Nếu bạn đang lùng sục những câu hỏi phỏng vấn phổ biến để luyện tập trả lời thì có thể bạn đã vô tình gặp phải câu hỏi phỏng vấn hành vi: Hãy mô tả một nhiệm vụ khó khăn mà bạn gặp phải và cách bạn xử lý nó.
Câu hỏi này cùng với các biến thể của nó, chẳng hạn như Bạn xử lý khó khăn trong công việc thế nào? là cách hiệu quả để nhà tuyển dụng hiểu về trải nghiệm, tính cách và quá trình suy nghĩ của bạn.
Đầu tiên và quan trọng nhất, câu trả lời của bạn có thể giúp họ hiểu rõ hơn về cách bạn xử lý tình huống như xung đột giữa các cá nhân, áp lực về thời hạn và các thử thách khác. Một câu chuyện cụ thể giúp nhà tuyển dụng đánh giá được trí tuệ cảm xúc của bạn. Bạn có tạm dừng, suy nghĩ, đặt câu hỏi, kiểm tra lại bản thân… hay là ngay lập tức bắt tay vào hành động, làm hoặc nói điều gì đó mà sau này bạn ước gì mình đã không làm như vậy… Bạn có nói về tầm quan trọng của việc lắng nghe, khả năng ưu tiên, có nói xấu đồng nghiệp hoặc quản lý cũ hay không.
Cuối cùng, nhà tuyển dụng muốn xem cách bạn trình bày câu chuyện của mình. Chị Lâm Thị Thu Thanh, Chuyên gia đào tạo, huấn luyện kỹ năng mềm giải thích: “Nếu trả lời những câu hỏi này một cách ngắn gọn và đúng trọng tâm, bạn đã thể hiện trực tiếp rằng bạn là người giao tiếp giỏi. Ngược lại, nếu bạn đi lang thang một cách vô định đến nỗi quên luôn câu hỏi ban đầu, bạn đang cho thấy rằng mình có thể gặp khó khăn trong việc sắp xếp thông tin một cách thuyết phục và có ý nghĩa”.
Giống như các câu hỏi phỏng vấn hành vi khác, câu hỏi này đòi hỏi bạn chia sẻ một câu chuyện thực sự chứng minh cách bạn cư xử thay vì nói một cách mơ hồ về kỹ năng của mình. Bằng cách đưa ra câu trả lời nêu bật được kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng vượt qua thử thách của bạn, nhà tuyển dụng có thể tin tưởng rằng bạn sẽ có thể làm được điều tương tự trong công việc mà bạn đang phỏng vấn.
Điều đó quan trọng vì mọi công việc đều có những nhiệm vụ và tình huống khó khăn, vấn đề không phải là trốn tránh mà là vượt qua chúng.
“Càng chuẩn bị kỹ càng cho cuộc phỏng vấn xin việc, bạn càng tự tin hơn khi mô tả cách bạn xử lý một tình huống khó khăn trong công việc – và điều đó làm tăng đáng kể cơ hội bạn được tuyển dụng.”
Gợi ý cách trả lời câu hỏi “Hãy cho tôi biết bạn xử lý một tình huống khó khăn trong công việc như thế nào?”
Đưa ra câu trả lời ngay không phải là một ý tưởng hay. Bản chất của câu hỏi mở là mời gọi bạn kể một câu chuyện ngắn. Tất cả mọi thứ từ những lời bạn nói đến cách bạn giao tiếp đều quan trọng!
“Vì vậy, hãy cẩn thận suy nghĩ về một nhiệm vụ khó khăn trong công việc trước đây mà cuối cùng bạn đã nhận được kết quả tích cực. Chẳng hạn như một dự án lớn được giao cho bạn vào phút chót, một đồng nghiệp đã rời công ty và bạn phải đảm nhận toàn bộ công việc của họ hay đã có những thông tin sai lệch giữa các nhóm và bạn phải tìm ra cách đưa mọi người trở lại đúng hướng… Dù là tình huống nào thì mục tiêu là nên thể hiện rằng bạn có thể chủ động khi gặp khó khăn và thành công bất chấp thử thách”, chị Thu Thanh gợi ý.
Chị cũng khuyên rằng bạn nên bỏ qua tất cả các chi tiết rườm rà mà nhiều khi nó sẽ gây bất lợi cho bạn và tập trung vào những gì thực sự quan trọng. Hãy nói ngắn gọn và cung cấp đủ chi tiết để nhà tuyển dụng hiểu được tình huống bạn đang mô tả. Theo chị Thanh, một trong những cách dễ dàng để đạt được điều này là sử dụng phương pháp STAR, viết tắt của Tình huống – Nhiệm vụ – Hành động và Kết quả đạt được. Công thức cụ thể này là cách tuyệt vời để kể một câu chuyện hấp dẫn đồng thời nhấn mạnh vào tất cả các chi tiết mà nhà tuyển dụng muốn nghe.
“Kết quả là phần quan trọng nhất khi trả lời câu hỏi phỏng vấn này. Sau khi giải thích những gì bạn đã làm, câu hỏi cuối cùng mà nhà tuyển dụng đặt ra là: Vậy thì kết quả hành động của bạn là gì? Phần kết thúc câu trả lời của bạn có thể là cách giải quyết nhiệm vụ hoặc tình huống, đánh giá của người quản lý, cảm nghĩ của khách hàng, lợi ích mà doanh nghiệp nhận được hoặc bài học kinh nghiệm bạn rút ra được”, chị Thu Thanh đưa ra lời khuyên.
Bằng cách chia sẻ những gì học được từ trải nghiệm, bạn được xem là người không ngừng cải thiện và phát triển. Đây là một phẩm chất được đánh giá cao ở các ứng viên tìm việc.
Cùng với việc hướng dẫn cách trả lời câu hỏi, chị Thu Thanh cũng đưa ra những điều bạn cần tránh. “Một câu trả lời hay có thể cải thiện đáng kể cơ hội nhận được lời mời làm việc của bạn. Nhưng một số sai lầm cũng có thể kéo bạn khỏi cuộc đua”, chị chia sẻ.
Chị Thanh khuyên rằng bạn nên tránh đổ lỗi cho người khác bởi không nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một người như thế. Nếu tình huống có vấn đề nảy sinh từ việc bạn đã làm, hãy thừa nhận. Điều đó thể hiện sự trưởng thành về mặt nghề nghiệp của bạn.
Vấn đề tiếp theo là đừng nói dối hay phóng đại câu chuyện. Nói dối không bao giờ là một ý tưởng hay trong một cuộc phỏng vấn việc làm. Bạn có thể cho rằng điều đó không quan trọng nhưng nhà tuyển dụng có thể dễ dàng nói chuyện với người có thể chứng thực câu chuyện của bạn. Không gì có thể hủy hoại cơ hội kiếm được việc làm của bạn nhanh hơn việc nói dối và bị phát hiện. Trung thực luôn là cách làm tốt nhất. Đồng thời bạn cần có sự cân bằng hợp lý giữa lòng kiêu hãnh và sự khiêm tốn. “Dẫu biết rằng khi đã vượt qua các thử thách, bạn được quyền tự hào về bản thân nhưng hãy thận trọng và tránh vượt quá giới hạn của sự tự mãn. Thái độ vênh váo không bao giờ có tác dụng trong một cuộc phỏng vấn. Hãy khiêm tốn nhưng đừng ngại thừa nhận những điều tốt bạn đã làm”, chị Thu Thanh chia sẻ.
Bạn có ý kiến gì về việc trả lời câu hỏi phỏng vấn “Bạn xử lý một tình huống khó khăn trong công việc như thế nào?”, hãy chia sẻ trong phần bình luận để hỗ trợ các ứng viên đang tìm việc của CareerLink nhé.
Vân Phạm