6 lí do quản lý nên phản hồi cho nhân viên

Phản hồi thường được hiểu như đưa ra một lời khuyên “Hãy cố gắng hơn vào lần tiếp theo!” hoặc khen ngợi “Làm tốt lắm!” hay lời trách móc “Bạn đã khiến chúng tôi mất khách hàng”, nhưng nó không chỉ có thế. Phản hồi là một quá trình quản lý hiệu suất, nó còn có thể là một thông tin hữu ích về những gì đã xảy ra, liên quan đến kết quả của một mục tiêu đã đặt ra. Nó cũng có thể là một nhận xét đơn giản hoặc một cuộc thảo luận chi tiết về những gì đã làm và những gì có thể làm tốt hơn.

Với vai trò một nhà quản lý, bạn có thể dễ dàng đọc ra một danh sách dài các yếu tố quan trọng để thành công như có kỹ năng quản lý tài chính, chiến lược dịch vụ khách hàng hiệu quả… Nhưng nếu không có kỹ năng phản hồi cho nhân viên trong danh sách này thì bạn đang thiếu một “chìa khóa” quan trọng. Dưới đây là các lý do vì sao đưa ra phản hồi cho nhân viên là một công cụ thiết yếu cho bất kỳ người quản lý nào, hãy cùng tham khảo nhé.

Mở ra một cuộc đối thoại

Hành động đưa ra phản hồi sẽ mở ra một cuộc đối thoại giữa bạn và nhân viên cấp dưới. Khi biết rằng bạn thực sự chân thành và nhân viên có thể nói chuyện với bạn thì điều này sẽ giúp bạn tạo dựng niềm tin với họ và các đồng nghiệp khác. Không những vậy, bạn còn để một cánh cửa mở giúp nhân viên dễ dàng tiếp cận và nói chuyện với bạn nhiều hơn. Cho dù là về cuộc sống hay bất cứ vấn đề nào trong công việc, thì đó cũng là hành động mang ý nghĩa tích cực.

Tạo động lực thúc đẩy

Nhân viên của bạn sẽ cảm thấy được đánh giá cao nếu nhận được những phản hồi tích cực từ cấp trên. Khi họ biết những gì đang mang lại sự hài lòng cho cấp trên, họ sẽ có xu hướng lặp lại hành động đó hoặc phấn đấu để đạt hiệu quả cao hơn nữa. Các phản hồi dù không tích cực nhưng mang tính xây dựng cũng có thể thúc đẩy nhân viên của bạn bởi nó giúp họ biết chính xác những gì họ cần làm để đạt được mục tiêu đặt ra và cải thiện tốt hơn trong tương lai.

Tạo điều kiện học hỏi liên tục

Khoảnh khắc một nhân viên nhận được phản hồi, đó là cơ hội để họ học được điều mới mẻ mà họ không biết trước đây. Không phải tất cả chúng ta đều đúng mọi lúc mọi nơi. Cung cấp cho nhân viên của bạn các thông tin phản hồi mang tính xây dựng để  họ biết những gì họ có thể cải thiện để phát triển bản thân – điều rất quan trọng đối với họ. Tương tự như vậy, bằng cách lắng nghe phản hồi từ nhân viên, bạn cũng sẽ phát triển hơn với tư cách là một nhà quản lý và sẽ có lợi cho bạn về lâu dài.

Khẳng định giá trị của nhân viên

Phản hồi, cả tiêu cực lẫn tích cực, đều khẳng định một điều với nhân viên rằng những gì họ đang làm rất quan trọng. Họ cần biết rằng đóng góp của họ có giá trị cho sự thành công của doanh nghiệp. Không ai muốn dành thời gian của mình để làm công việc gì đó vô ích hoặc không có giá trị, vì vậy việc đưa ra phản hồi cho những điều họ làm tốt hoặc cho các thiếu sót cần cải thiện là điều rất quan trọng.

Tránh đi trật “đường ray”

Tạo thói quen phản hồi thường xuyên đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo rằng bạn và nhân viên của bạn có cùng chung một suy nghĩ khi thực hiện công việc. Chẳng hạn, bằng cách cung cấp thông tin phản hồi thường xuyên trong một dự án, các thành viên trong nhóm sẽ biết rằng các nhiệm vụ đang được thực hiện đúng hướng hay không. Mặt khác, lắng nghe phản hồi của nhân viên khi họ muốn được đào tạo thêm hoặc gặp khó khăn, bạn sẽ có thể hỗ trợ họ một cách kịp thời, từ đó giúp mọi thứ luôn được vận hành đúng phương hướng và mang lại năng suất cao hơn.

Nhân viên muốn được phản hồi

Theo các nghiên cứu, có đến 75% nhân viên cho rằng sự phát triển cá nhân rất quan trọng đối với họ, mà nếu không có phản hồi thì họ không thể phát triển được. Thêm vào đó, có 65% nhân viên thực sự muốn nhận được càng nhiều phản hồi càng tốt. Đây là lý do hoàn toàn thuyết phục để bạn đưa ra phản hồi cho nhân viên của mình.

Những lí do trên cho thấy đưa ra phản hồi cho nhân viên của bạn là một phần thiết yếu của việc trở thành người quản lý giỏi vì điều này có thể mang lại thay đổi tích cực. Điều quan trọng là bạn cần đưa ra cách tiếp cận khéo léo để tránh gây ra các phản ứng phòng thủ nơi người nhận. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ giúp nhân viên phát triển được hiệu suất của họ, đồng nghĩa bạn sẽ có được một đội ngũ nhân viên hiệu quả cho doanh nghiệp của mình.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công