Muốn có mức lương mới cao hơn thì cứ “nhảy” việc?

Theo thống kê của Forbes, tỷ lệ tăng trưởng trung bình về mức lương mà người lao động nhận được sau khi “nhảy” việc nằm trong khoảng từ 10 đến 20%. Thậm chí, có những nhân sự được tăng đến 30 đến 50% tùy vào vị trí và đặc thù công việc. Điều này vô tình dấy lên quan niệm rằng muốn có mức lương mới cao hơn thì cứ “nhảy” việc nhưng liệu rằng thực tế có đơn giản như vậy không?

Tại sao “nhảy” việc thường nhận được mức lương mới cao hơn?

Một phần lí do của việc người lao động sau khi “nhảy” việc thường nhận được mức lương cao hơn so với công ty cũ là vì các công ty không nâng lương cho nhân viên hiện tại nhiều như khi họ tuyển dụng một nhân viên mới.

Nói cách khác, các vị trí mới thường được trả lương cạnh tranh hơn để thuyết phục ứng viên gia nhập vào doanh nghiệp, trong khi việc tăng lương cho các nhân viên hiện tại theo tỉ lệ cố định không phải lúc nào cũng phù hợp với thị trường, nhất là khi họ không tạo ra các đột phá mới.

Nguyên lý ở đây vô cùng đơn giản, khi ở một công ty trong thời gian dài, bạn sẽ được tăng lương đều đều hàng năm. Tuy nhiên, mức tăng này rất hạn chế. Để phá vỡ vòng lặp này, bạn hoàn toàn có thể bước ra khỏi đó và lựa chọn một vòng lặp khác. Khác nhau ở chỗ mức khởi điểm của 2 vòng lặp này sẽ có sự chênh lệch đáng kể.

Muốn có mức lương mới cao hơn thì cứ “nhảy” việc?

“Nhảy” việc không đúng lúc đôi khi không có lợi mà chỉ thấy hại

Không phải cứ thay đổi công việc là có được mức lương mới cao hơn. Nhiều người sau khi “nhảy” việc chỉ kiếm được mức lương tương đương hoặc thậm chí ít hơn so với mức lương họ kiếm được ở nơi làm việc trước đây.

Mặt khác, có mức lương mới cao hơn đồng nghĩa với áp lực và khối lượng công việc của bạn sẽ lớn hơn. Điều đó có thể khiến bạn gặp căng thẳng và phải đối diện với nhiều vấn đề khác như chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần đều xuống dốc,… Nếu năng lực không thể theo kịp yêu cầu công việc, bạn có thể đánh mất cả chì lẫn chài.

Hơn nữa, “nhảy” việc quá nhiều có thể khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng và làm độ tín nhiệm của bạn giảm đi đáng kể. Như chúng ta có thể thấy, các nhà tuyển dụng hiểu thực tế rằng “nhảy” việc ngày nay đã trở nên phổ biến, nhưng nhìn thấy bạn đảm nhận 3-4 vị trí chỉ trong vòng vài tháng thì họ sẽ sợ đấy.  

Nhà tuyển dụng luôn muốn các ứng viên có thể gắn bó lâu dài bởi việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới rất tốn kém và tốn thời gian, các công ty không muốn lặp lại quy trình này nếu bạn rời đi trong vòng vài tháng. Chị Nguyễn Phương Hồng, Trưởng phòng tuyển dụng chia sẻ: “Nếu ứng viên chỉ làm việc với công ty trong hai năm và phải mất sáu tháng để phát huy hết năng suất, thì công ty chỉ có được một năm rưỡi năng suất từ ​​người đó. Điều này giải thích lí do tại sao, mặc dù “nhảy” việc đã trở nên phổ biến hơn nhưng nó vẫn khiến nhiều công ty phải đắn đo”.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, “nhảy” việc mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không có mục đích chính đáng hoàn toàn không phải một hành động khôn ngoan. Khi các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, nhân sự mới sẽ là những “mục tiêu” đầu tiên lọt vào “tầm ngắm”.

“Nhảy” việc là một trong những cách dễ nhất để nhận được mức lương mới hấp dẫn hơn nhưng cần phải được thực hiện đúng cách.”

“Nhảy” việc thế nào để tối đa hóa mức lương?

“Nhảy” việc là một cuộc chơi đầy mạo hiểm mà chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Trước khi “nhảy” việc, chị Phương Hồng khuyên bạn nên đề xuất được nâng lương với quản lý. Chị nói: “Nhiều nhân viên mắc sai lầm khi nhảy việc để được tăng lương mà không nói chuyện trước với người quản lý về mối quan tâm của họ. Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể được thăng chức hoặc tăng lương nội bộ nhưng hãy dành thời gian trao đổi. Nếu không thể nhận được mức lương mới cao hơn, hãy thảo luận về những phúc lợi khác mà doanh nghiệp có thể cung cấp cho bạn”.

Trường hợp doanh nghiệp không có bất kỳ động thái nào, có lẽ đã đến lúc tìm kiếm cơ hội mới nếu bạn cũng đảm bảo các điều kiện sau:

Gần đây bạn đã có được những kỹ năng mới giúp bạn có giá trị hơn đối với nhà tuyển dụng

Nếu bạn học được nhiều kỹ năng mới trong thời gian gần đây thì bạn có thể đã phát triển hơn vai trò của mình và có thể sẽ cảm thấy ngột ngạt trong “cái ao chật chội” ở vị trí hiện tại. Nếu công ty không thể giao cho bạn nhiều trách nhiệm hơn, thì đến lúc bạn nên tìm một “đồi cỏ xanh hơn”.

Với năng lực, sự nhạy bén, quyết liệt, định hướng rõ ràng và quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng, ngay khi cầu đang vượt xa cung trong thị trường tuyển dụng, bạn vẫn rộng cửa để có được mức lương tương xứng hơn.

Bạn đang kiếm được ít tiền hơn những người khác trong cùng lĩnh vực

“Hãy chú ý đến bạn bè của bạn,” chị Phương Hồng khuyên, “Nếu bạn có mối quan hệ tốt trong ngành và có cảm giác rằng hầu hết những người khác đang được trả mức lương cao hơn trong khi vẫn có cùng mức độ căng thẳng và khối lượng công việc thì đã đến lúc nên đánh giá lại lựa chọn của bạn”.

Bạn không có lịch sử “nhảy” việc liên tục

Thay đổi nghề nghiệp là điều bình thường, nhưng nếu bạn là người có xu hướng chuyển đổi công việc mỗi năm vài lần thì điều đó có thể gây hại cho bạn về lâu dài.

Để tối đa hóa khả năng nhận được mức lương mới hấp dẫn hơn khi “nhảy” việc, tốt hơn hết bạn nên có thời gian làm việc dài hơn (khoảng 3-5 năm) ở công ty cũ, nhất là khi bạn mới bắt đầu sự nghiệp. Chị Phương Hồng cho biết, nếu cảm thấy cần nâng cao kỹ năng hoặc kinh nghiệm chuyên môn của mình, bạn nên tham gia một khóa học thay vì rời bỏ vị trí hiện tại. Vì vậy, ngay cả khi có những lý do thuyết phục để “nhảy” việc để tăng thu nhập nhưng vẫn chưa gắn bó đủ lâu, tốt hơn hết bạn nên ở lại với công ty thêm một thời gian nữa.

Người thành công có lối đi riêng nhưng không bao giờ quyết định bất cứ việc gì một cách vội vàng. Vì lẽ đó, hãy luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi “nhảy” việc để đạt được mức thu nhập lý tưởng cho bản thân nhé!

Trang Đoàn

Sao chép thành công