Tự đánh giá bản thân là khả năng tự kiểm tra chính mình để tìm hiểu xem bạn đã tiến bộ được bao nhiêu. Đó là một kỹ năng giúp bạn theo dõi công việc hoặc khả năng của chính mình, 3
Tầm quan trọng của việc tự đánh giá bản thân
Tự đánh giá bản thân là quan trọng đối với sinh viên cũng như đối với những người đã đi làm. Vì điều này được thực hiện ở hầu hết các tổ chức, nên bạn cần phải học cách làm đúng. Ngoài ra, đây còn là một phần của việc đánh giá nhân viên chính thức ở nhiều doanh nghiệp – là điều cần thiết giúp nhân viên trở nên chuyên nghiệp hơn.
Một số lợi ích chung của việc tự đánh giá bản thân bao gồm:
– Giúp bạn chắc chắn và tự tin về khả năng của chính mình, giúp loại bỏ hoặc làm giảm sự sợ hãi và không chắc chắn liên quan đến công việc.
– Giúp bạn nhận ra và nhanh chóng cải thiện khả năng của mình. Nói cách khác, nó sẽ giúp phát huy khả năng của bạn.
– Giúp bạn dễ dàng tìm ra nghề nghiệp hoặc các chương trình giáo dục phù hợp. Ví dụ, nếu bạn nhận thấy rằng mình là một người không thân thiện và không thích giao tiếp, bạn có thể biết rằng một công việc trong lĩnh vực bán hàng sẽ không phải là lựa chọn tốt nhất cho bạn.
– Giúp bạn viết CV hoặc thư xin việc cụ thể về khả năng và làm nổi bật những phẩm chất đặc biệt của bản thân. Điều này khiến bạn trở nên khác biệt hơn các ứng viên khác.
Một số cách tự đánh giá bản thân hiệu quả
Đặt câu hỏi
Một khía cạnh quan trọng của việc tự đánh giá là khả năng đặt câu hỏi. Phát triển khả năng đặt câu hỏi cụ thể và có trọng tâm. Bạn không thể hỏi và trả lời mọi câu hỏi trên thế giới và không phải câu hỏi nào cũng phù hợp. Hãy tự đặt câu hỏi về cái gì, như thế nào và tại sao bạn gặp vấn đề trong việc làm một điều gì đó hoặc làm thế nào và tại sao bạn thành công trong một việc nào đó.
Tạo các mục tiêu rõ ràng
Hãy viết ra các mục tiêu cho từng khía cạnh hoặc mục tiêu quan trọng nhất trong công việc của bạn và sau đó, so sánh hiệu suất hoặc kết quả thực tế với mục tiêu bạn đặt ra từ đầu.
Phát triển hệ thống chấm điểm cá nhân
Hãy tạo một hệ thống chấm điểm cho chính bạn. Ví dụ, nếu bạn là một nhân viên bán hàng, kỹ năng quan trọng nhất cần có là giao tiếp và nhiệm vụ quan trọng nhất là tạo ra doanh số. Bạn có thể có một bảng đánh giá cho từng kỹ năng một như sau: Giao tiếp 30%, tự tin 20%, thân thiện 30%, nhiệt tình 10% và tự tin 10%. Cuối cùng, sử dụng một phương tiện khách quan để xác định thành tích của bạn.
Những lưu ý khi tự đánh giá bản thân trong công việc
Hãy cụ thể
Khi tự đánh giá bản thân, hãy đưa ra các sự kiện và số liệu chính xác bất cứ khi nào có thể và tránh xa những tuyên bố mơ hồ như, “Tôi đã đạt được doanh số bán hàng đề ra” hoặc “Tôi đã khiến khách hàng cảm thấy hài lòng”. Đây không phải là một cách hay để nói về hiệu suất. Thay vào đó, bạn nên trích dẫn các con số chính xác mà nhóm hoặc doanh nghiệp cảm thấy có giá trị nhất. Chẳng hạn, “Tôi luôn vượt mức doanh số bán hàng đề ra trung bình 18% và hoàn thành quý cao hơn 200 triệu so với doanh số mục tiêu”.
Dành nhiều thời gian
Bạn nên dành nhiều thời gian, cụ thể là một vài tuần để tự đánh giá bản thân. Điều này sẽ giúp đảm bảo bạn có đủ thời gian để xem xét công việc và thu thập tất cả các dữ liệu và dẫn chứng cần thiết. Trong hầu hết các trường hợp, bạn phải cần nhiều hơn một vài ngày để theo dõi thông tin và phản ánh về các điểm mạnh, điểm yếu khác nhau của mình.
Xem lại bản mô tả công việc
Nếu bạn không chắc chắn những gì cần đánh giá, mô tả công việc của bạn là một nơi tốt để bắt đầu. Điều này sẽ giúp bạn xác định những nhiệm vụ mà bạn đã hoàn thành tốt, những kỹ năng cần thiết mà bạn đã nâng cao và chức năng công việc bạn có thể làm tốt hơn. Nếu bạn quan tâm đến việc thăng tiến, bạn sẽ cảm thấy hữu ích khi xem xét mô tả công việc về vai trò mà bạn muốn để xác định liệu bạn có đủ điều kiện hay không. Và nếu không, bạn cũng sẽ biết cách làm thế nào để bắt đầu xây dựng các kỹ năng và tích lũy các kinh nghiệm cần thiết.
Tạo kết nối với các mục tiêu của tổ chức
Một trong những điều quan trọng để tự đánh giá bản thân là chứng minh được những nỗ lực và thành tích bạn đã đóng góp cho mục tiêu của công ty ra sao. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn muốn được thăng chức hoặc tăng lương. Ví dụ, năm nay công ty đã tập trung vào việc tăng tỉ lệ giữ chân khách hàng. Vào cuối quý 3, tôi đã xây dựng và phát động một chiến dịch giành lại khách hàng, kết quả đạt được 500 triệu đồng từ các khách hàng cũ và 250 triệu đồng từ các khách hàng hiện tại.
Xác định các bước tiếp theo
Mặc dù mục tiêu chính của việc tự đánh giá bản thân tập trung vào việc nhìn về phía sau và phản ánh những thành tựu đáng giá nhưng đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để đặt ra các mục tiêu và dự định cho tương lai. Bạn nên hoàn thành đánh giá của mình bằng cách chia sẻ cách bạn sẽ áp dụng điểm mạnh của mình để cải thiện kết quả đồng thời xác định cách bạn sẽ cải thiện điểm yếu thông qua xây dựng kỹ năng, tham gia các khóa đào tạo và áp dụng các thói quen tốt hơn.
Cũng có thể hữu ích khi ghi nhật ký thành tích của bạn trong suốt cả năm và ghi lại mỗi khi bạn đạt được mục tiêu hoặc thực hiện trên mong đợi. Bằng cách này, khi đến lúc tự đánh giá bản thân, bạn sẽ có sẵn một danh sách và sẽ không quên đi các thành tựu quan trọng.
Cấp trên của bạn muốn gì từ việc tự đánh giá bản thân?
Những gì cấp trên thực sự muốn thấy trong bản tự đánh giá bản thân của bạn là bạn có khả năng nhận ra sự phát triển của chính bạn và thể hiện sự tự nhận thức. Người có một danh sách dài các thành tích nhưng không phát triển được kỹ năng nào vẫn có thể gặp bất lợi. Vì vậy, hãy chắc chắn đánh giá bản thân theo cách cân bằng.
Hãy nhớ rằng: chắc chắn có những cách sai để tự đánh giá bản thân. Chỉ tập trung vào thành tích hoặc chỉ vào các khía cạnh tiêu cực có thể gây bất lợi cho năng suất tổng thể cho đánh giá của bạn. Cân bằng ưu và nhược điểm của hiệu suất trong quá khứ của bạn là chìa khóa để phát triển các mục tiêu năng suất và sự tiến bộ của bạn cũng như của công ty trong tương lai.
Bản tự đánh giá bản thân của bạn nên nói rõ bạn cảm thấy thế nào về công việc mà bạn đã thực hiện. Sử dụng dữ liệu thuyết phục sẽ mang lại tính hợp lý cho cảm giác của bạn và sẽ cho phép bạn đặt các mục tiêu rõ ràng, tập trung cho các giai đoạn tiếp theo. Hãy dành thời gian viết bản tự đánh giá của bạn và đừng sợ phải trung thực. Rốt cuộc, đây là cơ hội của bạn để thực sự cho sếp biết bạn cảm thấy thế nào về công việc, công ty và những gì bạn làm để tận dụng tối đa cơ hội mà bạn đã được trao.