Mục Lục
Một nhân viên đã nghỉ việc nói rằng họ đang phỏng vấn cho công việc mới và muốn nhờ bạn làm người tham khảo – reference trong CV. Bạn có nên đồng ý? Và nếu làm như vậy, bạn nên nói gì với nhà tuyển dụng?
“Bất cứ ai đã từng ở vị trí quản lý đều biết rằng có những lúc sẽ được nhân viên cũ nhờ làm người tham khảo”, chị Thảo Nguyên – Trưởng phòng Hành chính Nhân sự chia sẻ. “Không ít người thẳng thừng từ chối, cũng có người cho rằng chỉ nói điều tốt là cách làm hay nhất. Và có ý kiến cho rằng nên chuyển cho bộ phận nhân sự là xong. Chúng ta có quyền nhận lời hoặc từ chối nhưng dù đi theo hướng nào cũng cần biết cách thực hiện chuyên nghiệp”.
Thảo luận về vấn đề này, chị Thảo Nguyên đã có những thông tin rất thú vị.
Nếu cảm thấy không thoải mái khi làm reference trong CV, hãy nói từ chối.
Chúng ta không bắt buộc phải làm reference trong CV, vì vậy có thể từ chối. Đừng vì cả nể mà nhận lời rồi đưa ra lời giới thiệu hời hợt, điều này sẽ gây hại nhiều hơn có lợi. Nhà tuyển dụng sẽ cảm nhận được sự do dự của chúng ta và việc đánh giá về ứng viên cũng vì thế mà bị ảnh hưởng ít nhiều.
Có lần tôi được hỏi rằng có thể đưa ra lời giới thiệu tích cực về một nhân viên cũ hay không. Bạn này hay đi làm trễ, thường xích mích với đồng nghiệp và thiếu năng lực. Sau khi cân nhắc, tôi trả lời rằng: “Chị cũng muốn hỗ trợ em lắm, nhưng chị thực sự không có nhiều điều để nói”. Từ chối thì áy náy thật đấy nhưng còn hơn phải nói những điều tiêu cực.
Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội từ chối mà sẽ bị đặt vào thế đã rồi. Có ứng viên nọ trước khi hỏi ý kiến đã ghi tên tôi vào CV vì đoán tôi dù gì cũng sẽ đồng ý. Khi tôi từ chối, bạn ấy nói rằng nếu tôi nhận được cuộc gọi thì hãy cúp máy, chứ đừng nói những điều không hay. Tôi không nhận được cuộc gọi nào nhưng nếu có thì cũng sẽ không nói xấu bạn ấy. Trước đây bạn ấy không phải là một nhân viên giỏi nhưng biết đâu có thể làm tốt hơn ở một công ty khác.
Điều cần lưu ý nếu đồng ý làm reference trong CV
Nếu từ chối nghe có vẻ dễ dàng thì đồng ý làm reference trong CV sẽ phức tạp hơn một chút. Đầu tiên là kiểm tra chính sách của công ty. Đa số các doanh nghiệp đều có quy định về việc cung cấp thông tin tham khảo. Nhiều nơi chỉ có thể nói về ngày bắt đầu làm việc, chức danh và ngày chính thức nghỉ việc. Cũng có nhiều công ty cho phép tiết lộ nhiều thông tin hơn. Vì vậy, ngay cả khi chúng ta sẵn sàng chỉ nói những điều tốt đẹp, thì cũng nên kiểm tra với bộ phận nhân sự để biết điều gì được nói và điều gì thì không nên.
“Với sự hiểu biết, bạn sẽ cung cấp các thông tin tham khảo phù hợp và sẽ cảm thấy thoải mái với vai trò reference trong CV”.
Khi đã đồng ý đóng vai trò là người tham khảo, thì có một quy tắc bất thành văn là trả lời trung thực cho bất kỳ câu hỏi nào của nhà tuyển dụng tiềm năng dù có thể mất đi một mối quan hệ. Nhiều người thắc mắc vì sao không “đánh bóng” ứng viên một chút? Câu trả lời đơn giản là vì không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả.
Sẽ là bất lợi cho ứng viên khi chúng ta nói rằng họ giỏi công việc nào đó mà thực tế là họ không biết gì về nó, hay ngược lại nói rằng thành tích của họ trong công việc không đáng kể dù chúng ta biết là rất tốt. Nếu “quảng cáo quá sự thật” chúng ta có thể vô tình khiến họ thất bại trong công việc mới khi hóa ra họ không thể hoàn thành nhiệm vụ mà chúng ta nói là có thể. Trái lại, nếu nói rằng họ làm việc kém cỏi dù biết rằng họ đã làm tốt thì có nghĩa là chúng ta đang ngăn cản họ nhận được công việc. Do đó, cách phản hồi tốt nhất là trung thực, không che giấu điều xấu cũng như giảm thiểu điều tốt.
Trung thực không chỉ giúp ích cho ứng viên mà còn giúp chúng ta tránh khỏi rắc rối. Nói lên sự thật đồng nghĩa với loại bỏ khả năng nhà tuyển dụng tiềm năng đánh giá chúng ta cố ý nói dối và có ý xấu với người mà họ đang muốn tìm hiểu.
Nhắc đến trung thực thì tôi cũng muốn nói thêm một chút. Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe câu Một nửa sự thật chưa chắc là sự thật. Giữ lại thông tin mà chúng ta biết là đúng cũng có thể là vấn đề. Giả sử chúng ta biết ứng viên đó có tính khí nóng nảy và đã gặp nhiều rắc rối trong công việc vì không biết kiềm chế cảm xúc. Hậu quả có thể xảy ra là gì nếu chúng ta nói rằng “bạn ấy hiền như cục bột” dù biết rằng điều đó không đúng? Giả sử rằng, ít nhất một phần là do lời giới thiệu của chúng ta, người đó được tuyển dụng. Cũng giả sử rằng bạn ấy làm một khách hàng hay đồng nghiệp bị tổn thương. Chắc chắn chúng ta không thoát khỏi việc bị đánh giá là giới thiệu cẩu thả.
Đến đây thì có một câu hỏi đặt ra là “Có nên trả lời mọi câu hỏi của nhà tuyển dụng không?”. Tuyệt đối không! Nếu đã đồng ý làm người tham khảo – reference trong CV, chúng ta không chỉ nên đưa ra câu trả lời trung thực mà còn nên giới hạn câu trả lời của mình, cụ thể là không nên trả lời những câu hỏi không liên quan gì đến hiệu suất công việc chung! Giả sử với câu hỏi “Tính cách của anh A như thế nào?”, chúng ta có nên trả lời không? Chắc chắn là có rồi, nhưng mẹo là diễn đạt câu trả lời theo hướng về hiệu quả công việc và nói điều gì đó như, “Tôi nghĩ anh ấy có tính cách rất cởi mở trong công việc”. Hoặc với câu hỏi “Chị B có hòa đồng không?”, câu trả lời có thể là: “Tôi nghĩ chị B làm việc rất tốt với mọi người”.
Mặt khác, nếu một câu hỏi hoàn toàn không liên quan đến hiệu suất công việc và không thể đánh đồng với hiệu suất công việc theo bất kỳ cách nào, thì đừng trả lời.
Trả lời các cuộc gọi hoặc email với tư cách người tham khảo – reference trong CV là tình huống không quá khó nhưng cần cẩn thận. Điều quan trọng là phải lựa chọn từ ngữ kỹ lưỡng cũng như tránh nói điều gì đó cá nhân hoặc không có bằng chứng cụ thể để tránh đưa mình vào những rắc rối không đáng có”, chị Thảo Nguyên nhắn nhủ.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn
- Nghệ thuật quản lý2024.09.30Làm gì khi nhân viên phản đối sự đổi mới?
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.234 câu hỏi giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm của ứng viên
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng