Mục Lục
Nhân viên nghỉ việc thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty bởi phải tốn thời gian, chi phí để tìm kiếm và đào tạo người mới. Hơn nữa, việc này còn có thể gây xáo trộn môi trường làm việc, gây hoang mang và làm giảm tinh thần của các nhân viên còn lại. Vì những lí do này nên bằng mọi giá bạn cần tìm được ứng viên đáng tin cậy – là người có khả năng gắn bó lâu dài, có đạo đức làm việc, luôn đúng giờ, không xin nghỉ thường xuyên và duy trì năng suất tốt trong suốt thời gian làm việc. Vậy bạn có thể làm gì?
Hãy cùng theo dõi chia sẻ của chị Đào Thúy Hạnh, Giám đốc tuyển dụng về cách chị áp dụng để xác định ứng viên đáng tin cậy, biết đâu bạn có thể tìm thấy nhiều điều thú vị.
“Những nhân viên đáng tin cậy là xương sống của bất kỳ công ty nào vì họ luôn đáp ứng được kỳ vọng, hoàn thành công việc với chất lượng cao và đóng góp tích cực cho đội nhóm”
Cách để tìm hiểu ứng viên có phải là người đáng tin cậy hay không
Chú ý đến các manh mối trong buổi phỏng vấn
Theo chị Thúy Hạnh, bạn có thể khám phá được rất nhiều điều về ứng viên thông qua việc quan sát hành vi của họ trong buổi phỏng vấn.
Chị giải thích: “Nếu họ đến sớm, có ý thức về thời gian thì đó là dấu hiệu của sự phấn khích và háo hức – một đặc điểm chỉ có ở những nhân viên chăm chỉ và tận tâm.
Nếu ứng viên dành thời gian để tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của công ty, từ việc bạn mới được vinh danh trong top 10 doanh nghiệp tiêu biểu đến ra mắt sản phẩm mới hay vừa đăng video thú vị lên mạng xã hội, thì chắc chắn họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào vai trò này. Đối với họ, đây không phải là công việc để ứng tuyển cho vui hay chỉ là “bến đỗ tạm thời” trong khi chờ đợi cơ hội khác tìm đến mà chính là “bến trong”, là nơi “đất lành chim đậu”. Quan tâm nắm bắt kịp thời các thông tin “nóng sốt” về công ty còn là dấu hiệu của một nhân viên có động lực cao và điều này khiến họ trở nên đáng tin cậy.
Và một điều nữa, hãy để ý xem ứng viên có đặt câu hỏi để chứng tỏ rằng họ đã lắng nghe một cách cẩn thận không? Việc đặt những câu hỏi thông minh trong quá trình phỏng vấn cho thấy mức độ quan tâm và gắn kết cao. Sự nhiệt tình và tò mò đó có thể sẽ là điềm báo tốt cho tương lai.
Các chỉ số như thế này không cung cấp bức tranh toàn cảnh về độ tin cậy, nhưng chúng có thể cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn. Và khi kết hợp với nhiều cách sau thì bạn sẽ có cơ sở để đánh giá chính xác”.
Đặt những câu hỏi cụ thể trong cuộc phỏng vấn và chú ý đến cách họ trả lời
“Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?” hay “Vì sao bạn ứng tuyển công việc này? là những câu hỏi ngắn gọn, ngọt ngào đi thẳng vào trọng tâm sẽ cho bạn biết về độ nghiêm túc của ứng viên đối với công việc”, chị Hạnh Thúy gợi ý. Một người chân thành, đáng tin sẽ đưa ra câu trả lời xuất phát từ trái tim, rõ ràng, liền mạch và thuyết phục. Ngược lại, nếu họ thể hiện sự thờ ơ, đưa ra câu trả lời mơ hồ, lan man thì đó không phải là dấu hiệu của sự tin cậy.
Dựa vào câu hỏi trên, bạn cũng có thể đi sâu hơn nữa bằng cách hỏi ứng viên về điều gì truyền cảm hứng cho họ làm việc mỗi ngày. Nếu ai đó thể hiện rằng họ ham thích học hỏi để luôn nắm bắt xu hướng, thậm chí dẫn đầu xu thế thì bạn có thể tin rằng họ sẽ là nhân viên tích cực và đáng tin.
Ngoài ra bạn có thể sử dụng một số câu hỏi tình huống để làm rõ mức độ tin cậy ở ứng viên mà chị Thúy Hạnh rất tâm đắc, chẳng hạn như:
“Bạn làm gì khi đến 5 giờ chiều mà vẫn chưa xong việc?”
Chị Thúy Hạnh cho rằng, độ tin cậy có liên quan mật thiết với đạo đức làm việc. Những ứng viên có đạo đức làm việc sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo đáp ứng đúng thời hạn và chỉ tiêu. Trái lại, những ai có đạo đức làm việc chưa cao sẽ háo hức đi đến bãi đậu xe mà chẳng mảy may bận tâm công việc sẽ ra sao. “Bạn hãy tìm một người sẵn sàng ở lại muộn, thậm chí sốt sắng nghĩ ra các chiến lược quản lý thời gian để hoàn thành đúng hạn”, chị bày tỏ.
“Bạn đã bao giờ để các vấn đề cá nhân ảnh hưởng đến công việc của mình chưa?”
Câu hỏi này sẽ giúp bạn biết được điều gì? Mỗi người chúng ta đôi khi gặp phải các sự cố cá nhân nhưng những người đáng tin cậy sẽ cố gắng hết sức để giải quyết việc đó ở nhà và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Tất nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng họ sẽ giữ chúng ở mức tối thiểu.
“Hãy kể về một tình huống mà bạn nghĩ đi làm muộn cũng không sao cả”.
Việc đi làm muộn có thể chấp nhận được nếu nhân viên bị kẹt xe hoặc có chuyện khẩn cấp. Nhưng người đáng tin cậy chỉ đến muộn khi có các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của họ xảy ra. Và họ cũng chịu trách nhiệm về các sự cố bất ngờ đó bằng cách gọi ngay cho cấp trên và cho biết chuyện gì đang xảy ra.
“Khi ứng viên trả lời, hãy để ý những từ như luôn luôn, không bao giờ và siêu năng lực… Những từ này nghe có vẻ hay nhưng chúng thường chỉ là vỏ bọc. Tất cả chúng ta đều là con người, làm sao chắc chắn mình luôn luôn có mặt đúng giờ hoặc không bao giờ trễ làm, trễ hẹn phải không?”, chị Thúy Hạnh phân tích.
Hỏi người tham khảo về độ tin cậy
Kiểm tra người thật việc thật cũng là điều bạn nên làm khi muốn biết ứng viên có phải là người đáng tin cậy hay không. Theo chị Hạnh Thúy thì “Nhiều nhà tuyển dụng bỏ qua bước này nhưng nếu chỉ dành vài phút đặt những câu hỏi quan trọng để tránh đưa ra quyết định sai lầm thì tội gì mà không thử?”
Cũng giống như các câu hỏi phỏng vấn, bạn cũng cần hỏi sâu hơn một chút khi nói chuyện với người tham khảo. Các câu hỏi của bạn nên xoay quanh việc giải đáp thắc mắc tại sao họ nghĩ ứng viên là người đáng tin cậy dựa vào trải nghiệm làm việc chung trước đây. Chỉ vài câu hỏi thăm dò thôi là bạn có thể nhanh chóng thu được những thông tin có giá trị để đưa ra quyết định.
Làm việc với các đối tác tuyển dụng
“Nếu bạn cảm thấy khó thực hiện các gợi ý trên thì có một cách hiệu quả khác để xác định ứng viên đáng tin cậy là làm việc với các dịch vụ tuyển dụng. Họ đã quá thành thạo trong việc đặt các câu hỏi thăm dò, biết nên hỏi người tham khảo điều gì cũng như biết nhìn vào kết quả công việc trong quá khứ để đánh giá về độ tin cậy. Nhờ vậy, bạn có nhiều khả năng tuyển dụng được ứng viên đáp ứng được các yêu cầu đặt ra”, chị Thúy Hạnh khẳng định.
Việc xác định độ tin cậy của ứng viên trước khi tuyển dụng có thể khó khăn, nhưng không phải là không thể nếu bạn làm theo những lời khuyên được thảo luận ở đây hôm nay hoặc có thể sáng tạo nhiều cách khác dựa trên những điều được gợi ý. Bạn còn có cách nào khác để giúp tuyển dụng ứng viên đáng tin cậy không, hãy chia sẻ trong phần bình luận nhé.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.205 cái bẫy cần tránh khi phỏng vấn tuyển dụng ứng viên
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.13Offer letter nên tránh lỗi nào để tăng cơ hội ứng viên đồng ý?
- Nghệ thuật quản lý2025.01.066 dấu hiệu bạn đang lãnh đạo nhóm hiệu quả
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.305 câu hỏi giúp đánh giá khả năng ứng viên qua CV