5 quan điểm về chuyển việc nên buông bỏ

Mặc dù mỗi sự thay đổi nghề nghiệp cho phép bạn dành nhiều thời gian hơn cho công việc mình thực sự yêu thích nhưng điều này cũng đi kèm với những khó khăn khác như hoàn toàn bắt đầu lại, xa rời khỏi những đồng nghiệp thân thiết và các mối quan hệ bạn đã xây dựng được.

Để có sự thoải mái khi thay đổi nghề nghiệp bạn cần phải từ bỏ những niềm tin nhất định có thể đã ăn sâu vào tâm trí bạn, điển hình là 5 điều sau.

“Tôi phải hoàn thành những gì đã bắt đầu”

Cùng lúc ý nghĩ chuyển việc xuất hiện thì trong tâm trí bạn cũng bắt đầu sự trì hoãn: chỉ rời đi sau khi nhận được tiền thưởng cuối năm hay kết thúc một dự án thú vị nào đó. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy khó khăn hơn để rời đi và theo đuổi một công việc khác. Phúc lợi của công ty tồn tại với mục đích muốn tạo sự trung thành của nhân viên. Điều đó có nghĩa là nếu rời bỏ công việc hiện tại, chắc chắn bạn sẽ phải để lại những lợi ích mà mình đã làm việc chăm chỉ để đạt được. Hãy can đảm từ bỏ những gì đã đầu tư để đạt được mục tiêu xa hơn.

“Bắt đầu lại đồng nghĩa với thất bại”

Những thay đổi nghề nghiệp ở một mức độ nào đó có liên quan đến việc bắt đầu lại mọi thứ. Điều này đôi khi khiến bạn cảm thấy giống như mình đang gặp phải thất bại trong sự nghiệp, như thể bạn không đủ khả năng để nổi trội hơn hoặc hoàn thành những gì đã bắt đầu. Thế nhưng, bắt đầu lại là điều cần thiết để theo đuổi một con đường mới trong sự nghiệp của bạn. Nếu bạn nhìn thấy đó là sự thất bại thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sự tự tin của mình trong lúc bạn cần nó nhất. Chấp nhận rằng bắt đầu lại là điều tốt nhất bạn có thể làm cho sự nghiệp sẽ giúp bạn quảng bá bản thân và khả năng với nhà tuyển dụng tiềm năng một cách hiệu quả.

“Tôi cần phải đi đúng hướng với đồng nghiệp của mình”

Cũng giống như việc bạn cố gắng tránh so sánh bản thân với người khác, thật khó để bỏ qua những bước tiến của các đồng nghiệp ngang hàng, đặc biệt là những trạng thái cập nhật trên các mạng xã hội khi họ được thăng cấp hoặc tìm được công việc mà bạn từng mơ ước. Cảm giác này sẽ rất khó chịu dù bạn biết rất rõ rằng thành công của họ hoàn toàn không liên quan đến hành trình nghề nghiệp thú vị của riêng mình.

Khi thay đổi nghề nghiệp có nghĩa là bạn muốn tạo sự khác biệt, vì vậy hãy tìm cách ngăn chặn việc tự đánh giá bản thân qua các số liệu thông thường như chức danh công việc hay bậc thang thăng tiến của công ty. Một khi bạn hiểu rằng hạnh phúc nghề nghiệp được thúc đẩy nhiều hơn bởi những gì bạn được làm thay vì các danh hiệu, nó sẽ “giải phóng” bạn để theo đuổi công việc thực quan trọng với mình.

“Mức lương của tôi phải luôn cao hơn”

Một trong những mối quan tâm phổ biến nhất khi thay đổi nghề nghiệp là mức lương sẽ bị ảnh hưởng. Một mặt, nhìn thấy mức lương liên tục tăng cho thấy khả năng của bạn là đáng giá, nhưng mặt khác nó có thể khiến bạn luôn phải làm điều mình không thực sự thích thú để tránh bị giảm lương. Tuy nhiên, nếu bạn sẵn sàng thực hiện một vài thay đổi về lối sống và hi sinh tạm thời mức lương của mình thì đó có thể là sự đầu tư cần thiết để mở ra cánh cửa mà nơi đó công việc khiến bạn hạnh phúc hơn.

“Tôi chỉ nên nộp CV khi phù hợp 100% với công việc”

“Tôi đã tìm thấy một công việc hoàn toàn yêu thích nhưng lại không đủ đáp ứng đủ yêu cầu, vì vậy tôi đã không nộp CV vào vị trí đó”. Có thể bạn đã trải nghiệm điều tương tự thế này. Lúc đầu bạn đã rất hào hứng nhưng công việc đó yêu cầu từ 5 đến 7 năm kinh nghiệm, trong khi bạn chỉ có 4 năm hoặc có vài điểm trong mô tả công việc mà bạn chưa từng làm trước đây.

Có vẻ là điều hợp lý để tập trung vào công việc bạn hoàn toàn đủ điều kiện nhưng đó là một suy nghĩ hạn chế và bạn có thể bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời. Bạn không phải cần đủ 100% để trở thành ứng viên tốt nhất nhưng cần ghi nhớ yếu tố con người và sự nhiệt tình, đam mê và kỹ năng là điều rất quan trọng.

Niềm tin có thể giới hạn bạn nhưng nó cũng có thể thúc đẩy bạn. Vì vậy, niềm tin bạn chọn để giữ lấy hoặc buông bỏ sẽ tác động trực tiếp đến những cơ hội bạn theo đuổi. Và việc từ bỏ những lối suy nghĩ lối mòn sẽ giúp bạn có những bước đi dũng cảm cần thiết để đạt thành quả trong sự nghiệp theo một hướng hoàn toàn mới.  

Hoàng Oanh

Sao chép thành công