Mục Lục
Bạn đã từng làm việc với một người thà mất vài ngày tự tìm tòi chứ nhất định không tìm kiếm sự trợ giúp của người khác dù chỉ vài phút thôi là sự việc có thể được giải quyết chưa? Vì nhiều lí do, nhiều người trong chúng ta coi việc nhờ giúp đỡ là biểu hiện của sự yếu đuối, dựa dẫm, nhưng thực tế mình nghĩ đó là dấu hiệu của sức mạnh to lớn.
Việc nhờ người khác giúp đỡ chứng tỏ rằng bạn tin tưởng vào khả năng của họ đồng thời cũng cho thấy bạn đủ tự tin để thừa nhận mình cần có thêm quan điểm và có khả năng hợp tác, cộng tác với người khác. Với nhiều đôi mắt và bàn tay, kiến thức và kinh nghiệm tập trung vào một vấn đề cụ thể, chúng ta sẽ nghĩ ra nhiều giải pháp hay và đạt kết quả tốt hơn như câu nói “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Có thể thấy nhờ đến sự giúp đỡ của người khác là điều cần thiết, nhưng không vì vậy chuyện gì cũng nhờ, nhờ liên tục khiến người khác phát quạu vì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến công việc của họ. Vậy, khi nào là thời điểm hợp lý để lên tiếng “nhờ vả”?
“Tìm kiếm sự trợ giúp rất quan trọng ở nơi làm việc và nó không chỉ giúp bạn nhận được sự hỗ trợ bạn cần mà còn tạo ra sự hợp tác, tăng năng suất, mức độ tương tác cao hơn và hơn thế nữa.”
Thời điểm bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp của đồng nghiệp hoặc cấp trên
Bạn đang ở trong tình trạng rối bời, không biết nên làm gì
Nếu bạn là lính mới hoặc đã làm việc lâu năm nhưng sếp lại giao cho một nhiệm vụ mới toanh và không biết bắt đầu từ đâu, đó là lúc bạn cần liên hệ với đồng nghiệp, cấp trên để được giải thích và hỗ trợ đường đi nước bước.
Một vài câu nói chân thành như “Em cảm thấy bối rối về các chi tiết trong chiến dịch quảng cáo lần này. Anh, chị có thể sắp xếp thời gian để giải đáp giúp em một vài thắc mắc được không ạ?” rõ ràng có tác dụng hơn nhiều so với việc tự an ủi bản thân “Cứ từ từ suy nghĩ rồi sẽ tìm thấy đường đi”. Nếu làm như vậy, rất có thể mọi việc sẽ không diễn ra như mong đợi và bạn sẽ lãng phí thời gian của chính mình và của những người khác. Ngoài ra, bạn còn tự khắc họa mình là một kẻ bướng bỉnh và bất tài. Vì vậy, hãy hít một hơi thật sâu và đến gặp người giám sát hoặc một trong những đồng nghiệp của bạn để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể.
Khi bạn choáng ngợp với những việc cần làm
Nếu bạn cứ nhiệt tình nhận mọi nhiệm vụ được giao thì bạn sẽ sớm thấy mình bị chìm ngỉm giữa “biển” công việc. Khi bạn đã đạt đến giới hạn của mình và biết không có cách nào khác để hoàn thành mọi việc đúng hạn, dù có thức trắng cả tháng tới, thì đã đến lúc nhờ “quyền” trợ giúp.
Có thể nhiều cảm xúc sẽ xuất hiện trong bạn lúc này, bao gồm sợ từ chối, sợ người được nhờ không làm đúng nhưng lớn nhất là sợ người khác nói mình đang trốn tránh trách nhiệm. Tuy nhiên, ai cũng từng rơi vào hoàn cảnh này ít nhất một lần trong đời mà, còn ngại chi.
Bạn chỉ cần dốc hết “ruột gan”, tỏ rõ lòng mình “Em cũng ngại khi nhờ giúp đỡ nhưng bây giờ em đuối lắm rồi. Nếu chị có thời gian, có thể giúp em làm bảng báo ngân sách cho chiến dịch A được không? Em biết là chị có khả năng và em rất biết ơn nếu chị đồng ý hỗ trợ em lần này”, thì tin chắc rằng không ai nỡ từ chối. Chỉ cần nhớ trả ơn vào lần tới khi đồng nghiệp cũng cảm thấy quá tải. Có qua có lại mới toại lòng nhau, phải không?
Khi bạn mắc phải một sai làm nào đó
Dù biết rất rõ câu “Bút sa gà chết” và đã cố gắng cẩn thận nhưng đôi khi chúng ta không tránh khỏi sai lầm. Sai thì cũng đã sai, quan trọng là sau đó bạn sẽ làm gì. Càng cố che giấu thì sự việc sẽ càng nghiêm trọng hơn, nên chắc chắn đây là lựa chọn tồi tệ nhất. Dù có xấu hổ đến mấy thì bạn cũng nên tìm kiếm sự trợ giúp để khắc phục sai lầm càng sớm càng tốt.
Bạn không phải là người đầu tiên mắc sai lầm trong công việc và chắc chắn bạn cũng không phải là người cuối cùng nên hãy thử nói điều này: “Em đã vô tình làm hỏng chiếc máy xay cà phê này và bây giờ cần thay một vài bộ phận, anh có thể giúp em sửa lại được không ạ? Nếu được anh giúp đỡ em sẽ rất biết ơn ạ!”
Những người quản lý có kinh nghiệm sẽ không cố gắng làm cho bạn cảm thấy xấu hổ hơn đâu. Công việc của họ là làm việc với bạn để tìm ra giải pháp tốt nhất. Dù bạn làm gì, đừng bao giờ cố giấu đi sai lầm, nó có thể khiến bạn mất việc đấy.
Khi bạn cần thêm kiến thức hoặc muốn nâng cao hiểu biết
Nếu bạn đang thực hiện công việc mà bạn cho rằng ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp có thể giúp đạt hiệu quả cao hơn thì đừng bao giờ ngần ngại nhờ họ cho cho lời khuyên. Điều này vừa thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm của bạn vừa giúp công việc của bạn được hoàn thành với chất lượng cao nhất. Có thể nói là đôi bên cùng có lợi.
Nếu bạn thắc mắc không biết nên mở lời như thế nào thì đây là gợi ý dành cho bạn “Em đang có kế hoạch viết về chủ đề Marketing và em rất mong nhận được chia sẻ của chị về lĩnh vực này. Em nghĩ các trải nghiệm thực tế của chị có thể tăng giá trị và làm cho các bài viết trở nên sống động và thú vị hơn. Em có thể gặp chị vào thời gian rảnh để trao đổi một số ý tưởng được không ạ?”.
Hoàn thành tốt mọi công việc một mình thật đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, không có gì phải xấu hổ khi tìm kiếm sự trợ giúp trong quá trình thực hiện. Lần tới khi bạn cảm thấy mình rơi vào một trong những tình huống trên đây, hãy mạnh dạn gạt bỏ niềm kiêu hãnh sang một bên và nói rằng mình cần giúp đỡ. Điều này sẽ tốt cho công việc, sức khỏe và tinh thần của bạn lẫn của các thành viên trong nhóm.
Vân Phạm