên sẽ dành 80% thời gian trong ngày để làm công việc họ được giao và 20% thời gian còn để theo đuổi ý tưởng sáng tạo hoặc dự án riêng. Ngoài ra, Google còn thành lập hộp thư sáng tạo, trong đó toàn bộ nhân viên trong công ty đều có thể đóng góp sáng tạo của mình thông qua hộp thư này. Sau đó, những sáng kiến này sẽ được bình chọn công khai và những ý kiến sáng tạo nhất được lựa chọn để tiến hành thực hiện. Một cuộc họp được tổ chức vào thứ Sáu hàng tuần mang tên Ơn Chúa, Thứ Sáu rồi (TGIF – Thank God It’s Friday) là một trong những sự kiện được mong chờ nhất. Trong cuộc họp này, người đứng đầu hệ thống sẽ trao đổi với tất cả nhân viên về các vấn đề xảy ra trong tuần tại Công ty và tất nhiên nhân viên được khuyến khích trao đổi ý kiến về bất cứ vấn đề gì họ quan tâm.

Quản lý nhân viên theo chất lượng công việc

Tại Google, tất cả các nguồn lực và tài năng đều được tập trung phục vụ cho sự thành công của các nhóm dự án. Ban lãnh đạo Google không quản lý nhân viên theo thời gian mà theo chất lượng đầu ra của công việc. Mỗi nhân viên tự ý thức họ có mục tiêu gì trong công việc và làm gì để đạt mục tiêu này. Mỗi quý, Google đánh giá xem đã đạt mục tiêu quý chưa và các thành viên công ty cũng vậy. Tạo nên một môi trường để những người giỏi nhất ao ước được làm việc là bí quyết thành công của Google.

Giúp nhân viên phát triển con đường sự nghiệp

Ở Google, thành công đồng nghĩa với một sự độc lập cao hơn. Đó là hướng đi mà Google đã theo đuổi từ lâu. Nếu một nhân viên nào đó đã có trong tay những thành công nhất định và chứng minh được khả năng theo đuổi thành công ý tưởng của họ thì công ty sẽ tạo cho họ nhiều sự tự do hơn trong công việc. Theo chính sách mới, bất kỳ nhân viên nào trong hãng muốn thành lập công ty, họ có thể đề nghị Google hỗ trợ và khởi nghiệp ngay bên trong Google. Các công ty này có thể tự tuyển dụng nhân viên hoặc sử dụng chính nhân viên của Google, các nguồn lực khác như thư viện mã, hệ thống máy chủ, hạ tầng kỹ thuật.

Không ngừng đổi mới, cải tiến kỹ năng công nghệ

Trên chặng đường hơn 10 năm qua, hẳn chúng ta sẽ thấy Google đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều với vô số những tính năng mới. Hai vị đồng sáng lập Sergey Brin và Larry Page cho rằng “Chúng tôi không tự giới hạn tầm nhìn của mình và cũng không bao giờ chống đối những cái mới”.  Có thể các sản phẩm của Google vẫn chưa phải tuyệt đối hoàn thiện và vẫn cần cải tiến hơn nữa. Tuy nhiên, Google luôn nỗ lực để đổi mới, cải tiến và tìm kiếm được lĩnh vực kinh doanh mới.

Tập trung vào nhân viên

Ở Google, lãnh đạo chủ trương giao cho nhân viên quyền tự chủ và sự tự tin giúp họ nỗ lực theo đuổi đến cùng ý tưởng sáng tạo của họ, nâng cao hiệu quả công việc. Trước khi đưa ra những quyết định, dự án nghiên cứu mới, ban lãnh đạo Google luôn lấy ý kiến đóng góp của các nhân viên làm nền tảng. Điều này có được dựa trên cơ sở Google đã thu hút một đội ngũ lãnh đạo và nhân viên thuộc loại tinh hoa nhất trong giới kinh doanh tin học. Đây mới chính là yếu tố đảm bảo cho sự thành công bền vững lâu dài của một công ty.

Cuộc sống giản dị

Là một tỉ phú, tuy nhiên Sergey Brin và Larry Page đều có cuộc sống rất giản dị và khiêm tốn. Trong một thời gian dài, hàng ngày Sergey vẫn đi bằng một chiếc xe đạp từ một căn hộ nhỏ ở khu phố nghèo đến công ty. Còn Tổng giám đốc điều hành Larry cũng chỉ sắm cho công ty một chiếc xe xoàng xĩnh nhất để phục vụ công việc. Ông Larry tích cực kêu gọi và tổ chức các chiến dịch bảo vệ môi trường cùng với người bạn thân Sergey Brin. Năm 2005, cả hai đã tự nguyện giảm lương của mình xuống 1 USD/năm và không nhận bất cứ đồng tiền thưởng nào. Thu nhập của họ phụ thuộc chủ yếu vào giá trị tài sản của công ty trên thị trường chứng khoán.


Phương Thảo

Tham khảo một số trang tổng hợp

Sao chép thành công