Vì sao bạn không được sếp tin tưởng?

Các nghiên cứu tiết lộ rằng một trong những lý do chính khiến nhân viên không hài lòng trong công việc là vì mối quan hệ của họ với người quản lý. Mặc dù trách nhiệm của người quản lý là thiết lập một môi trường làm việc tích cực và hiệu quả được xây dựng dựa trên niềm tin nhưng nhân viên cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hoặc phá vỡ điều đó.

Do đó, nếu hiện tại có vẻ như người quản lý không tin tưởng bạn, thì có thể là do bạn mắc phải những điều sau đây.

Thiếu tinh thần trách nhiệm

Có lẽ bạn đã phạm một sai lầm, không đáp ứng đúng thời hạn hoặc không thực hiện đúng như cam kết, hay hứa nhiều hơn làm. Dù trong hoàn cảnh nào, việc bạn thiếu trách nhiệm với công việc sẽ khiến sếp không có niềm tin vào bạn để giao cho bạn các nhiệm vụ khác trong tương lai. Nếu bạn nhận thấy rằng mình không được trao cho cơ hội hoặc không được giao nhiều trách nhiệm như các đồng nghiệp khác, thì đó có thể là do sếp của bạn không còn tin tưởng vào khả năng hoàn thành công việc của bạn.

Không thể hòa đồng với đồng nghiệp

Nếu bạn gây phiền phức cho đồng nghiệp thay vì hỗ trợ họ, sếp sẽ mất niềm tin vào bạn. Bất kỳ người quản lý nào cũng thích có các thành viên trong nhóm dẫn dắt và hỗ trợ nhau. Nếu bạn gây ảnh hưởng tiêu cực đến đồng nghiệp hoặc chỉ trích hành vi của họ, thì sếp sẽ khó nhìn thấy bạn là một nhà quản lý tiềm năng. Ngay cả khi bạn là một nhân viên có năng suất tốt thì vẫn không thay đổi được cách nhìn của sếp. Cấp trên của bạn có trách nhiệm xây dựng một nhóm hòa hợp để đạt được hiệu quả làm việc cao nhất. Do đó, thay vì tạo khó khăn cho đồng nghiệp, hãy nâng cao tinh thần đồng đội của bạn. Bằng cách này, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng và tin tưởng từ người quản lý.

Phàn nàn thay vì tìm giải pháp

Thay vì tập trung vào việc than phiền về những khó khăn gặp phải trong công việc, hãy tìm kiếm giải pháp. Nếu bạn liên tục phàn nàn và thể hiện sự thất vọng thì sếp sẽ mất niềm tin vào khả năng giúp công ty đạt được sự cải thiện của bạn. Tất cả các công ty đều gặp phải những thách thức khác nhau. Do đó, hãy tập trung vào tiến độ và thực hiện các giải pháp. Điều này sẽ giúp bạn có được sự tin tưởng của nhóm và cấp trên. Bạn nên để họ xem bạn là một người tập trung vào việc đạt được thành quả hơn là một “nạn nhân” chỉ tập trung vào các “nỗi đau”.

Nói dối

Nếu bạn phóng đại hoặc bóp méo sự thật, bạn sẽ đánh mất đi sự tin cậy ngay lập tức. Nhiều nhân viên nghĩ rằng bằng cách che giấu sự thật, họ đã bảo vệ bản thân và những người khác khỏi những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn. Điều đó là hoàn toàn sai lầm. Nếu bạn phạm lỗi, hãy thừa nhận và biến nó thành một cơ hội để học hỏi. Nếu bạn nói điều gì đó gây ảnh hưởng xấu đến đồng nghiệp, hãy xin lỗi. Bạn sẽ nhận được sự tôn trọng vì sự chân thành và trung thực. Ngược lại, khi cấp trên của bạn tự tìm ra các sai sót thì điều đó sẽ khiến họ mất niềm tin với bạn – người đã nói dối, phóng đại hoặc che giấu sự thật. Do đó, đừng để cảm xúc của bạn lấn át sự thật của vấn đề.

Ngồi lê đôi mách

Nếu bạn tham gia vào việc lan truyền các tin đồn, cho dù điều này có đến tai người quản lý hay không thì nó cũng sẽ tác động ít nhiều đến văn hóa công sở. Chắc rằng sếp của bạn sẽ không muốn dành nhiều thời gian để xử lý các tin đồn do nhân viên của mình tạo ra. Hơn nữa, bàn tán về cuộc sống của người khác là thiếu tôn trọng và không chuyên nghiệp. Do đó, khi một tin đồn xuất hiện, điều tốt nhất cần làm là tập trung vào công việc của riêng bạn và cố gắng không cho nó lan xa hơn.

Một nhân viên có tính cách tốt và luôn thể hiện tốt năng lực sẽ tạo dựng niềm tin nơi cấp trên. Điều này luôn đúng trong mọi trường hợp. Sự tin tưởng là một yếu tố quan trọng trong công việc. Nếu bạn đã để mất hoặc đang tìm cách để xây dựng lại, hãy làm việc chăm chỉ để thể hiện thái độ thay đổi tích cực. Chúc các bạn thành công!

  

Tiến Huy

Về Tác Giả

CareerLink

Sao chép thành công