Làm thế nào để phát triển đồng bộ nhân lực?

Bên cạnh việc đầu tư máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại, để công việc đạt được năng suất và hiệu quả tối ưu, thì nhân viên phải phát huy tối đa năng lực của mình. Theo đánh giá sơ bộ về năng suất lao động, thông thường nhân viên chỉ làm việc với 70% công suất, đối với 30% còn lại đòi hỏi người lãnh đạo phải biết cách “khai quật” để khơi dậy tiềm năng và phát huy ý tưởng sáng tạo của cá nhân đó, góp phần thúc đẩy toàn bộ tập thể chuyên tâm vào công việc.

Vậy làm thế nào để phát triển đồng bộ nhân lực cũng như đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công việc, CareerLink.vn sẽ chia sẻ với bạn một số cách thức cơ bản để tận dụng, duy trì nguồn nhân lực, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài cho công ty.

Bồi dưỡng – trọng dụng nhân viên giỏi hiện có

Thành tích của mỗi nhân viên chịu sự chi phối bởi hai yếu tố, một là khả năng – năng lực của cá nhân đó, tức những kiến thức, kinh nghiệm được trau dồi – tích lũy từ quá trình làm việc và hai là yếu tố động viên, khích lệ từ chính người quản lý trực tiếp. Để công việc đạt được hiệu quả tốt nhất, thì người lãnh đạo cần thiết lập và áp dụng biện pháp nâng cao năng lực nhân viên bằng các chương trình, khóa đào tạo, huấn luyện nhà tuyển dụng, quản lý nhân sự để nâng cao kỹ năng quản lý, giúp công ty xây dựng nền tảng con người làm cốt lõi và phát triển bền vững.

Trải qua quá trình cọ xát, cá nhân nhân viên giỏi sẽ nảy sinh nhu cầu đóng góp cho tập thể bằng việc tự khẳng định và hoàn thiện bản thân, người lãnh đạo nên tạo điều kiện cho họ tham gia quản lý, hướng dẫn, kèm cặp nhân viên mới – hỗ trợ nhân viên cũ; đồng thời, khuyến khích họ đóng góp ý kiến tại các buổi họp của cấp lãnh đạo, tham gia các dự án quan trọng, hoạch định chiến lược, chiến thuật của phòng – ban và cả công ty.

Đào tạo nguồn nhân lực kế thừa

Người lãnh đạo nên chấp nhận việc một nhân viên giỏi khi được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức cần thiết sẽ có ngày họ rời bỏ đi vì đó là quy luật phát triển tất yếu của thị trường lạo động. Họ không muốn bó hẹp trong một phạm vi nhất định với định hướng tìm kiếm môi trường thử thách hơn để phát triển bản thân. Thay vào đó, nên có chính sách đào tạo nguồn nhân lực kế thừa, bên cạnh việc bồi dưỡng – trọng dụng nguồn lực giữ vai trò “đầu cán” của công ty, thì khâu tuyển chọn nguồn ứng viên mới cũng vô cùng quan trọng.

Người quản lý nên giám sát kỹ lưỡng nhóm nhân viên này trong quá trình thử việc, để đưa ra đánh giá xác đáng, lựa chọn ra người cẩn trọng, tỉ mỉ và có thái độ nghiêm túc để giao nhiệm vụ – trọng trách. Chính suy nghĩ và lối tư duy tích cực sẽ phần nhiều chi phối đến chất lượng công việc, nên quản lý cần trao đổi với nhân viên để biết được quan niệm sống và nguyên tắc làm việc, vì một người có tinh thần cầu tiến, suy nghĩ tích cực thì sẽ làm việc hiệu quả hơn hẳn so với những người làm việc “bình bình”, không có chí tiến thủ, mang tư tưởng “cào bằng”.

Chống sức ì của nhân viên cũ

Thực trạng cho thấy, sau một quãng thời gian nhất định gắn bó với công ty, nhân viên đã quen dần và trở nên thành thục trong công việc. Người lãnh đạo cần có những giải pháp tức thời sốc lại tinh thần cho nhân viên cũ, chống sức ì trong công việc bằng những khóa học ngắn hạn về nghiệp vụ mới, kích thích trí tò mò của cấp dưới, qua đó, tạo điều kiện trao đổi, thảo luận, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa các nhân viên với nhau. Tuy nhiên, nôi dung cần đúng trọng tâm, thời điểm, bắt kịp xu hướng của thời đại, bởi quỹ thời gian của nhân viên thường hạn hẹp, việc sắp xếp, bố trí lịch trình hợp lý để tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, vật lực mà vẫn thu hút được đông đảo nhân viên hưởng ứng tham gia.

Ngoài ra, người quản lý cần tạo môi trường làm việc thoải mái, tạo “sân chơi” để nhân viên làm việc hết sức và chơi hết mình. Môi trường vui vẻ, hòa đồng, tương tác – bỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ bí quyết hiệu quả trong công việc, tổ chức vui chơi giải trí vào các dịp như sinh nhật, giáng sinh,… sẽ kích thích nhân viên phát huy tinh thần tự chủ và tính sáng tạo.

Vị tha trong phạm vi cho phép

Chúng ta nên rút ra bài học từ quá khứ, sống cho hiện tại và hướng đến tương lai. Bởi con người là bất hoàn hảo, nên việc nhân viên gặp phải vướng mắc, thiếu sót trong công việc là điều không thể tránh khỏi, vì thế, vị tha trong phạm vi cho phép sẽ khiến nhân viên tự ý thức khắc phục nhược điểm của bản thân, nhìn nhận ra sai lầm và chú ý đến việc làm thế nào để tránh mắc phải lỗi tương tự.

Tuy nhiên, người lãnh đạo nên đặc biệt theo dõi nhóm nhân viên yếu – kém, năng suất không cao, cường độ giảm để có hướng giải quyết dứt điểm. Theo dõi thái độ của nhân viên trong quá trình tiếp thu kiến thức từ khóa học cải thiện nghiệp vụ hay thông qua sự chỉ bảo, kèm cặp của nhân viên kì cựu trong công ty. Nếu họ có dấu hiệu chán nản, mệt mỏi, không hợp tác thì nên ngưng việc cải thiện, tiến tới cân nhắc sử dụng biện pháp sa thải khi cần thiết, còn nếu họ bày tỏ sự hứng thú, nhập tâm, tập trung và đề xuất một số ý tưởng khá táo bạo, sáng tạo thì chứng tỏ họ có suy nghĩ về những vấn đề được tiếp nhận bằng cách tự chấn chỉnh tác phong của bản thân.

Làm thế nào để phát triển đồng bộ nhân lực là đối sách mang tầm chiến lược lâu dài, đòi hỏi người lãnh đạo phải suy xét và lựa chọn giải pháp hữu hiệu theo từng thời điểm và hoàn cảnh cụ thể, bởi con người chính là “nguyên khí” – nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của một công ty.

Hương Giang

  

Sao chép thành công