Những điều cần biết khi đi phỏng vấn dành cho sinh viên mới ra trường

Cùng tham khảo những điều cần biết khi đi phỏng vấn hữu ích sau đây sẽ giúp sinh viên mới ra trường có nhiều lợi thế trong quá trình tìm việc làm.

Tham gia phỏng vấn tìm việc luôn luôn là một trải nghiệm căng thẳng, đặc biệt là đối với sinh viên mới ra trường. Chỉ cần nghĩ về nó thôi cũng có thể khiến trống ngực đập liên hồi.

Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng. Với một chút chuẩn bị và tự tin vào khả năng của mình, bạn sẽ có cuộc phỏng vấn việc làm đầu tiên thật suôn sẻ. Dưới đây là những lời khuyên phỏng vấn quan trọng nhất được chia sẻ từ các chuyên gia nhân sự, hãy cùng tham khảo để sớm có được công việc sau khi tốt nghiệp nhé.

Nghiên cứu về công ty

Một trong những điều cần biết khi đi phỏng vấn là tìm hiểu tất cả những điều liên quan đến công ty ứng tuyển. Người phỏng vấn có thể hỏi những điều như “Bạn biết gì về công ty?”, “Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?” và bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt nếu có thể trả lời họ một cách tự tin.

Đầu tiên, hãy đọc phần “Giới thiệu” hoặc “Về chúng tôi” trên trang web của họ. Bạn sẽ thấy giá trị cốt lõi, tầm nhìn và sứ mệnh công ty ở đó. Thứ hai, hãy tìm hiểu về họ trên Google. Cuối cùng là kiểm tra mạng xã hội của họ. Bạn có thể sẽ đọc được các đánh giá từ các nhân viên hiện tại hoặc trước đây và thậm chí là cả khách hàng của họ. Điều này giúp bạn biết được hoạt động kinh doanh của công ty mà còn là văn hóa của doanh nghiệp.

Nắm rõ vị trí ứng tuyển

Tốt nhất là bạn nên đọc kỹ và hiểu rõ bản mô tả công việc. Bạn cũng có thể tìm hiểu các mô tả công việc cho cùng vị trí ở nhiều doanh nghiệp khác. Lợi ích của việc này là bạn sẽ biết được các kỹ năng và phẩm chất mà nhà tuyển dụng muốn thấy từ các ứng viên ứng tuyển vào vai trò. Cơ hội việc làm của bạn sẽ được cải thiện khi bạn biết rõ điều gì giúp bạn thành công ở vai trò ứng tuyển.

Biết chính xác loại hình phỏng vấn mà bạn sẽ tham gia

Hình thức buổi phỏng vấn bạn sắp tham gia cũng là một trong những điều cần biết khi đi phỏng vấn. Đây có phải là một cuộc phỏng vấn theo nhóm hoặc chỉ là cuộc gặp gỡ với một nhà tuyển dụng duy nhất? Liệu rằng bạn có thực hiện các bài kiểm tra năng lực hay kỹ năng mềm không? Tìm hiểu chi tiết về những gì được mong đợi sẽ giúp bạn tránh được các tình huống bất ngờ.

Thực hành trả lời các câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất

Một số câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất mà bạn có thể sẽ được hỏi với tư cách là một ứng viên mới ra trường bao gồm:

Hãy nói một chút về bản thân bạn

Điểm yếu, điểm mạnh của bạn là gì?

Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?

Bạn có thể đóng góp gì cho công ty chúng tôi?

Bạn làm gì để vượt qua căng thẳng và áp lực?

Bạn quan tâm điều gì ở công việc này?

Bạn đã đạt được gì từ kinh nghiệm thực tập?

Những khó khăn bạn đã gặp phải là gì và bạn làm thế nào để vượt qua?

Điều gì khiến bạn nổi bật hơn các ứng viên khác?

Hãy chuẩn bị trước câu trả lời cho những câu hỏi này. Tuy nhiên, bạn cần nói với một thái độ tự nhiên nhất có thể. Vì vậy, hãy suy ngẫm về trải nghiệm của bạn và thực hành trả lời trước gương hoặc thực tập với những người giỏi giao tiếp. Bằng cách này, bạn sẽ không trông giống như một robot.

Chọn trang phục một cách thông minh

Đây có thể là một trong những lời khuyên “xưa như trái đất” nhưng nó vẫn là một trong những điều cần biết khi đi phỏng vấn. Bạn nên chọn trang phục phù hợp với môi trường công ty và công việc ứng tuyển. Có một số công ty bắt buộc bạn phải ăn mặc trang trọng nhưng cũng có một số cho phép bạn mặc trang phục thoải mái hơn. Đó là một lý do tại sao tìm hiểu trước về công ty là rất quan trọng.

Đến sớm hơn thời gian được hẹn

Có mặt trước 15 phút sẽ giúp bạn không bị trễ giờ hoặc cuộc phỏng vấn của bạn không bị gián đoạn bởi các sự cố bất ngờ khác. Nó cũng cho phép bạn thư giãn và định thần lại trước khi bước vào phòng phỏng vấn. Nếu không muốn ngồi chờ trong sảnh bạn cũng có thể ngồi ở một quán cà phê gần đó.

Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể

Hãy mỉm cười, đưa ra một cái bắt tay mạnh mẽ và cảm ơn người phỏng vấn đã tạo cơ hội cho bạn được gặp mặt. Tránh lo lắng, nhớ ngồi thẳng lưng và giao tiếp bằng mắt.

Tiếp thị bản thân

“Quảng bá” một chút về bản thân cũng là một trong những điều cần biết khi đi phỏng vấn. Bạn có thể không có kinh nghiệm nhưng bạn có các kỹ năng và thế mạnh độc đáo có thể tạo ra giá trị quan trọng. Vì lí do này mà nhà tuyển dụng đã mời bạn đến phỏng vấn. Thế nên, hãy tập trung vào các kỹ năng quan trọng của bạn và tự tin nói rõ bạn đã tạo đạt được kết quả nào từ các kỹ năng đó.

Lắng nghe và đặt câu hỏi cho người phỏng vấn

“Bạn có thắc mắc gì không?” là câu hỏi thường được người phỏng vấn đưa ra để đánh giá xem bạn có chú ý đến cuộc thảo luận hoặc thực sự quan tâm đến công ty hay không. Hãy hỏi họ nếu có điều gì chưa hiểu hoặc không rõ ràng. Một số câu hỏi mà bạn có thể hỏi trong cuộc phỏng vấn xin việc như:

Điều gì là thách thức lớn nhất của công việc này?

Có bao nhiêu người làm việc trong văn phòng?

Nhân viên ở vị trí này sẽ báo cáo cho ai?…

Sử dụng từ khóa trong mô tả công việc

Một mẹo nhỏ nhưng hiệu quả mà bạn có thể sử dụng trong cuộc phỏng vấn của mình là chọn từ ngữ phù hợp. Cụ thể là đặt câu hỏi hoặc đưa ra câu trả lời sử dụng các từ khóa đặc trưng trong mô tả công việc hoặc sử dụng từ ngữ tương tự như những gì công ty sử dụng trên trang web hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Đây là tín hiệu cho nhà tuyển dụng thấy bạn có thứ mà họ đang tìm kiếm và khiến họ chú ý đến bạn hơn.

Lịch sự với mọi người

Khi nói đến những điều cần biết khi đi phỏng vấn thì không thể bỏ qua phép lịch sự. Lịch sự là điều cần thiết khi bạn đi phỏng vấn xin việc. Điều đó có nghĩa là lịch sự với mọi người bạn gặp, không chỉ riêng với người phỏng vấn bạn. Nó không chỉ có thể giúp bạn được tuyển dụng mà còn là một lợi thế của bạn khi mới bắt đầu công việc. Mọi người sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn hơn nếu họ biết bạn là một người tử tế và chu đáo.

Nói lời cảm ơn

Khi buổi phỏng vấn kết thúc, đừng quên nói lời cảm ơn với người phỏng vấn hoặc bất cứ ai bạn đã gặp vào ngày hôm đó vì đã dành thời gian và cho bạn cơ hội được gặp gỡ. Đồng thời bạn cũng nên nhắc lại rằng bạn rất hào hứng với công việc như lúc đầu bạn bước vào cửa công ty.

Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp lo lắng rằng việc thiếu kinh nghiệm làm việc sẽ khiến họ gặp nhiều trở ngại trong cuộc phỏng vấn. Nhưng nhà tuyển dụng biết rằng bạn là một sinh viên mới ra trường và có rất nhiều cách để tìm được một công việc với ít kinh nghiệm thực tế. Rốt cuộc, họ đã xem CV của bạn và nhận định rằng bạn có nhiều tiềm năng. Bây giờ, bạn chỉ cần tham những điều cần biết khi đi phỏng vấn trên đây, chuẩn bị chu đáo và chứng minh với họ rằng bạn là người tốt nhất cho vị trí này, bất kể kinh nghiệm của bạn như thế nào đi nữa.

Đặng Hảo

Sao chép thành công