6 Điều Cần Tránh Khi Xây Dựng Quan Hệ Đối Tác

Những nhà đầu tư hay quản lý cấp cao luôn rất xem trọng việc tương tác và giữ mối quan hệ hòa hảo với các đối tác. Điều này không những góp phần nâng cao hiệu suất công việc, mà còn tạo ra một kết quả vượt mong đợi. Ngoài ra, xuyên suốt quá trình làm việc, cả hai chắc chắn sẽ xảy ra nhiều vấn đề khúc mắc nên việc duy trì tốt mối quan hệ chính là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa thắng lợi cho đôi bên. Nếu bạn muốn xây dựng một mối quan hệ cộng tác tốt đẹp, cởi mở, bền lâu thì cần tránh 6 điều dưới đây.

1. Thiếu nhất quán khi xác định mục tiêu chung

Mục tiêu chung chính là cái đích đến và kim chỉ nam trong suốt quá trình hợp tác của hai bên. Do đó, việc đôi bên chưa thống nhất rõ quan điểm, lập trường, ý tưởng phát triển mà đã vội vàng bắt tay vào cộng tác sẽ đem đến rất nhiều hệ lụy về sau.

Trước khi nghĩ đến những vấn đề sâu xa khác, thì đầu tiên cả hai bên cần nhận thức rõ mục tiêu chung cùng hướng đến. Việc trao đổi, và nhất quán về định hướng công việc là nền tảng vững chắc dẫn đến một thương vụ thành công.

2. Thiếu rõ ràng trong việc phân bổ nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm

Rất nhiều người phạm sai lầm vì quá cả tin vào lời nói, hợp đồng “miệng” của đối tác. Các thương vụ luôn phát sinh những mâu thuẫn ngoài dự kiến về sau, và những điều khoản pháp lý “mập mờ” sẽ dẫn đến các cuộc tranh luận, thậm chí kiện tụng hao tốn.  

Tốt nhất là ngay từ đầu bạn nên phân định quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của đôi bên. Hãy cụ thể tất cả bằng những văn bản, hợp đồng với các điều khoản cụ thể, rõ ràng. Cộng tác không chỉ cần có lòng tin, mà còn phải có những chứng cứ hữu hiệu.

3. Không quan tâm đúng mức đến chất lượng công việc của đối tác

Đừng nghĩ rằng bạn chỉ cần làm tốt phần của bạn và mặc kệ chất lượng công việc của đối tác. Các bạn đang đi trên cùng một chiếc xuồng, và chỉ cần một bên thiếu kiểm soát, lơ là thì hậu quả là dành cho cả hai.

Ngoài việc làm tốt trách nhiệm công việc của bản thân, thì bạn cũng nên quan tâm hay dò hỏi tình hình, tiến độ công việc của đối tác. Việc thường xuyên trao đổi, đánh giá các mục tiêu, và xem xét hiệu quả công việc, tất cả những điều này sẽ giúp đôi bên hiểu thêm về các khúc mắc của đối phương để cùng nhau giải quyết. Từ đó, mối quan hệ được phát triển một cách vững chắc và lâu dài cho nhiều thương vụ về sau.

4. Không tin tưởng và quá lạm quyền trong công việc

Mỗi người đều có một tư duy làm việc riêng, do đó bạn sẽ chẳng thể bắt ép đối tác phải làm việc theo ý bạn. Bạn cần đặt niềm tin vào đối tác để hiệu quả công việc đạt được mức cao nhất. Thậm chí, nếu bạn phát hiện vấn đề thì nên thông báo, và hỗ trợ hơn là tự ý giải quyết. Sẽ chẳng có một đối tác nào muốn cộng tác lâu dài nếu bạn luôn làm việc với một thái độ ngờ vực, kẻ cả.

Thực tế, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau là hai điều kiện cơ bản để hình thành nên một mối quan hệ đối tác bền vững, thắng lợi. Tất nhiên, điều này xuất phát từ đạo đức kinh doanh và không thể tin chắc chắn ngay khi mới bắt đầu. Việc cả hai đặt niềm tin và luôn công khai những vấn đề cần thiết chính là cách để khiến cho mối quan hệ trở nên cởi mở, hòa thuận, và bình đẳng.

5. Thiếu mềm dẻo trong giải quyết mâu thuẫn

Mâu thuẫn trong công việc là chuyện sớm muộn, và bạn sẽ có rất nhiều cách để giải quyết. Tất nhiên, những điều khoản rõ ràng trong hợp đồng chính là thứ để bạn căn cứ và chọn hướng giải pháp. Tuy nhiên, có những vấn đề “ngoài ý muốn” nên cách giải quyết cứng ngắc, thiếu linh động của bạn sẽ đôi phần vô tình làm rạn nứt mối quan hệ hòa hảo của đôi bên.

Hãy luôn nhớ cả hai bạn đang trong một mối quan hệ “cộng sinh”, nên mọi việc nên dựa trên tinh thần “hòa bình”. Đừng giải quyết mọi chuyện bằng cái “đầu nóng”, hay một tinh thần “hiếu chiến”, mà bạn nên cùng đối tác bình tâm đối thoại và bàn bạc về hướng đi khả dĩ nhất cho cả hai. Điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi những mâu thuẫn không đáng có, và nâng cao hiệu quả công việc.

6. Bỏ mặc mọi thứ khi phát sinh vấn đề

Cách giải quyết theo kiểu “đánh bài chuồn” cũng là một dạng thất sách khi xây dựng quan hệ với đối tác. Thật ra việc xác định lỗi thuộc về bên nào không quan trọng bằng việc cùng nhau giải quyết. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể ngó lơ nếu như trong trường hợp rằng bạn có thể bị tổn thất ít, hoặc mọi sự nằm trong dự kiến.

Nhưng bạn biết rằng ai cũng muốn những điều tốt đẹp, do đó bạn nên đặt bản thân vào vị trí của đối phương để thực sự thấu hiểu cốt lõi của vấn đề. Nếu mọi sự có thể cứu vãn, thì sự tương trợ lẫn nhau trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất chính là viên gạch quan trọng nhất để xây nên một mối quan hệ cộng tác thâm sâu.

Trung Thành

Sao chép thành công