Có thể ở vai trò người mới làm công tác tuyển dụng, bạn chưa hiểu rõ người tham chiếu là gì và nên hỏi họ điều gì? Hôm nay sẽ cùng tìm hiểu nhé.
Người tham chiếu là gì?
Người tham chiếu là những người có thể làm chứng về tính cách, kỹ năng và khả năng của ứng viên. Bạn có thể gọi cho họ để tìm hiểu một số thông tin về ứng viên.
Công đoạn tìm hiểu và xác nhận với người tham chiếu được xem như là bước cuối cùng trong quá trình sàng lọc ứng viên của nhà tuyển dụng trước khi đưa ra quyết định chính thức về việc có nhận người hay không. Để có được những thông tin chính xác nhất nhằm tránh tuyển sai người, bạn không nên bỏ qua 8 câu hỏi sau.
Những điều về ứng viên bạn nên hỏi người tham chiếu trong CV là gì?
Mối quan hệ của bạn và ứng viên là gì?
Câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định xem ứng viên và người tham chiếu có từng làm việc cùng nhau hay không. Bởi người tham chiếu cần là người có cái nhìn khách quan và am hiểu nhất định về ứng viên đó ví dụ như sếp cũ, đồng nghiệp cũ… Khi biết được bản chất cụ thể của mối quan hệ, bạn có thể đánh giá tốt hơn thông tin được cung cấp.
Bạn có thể xác nhận chức danh, mô tả công việc và thời gian làm việc của ứng viên không?
Các nhà tuyển dụng luôn muốn tìm hiểu về kinh nghiệm, trách nhiệm công việc trước đây của ứng viên. Nếu các câu trả lời trùng khớp với những gì được cung cấp trong CV và buổi phỏng vấn thì sẽ thể hiện phần nào sự trung thực của họ. Và đây sẽ là yếu tố để bạn đánh giá tính cách của ứng viên cũng như có sự cân nhắc lựa chọn kỹ hơn.
Bạn có thể nói một chút về hiệu suất công việc của ứng viên không?
Sau khi xác minh mối quan hệ và công việc trước đây thì đến lúc đi sâu vào chuyên môn. Những câu hỏi xoay quanh vấn đề này bao gồm kỹ năng, điểm mạnh và điểm yếu, quá trình phấn đấu, khả năng làm việc độc lập hoặc làm theo nhóm và thành quả đã đạt được trong khoảng thời gian làm việc tại công ty cũ.
Điều này chính là yếu tố then chốt giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn ứng viên để đi đến quyết định cuối cùng.
Tinh thần trách nhiệm của ứng viên với công việc ra sao?
Đạo đức nghề nghiệp không chỉ là thước đo sự phát triển cá nhân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, được đánh giá qua thái độ làm việc nghiêm túc, trung thực, có tinh thần học hỏi, luôn sáng tạo và cố gắng… Khi hỏi câu hỏi này, bạn nên tìm hiểu xem ứng viên đã phản ứng thế nào với các sai lầm đã phạm phải và liệu rằng họ có tinh thần trách nhiệm về thời hạn và chất lượng công việc hay không, để từ đó đưa ra quyết định chính xác hơn.
Phong cách làm việc của ứng viên thế nào?
Tính cách và phong thái làm việc của ứng viên cũng là điều nên đề cập đến để xem xét họ có phù hợp với văn hóa công ty bạn hay không. Nếu doanh nghiệp của bạn chú trọng về việc đi làm đúng giờ, quần áo chỉn chu lịch sự, đầu tóc gọn gàng… thì chắc hẳn sẽ có nhiều việc phải làm với ứng viên thích ăn mặc tự do, thoải mái có phần xuề xòa.
Đôi khi phong cách làm việc của nhân viên sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều với văn hóa của công ty cũ, vậy nên nếu họ thực sự có năng lực hãy cho họ cơ hội thích nghi và sửa đổi.
Vì sao ứng viên rời bỏ vị trí?
Thông tin có được từ câu trả lời của người tham chiếu là gì? Nó không chỉ giúp bạn làm sáng tỏ nguyên nhân nghỉ việc của ứng viên mà còn có thể ngầm hiểu về thời gian họ có thể gắn bó với doanh nghiệm của bạn. Nếu lí do rời bỏ công ty cũ của ứng viên là những điều có thể gặp phải ở công ty của bạn thì tỉ lệ rất cao họ sẽ nghỉ việc trong thời gian ngắn. Vì vậy, tìm hiểu về lí do nghỉ việc là câu hỏi không thể bỏ qua và cũng một trong những cách hiệu quả để giảm tỉ lệ chọn nhầm người khi tuyển dụng.
Nếu có thể, bạn có muốn tuyển lại ứng viên này không?
Cho dù người tham chiếu có muốn tuyển lại ứng viên hay không thì điều này cũng là “câu chốt” cho mọi thảo luận trước đó. Đó là lí do tại sao chỉ nên đưa ra câu hỏi này khi gần kết thúc cuộc trò chuyện. Nếu chỉ có thời gian để hỏi một câu thì đây chính là điều bạn nên hỏi nhất, và đừng quên đi sâu vào để tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ lại muốn tuyển dụng ứng viên này một lần nữa nhé.
Có điều gì khác mà tôi nên biết về ứng viên này không?
Bằng cách đưa ra câu hỏi này, bạn có thể tìm hiểu thêm các khía cạnh khác của ứng viên – những điểm không được đề cập trong các câu hỏi trên đây. Chẳng hạn, ứng viên là người hay đi trễ hoặc là người nhiệt tình với đồng nghiệp. Những chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng góp phần vào việc đánh giá ứng viên một cách khách quan hơn.
Sau cùng, bạn nên nhớ rằng mình đang “nhờ vả” người tham chiếu, mong muốn được họ cung cấp những thông tin về ứng viên, vì vậy cần có thái độ đúng mực, lịch sự và không quên nói lời cảm ơn sau khi kết thúc cuộc trao đổi.
Trên đây là những chia sẻ giúp bạn hiểu rõ người tham chiếu là gì và những điều nên hỏi họ về ứng viên, hi vọng rằng bạn sẽ tuyển dụng được ứng viên chất lượng.
Tiến Huy
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?