Cần tránh gì để xây dựng thương hiệu tuyển dụng hiệu quả hơn?

Trong thị trường việc làm cạnh tranh ngày nay, việc thu hút và giữ chân nhân tài là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp muốn duy trì vị thế dẫn đầu. Để thực hiện tốt điều này, xây dựng thương hiệu tuyển dụng mạnh mẽ là yếu tố then chốt.

Mặc dù ngày càng nhiều doanh nghiệp phấn đấu để có được danh tiếng tốt với tư cách là nhà tuyển dụng, đảm bảo sức hút đối với ứng viên và khiến đối thủ cạnh tranh trở nên mờ nhạt, nhưng không phải lúc nào họ cũng thành công. Theo chị Huỳnh Thị Mỹ Hằng, Trưởng phòng Tuyển dụng thì nguyên nhân là do họ phạm phải các sai lầm sau đây.

“Hiểu được những cạm bẫy tiềm ẩn là một trong những bước đầu tiên để xây dựng thương hiệu tuyển dụng thành công”.

Các sai lầm gây tác động đến việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng

Không chân thật

Có thể trong quá trình tìm việc trước đây của mình, bạn có thể đã từng gặp qua các công ty PR họ như là một nơi lý tưởng để làm việc từ mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc lành mạnh cùng với lộ trình thăng tiến rộng mở… Nhưng khi bước chân vào mới biết đằng sau hoạt động tiếp thị hoành tráng đó chẳng có gì cả.

Giải mã ngôn ngữ cơ thể của nhà tuyển dụng để ứng xử phù hợp

Những hình ảnh lấp lánh có thể đủ để thu hút ứng viên tốt vào công ty, nhưng cuối cùng chúng sẽ phản tác dụng. Chị Mỹ Hằng giải thích “Ứng viên khi phát hiện ra sự thật chắc chắn sẽ sớm rời đi và doanh nghiệp sẽ phải khởi động lại quy trình tuyển dụng. Tệ hơn nữa, ứng viên bức xúc sẽ chia sẻ về trải nghiệm tồi tệ của họ trên mạng xã hội hoặc các trang web đánh giá công ty khiến hình ảnh thương hiệu bị xấu đi. Danh tiếng đâu chưa thấy nhưng tai tiếng đã hiện ngay trước mắt”.

Chị nói thêm: “Hình ảnh thương hiệu tuyển dụng được tạo ra nhằm giúp doanh nghiệp tuyển dụng được ứng viên, sẽ giúp bạn vượt lên trên trong cuộc chiến giành nhân tài nhưng nó chỉ có hiệu quả khi được thực hiện dựa trên sự chân thật. Hãy giới thiệu mình một cách chính xác, từ môi trường làm việc đến các thành tích, hướng phát triển và cả những thách thức. Nói về những lợi ích khi gia nhập công ty rõ ràng là quan trọng nhưng các ứng viên thông minh ý thức được rằng không có gì là hoàn hảo tuyệt đối và họ cần biết chính xác bối cảnh nhằm xác định công việc hiện tại có phù hợp với họ hay không. Điều này giúp bạn trông chân thành và thực tế hơn”.

Không hoạt động trên mạng xã hội

Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, các nền tảng truyền thông xã hội là cơ hội vô giá để giới thiệu văn hóa công ty, giá trị và thương hiệu nhà tuyển dụng của bạn đến với nhiều người. Các doanh nghiệp không làm điều này, về cơ bản họ đang hạn chế khả năng hiển thị của mình. Họ cũng đang bỏ lỡ cơ hội tiếp cận với một nhóm lớn các ứng viên tiềm năng, trong đó có những ứng viên thụ động – những người có thể không chủ động tìm kiếm cơ hội mới nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi một thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn. “Kết quả là họ sẽ thụt lùi hơn so với những đối thủ cạnh tranh đang tích cực quảng bá thương hiệu nhà tuyển dụng của mình và mất lợi thế trong việc thu hút những nhân tài hàng đầu”, chị Mỹ Hằng khẳng định.

Tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để xây dựng thương hiệu tuyển dụng rõ ràng là cần thiết. Nhưng liệu việc có một trang fanpage trên Facebook hoặc LinkedIn có đủ để thu hút những người giỏi nhất không? Theo chị Mỹ Hằng, câu trả lời là không, bởi một công ty không chia sẻ bất cứ điều gì trên phương tiện truyền thông xã hội sẽ tạo ra sự ngờ vực. Vậy nên, doanh nghiệp cần tăng sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông với một chiến lược phù hợp với giá trị của nhà tuyển dụng và ứng viên mục tiêu của công ty.

Chiến lược này nên bao gồm việc tạo nội dung thường xuyên và hấp dẫn như các hoạt động thể hiện sự tôn trọng nhân viên cùng hình ảnh chất lượng cao và tương tác tích cực với người theo dõi. Chỉ đơn giản như thế thôi, hình ảnh mà công ty thể hiện ra bên ngoài sẽ được cải thiện rất nhiều và chắc chắn, trong quá trình tuyển dụng tiếp theo, bạn sẽ nhận được CV của nhiều ứng viên chất lượng hơn

Quá an toàn và thiếu bản sắc

Nếu cố gắng chạy theo đám đông, “sao y bản chính” đối thủ cạnh tranh và quá an toàn, bạn có thể tạo ra thương hiệu nhà tuyển dụng nhàm chán và dễ bị lãng quên. Bạn đã từng nghe câu nói này chưa “Vùng an toàn là một nơi tuyệt đẹp, nhưng không có gì có thể phát triển ở đó”. Điều tương tự cũng đúng trong việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng.

Thương hiệu nhà tuyển dụng của bạn cần có điểm đặc biệt và khác biệt, giống như ưu thế độc đáo của sản phẩm hay dịch vụ mà nhóm Marketing dựa vào đó để thực hiện các chiến dịch quảng bá. Nếu không có nó, sẽ không có cách nào để trả lời câu hỏi của ứng viên tiềm năng về lí do tại sao họ nên chọn bạn thay vì hằng hà sa số các công ty ngoài kia.

Nói về cách viết thông điệp cho thương hiệu tuyển dụng, chị Mỹ Hằng gợi ý: “Giá trị độc đáo của thương hiệu tuyển dụng = những điều người tìm việc quan tâm + những điều bạn làm tốt – những điều đối thủ cạnh tranh đang làm tốt. Đây là công thức đơn giản mà bạn có thể áp dụng để viết một hai câu ấn tượng về giá trị thương hiệu tuyển dụng của mình”. Chị cũng lưu ý rằng nên tránh cường điệu và hứa hẹn quá mức. Thông điệp của bạn phải táo bạo nhưng cũng phải chân thành và đáng tin cậy.

Chỉ xem đó là ngắn hạn

Nhiều doanh nghiệp không chủ động củng cố thương hiệu của mình trên các nền tảng truyền thông xã hội, không khởi xướng các sáng kiến ​​để nuôi dưỡng nhóm nhân tài và xây dựng mối quan hệ với các ứng viên tiềm năng. Nói cách khác, họ chỉ xem đây là công cụ đẩy mạnh các chiến dịch tuyển dụng và nếu không cần nữa thì “cất vào một góc”. Cách nhìn hạn hẹp này không chỉ làm giảm hiệu quả của quá trình tuyển dụng mà còn cản trở doanh nghiệp đạt được lợi ích quan trọng, đó là thu hút người tài.

Nếu bạn coi thương hiệu nhà tuyển dụng như một chiến lược ngắn hạn, kết quả cũng chỉ là thoáng qua. Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng thành công là một nỗ lực dài hạn và có sự đầu tư cần thiết.

Bạn đang hoạt động năng nổ trên mạng xã hội, tạo các video tuyệt vời giới thiệu về công ty, khuyến khích nhân viên chia sẻ các đặc quyền khi làm việc ở doanh nghiệp… nhưng liệu những điều này có hiệu quả trong dài hạn không? Chắc chắn chúng có thể thu hút các ứng viên chất lượng ngay bây giờ nhưng liệu chúng có tác dụng khi thương hiệu của bạn phát triển theo thời gian không?

Trong những năm tới, thương hiệu của bạn sẽ thay đổi. Thế nên, bạn cần tạo ra một chiến lược thương hiệu nhà tuyển dụng toàn diện để chuẩn bị về lâu dài như lời chị Mỹ Hằng chia sẻ: “Giống như mọi phần mềm đều cần cập nhật, xây dựng thương hiệu tuyển dụng cũng cần một kế hoạch dài hạn bao gồm các thủ thuật mới để có thể theo kịp thời đại”.

Xây dựng thương hiệu tuyển dụng là yếu tố quan trọng trong việc đưa công ty của bạn trở thành lựa chọn hàng đầu cho các ứng viên. Do đó, hãy đảm bảo thực hiện tốt và tránh các sai lầm mà nhiều doanh nghiệp thường mắc phải. Bạn có ý kiến nào khác về những điều cần tránh khi xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng không? Hãy chia sẻ cùng CareerLink để quá trình này ngày càng trở nên hiệu quả hơn nhé.

Trang Đoàn

Sao chép thành công