Shipper là gì? Thu nhập trung bình của shipper là bao nhiêu?

Hình thức mua sắm online lên ngôi đã kéo theo sự ra đời của một ngành nghề mới, đó chính là shipper. Họ là những người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quy trình vận chuyển và giao hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Vậy, shipper là gì? Mức thu nhập trung bình của shipper là bao nhiêu? Hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Shipper là gì?

“Trong ngành vận tải, shipper chính là người được giao trách nhiệm vận chuyển hàng hóa, là đầu mối đầu tiên và cũng là đầu mối sau cùng kết nối giữa hàng hóa giữa người bán và người mua.”

Phân loại shipper

Shipper tự do

Là nhóm shipper không thuộc quyền quản lý của bất kỳ đơn vị vận chuyển nào, cũng không có giờ giấc giao hành cố định. Họ có thể nhận phí ship ngay khi giao hàng thành công mà không cần thông qua đơn vị trung gian hay công ty vận chuyển.

Shipper tự do chủ yếu là những người muốn kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi như sinh viên, xe ôm… 

Shipper bán chuyên

Là nhóm shipper bận rộn nhất vì shipper là nghề nghiệp và cũng là nguồn thu nhập thứ hai của họ. Họ cũng không thuộc quyền quản lý của bất kỳ công ty vận chuyển nào nhưng luôn trong tình trạng tất bật vì phải “chạy show” liên tục giữa công việc chính và công việc shipper.

Shipper công nghệ

Là nhóm shipper hợp tác với các ứng dụng giao hàng như Now, Grab…, là cầu nối giữa người tiêu dùng với các đơn vị cung cấp dịch vụ trên các ứng dụng này. Tuy nhiên, họ sẽ phải trích phần trăm hoa hồng trên mỗi đơn hàng cho các đơn vị quản lý ứng dụng.

Shipper chuyên nghiệp

Là nhóm shipper làm việc dưới sự quản lý của một công ty hoặc một đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp. Họ chính là nhân sự chính thức của công ty, đồng nghĩa với việc họ sẽ được nhận nhiều quyền lợi dành cho người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các khoản tiền thưởng, các ngày nghỉ trong tháng cùng với mức lương ổn định theo tháng, quý, năm.

Khó khăn của nghề shipper là gì?

Phải đối mặt với áp lực thời gian và vấn đề bảo quản đơn hàng

Shipper vừa phải đảm bảo đơn hàng được giao đúng thời gian quy định, vừa phải đảm bảo hàng hóa không có bất kỳ hỏng hóc hay thiếu sót nào khi giao đến tay khách hàng. Nếu giao quá trễ hay để hàng hoá hư hỏng, shipper có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nhận về những khiếu nại từ khách hàng.

Trong khi đó, thời gian giao hàng cũng bị tác động không nhỏ bởi các yếu tố khách quan như kẹt xe, thời tiết mưa gió hay thời gian chờ đợi các đơn vị cung cấp dịch vụ chuẩn bị sản phẩm/hàng hóa…

Gặp khó khi tìm kiếm địa chỉ giao nhận hàng hóa

Không phải địa chỉ giao nhận hàng hoá nào cũng dễ tìm, dễ đi lại, đặc biệt là những ngõ hẻm ở các thành phố lớn và những vùng quê không có địa chỉ nhà cụ thể, ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển hàng hoá và chi phí xăng xe của shipper.

Nguy cơ bị bùng hàng

Bùng hàng là một vấn nạn không xa lạ gì khi việc mua hàng qua các ứng dụng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong dịch vụ ăn uống. Việc bùng hàng sẽ tác động chủ yếu đến nhóm shipper công nghệ vì họ thường phải ứng trước tiền hàng (một hình thức mua hàng hộ) cho người mua.

Trong khi đó, các ứng dụng giao hàng thường không chịu trách nhiệm trong những trường hợp này và cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một cơ chế nào hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của shipper trước vấn nạn bùng hàng, gây thiệt hại không nhỏ đến thu nhập của các shipper.

Cơ hội việc làm và mức lương trung bình của shipper ở Việt Nam

Hình thức mua sắm online càng phổ biến thì cơ hội việc làm của shipper càng rộng mở. Shipper là gì? Họ là những người vận chuyển hàng hóa, giao hàng hoá đến tay khách hàng. Do đó, không một hình thức hay đơn vị bán hàng online nào có thể tồn tại mà thiếu shipper.

Thu nhập của nghề shipper cũng có sự chênh lệch tương đối giữa các nhóm shipper cũng như thời gian mà bạn dành cho công việc này.

– Nếu chỉ là shipper tự do, bạn có thể kiếm được từ 15.000 đến 30.000 đồng cho một đơn hàng trong khu vực nội thành. Các đơn hàng ngoại thành sẽ có phí ship cao hơn tuỳ theo khoảng cách xa hay gần. Tuy nhiên, tổng thu nhập trong tháng sẽ không cao vì lượng đơn hàng không ổn định và thời gian bạn dành cho công việc này cũng không nhiều.

– Nếu là một shipper bán chuyên, thu nhập của bạn sẽ cao hơn shipper tự do vì thời gian bạn dành cho công việc này nhiều hơn, lượng đơn hàng cũng lớn hơn. Tuy nhiên, bạn rất dễ kiệt sức vì không có nhiều thời gian nghỉ ngơi và rất khó để cân bằng giữa 2 công việc toàn thời gian.

– Nếu là shipper công nghệ, thu nhập của bạn sẽ có phần ổn định hơn vì hầu như mọi thời điểm trong ngày bạn đều có đơn. Mức thu nhập trung bình một ngày của shipper công nghệ dao động từ 200.000 đồng – 250.000 đồng và có thể lên đến 300.000 đồng – 400.000 đồng/ngày nếu nhận nhiều đơn hàng.

– Shipper chuyên nghiệp là nhóm shipper có thu nhập ổn định nhất trong nghề vì họ có mức lương cố định hàng tháng do công ty chi trả. Tùy vào chế độ của từng công ty mà mức lương cơ bản của shipper sẽ khác nhau.

 Mặt bằng chung, lương cứng của shipper hiện tại phổ biến ở mức 4 triệu- 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, họ còn được nhận thêm khoản lương mềm (lương doanh thu) dựa trên số lượng đơn hàng mà họ được giao. Tổng thu nhập bình quân của một shipper chuyên nghiệp sẽ giao động từ 8 triệu – 10 triệu đồng/tháng, thậm chí có thể lên đến 15 triệu đồng/tháng nếu họ giao được nhiều đơn hàng hơn.

Qua bài viết này tin rằng bạn đã hiểu rõ shipper là gì. Tuy là một ngành nghề không yêu cầu trình độ, bằng cấp chuyên môn, cũng không đòi hỏi kinh nghiệm nhưng để sống với nghề shipper bạn cần có sự nhẫn nại, chăm chỉ và đặc biệt là tinh thần chịu thương chịu khó trong công việc.

Trang Đoàn

Sao chép thành công