Khéo trả lời câu hỏi: “Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”

Trong quá trình phỏng vấn xin việc, có quá nhiều câu hỏi mà những ứng viên thật thà như chúng ta chẳng hề muốn được hỏi chút nào. Bởi vì trong số đó có không ít câu hỏi chúng ta đã dành bao năm để nghiền ngẫm nhưng vẫn chưa từng tìm được một đáp án thuyết phục. Nói sự thật chắc chắn sẽ rớt cái bịch, nói dối thì tự thấy ngượng mồm.

Giành top 1 trong những câu hỏi phỏng vấn khiến người ta đau đầu chắc chắn là câu: “Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”. Vậy, phải đối phó như thế nào với câu hỏi này đây?

Cách trả lời khôn ngoan khi được hỏi: “Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”

Điều đầu tiên, chắc chắn là không nên thẳng như ruột ngựa kiểu như “Công ty cũ của em chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng, mỗi ngày bạn bè, hàng xóm, khách hàng đều hỏi em: Uống cái này có tác dụng phụ gì không? Ngày ngày phải nói dối để mưu sinh, em sợ nghiệp quật, bứt rứt lương tâm, cho nên quyết định nghỉ việc”.

Làm người thật thà là tốt nhưng thật thà thẳng thắn thường thua thiệt. Sự thật thà chỉ có thể phát huy giá trị của nó khi bạn áp dụng đúng lúc, đúng chỗ. Còn trong hoàn cảnh này thì… xin bạn đừng! Bởi vì sao bạn biết không? Ngay sau khi đưa ra đáp án này, bạn đã chính thức quay vào ô mất lượt.

Cũng xin đừng hồn nhiên quá mức mà buông ra những lời như “Em muốn kiếm nhiều tiền hơn”. Ai mà không muốn nhận được mức lương cao hơn, đó là điều hoàn toàn bình thường, nhưng có lẽ không phải là điều tốt nhất để đưa ra trong một cuộc phỏng vấn – ít nhất là cho đến khi nhà tuyển dụng đã “dính” thính của bạn.

Và tất nhiên cũng không nên chưa đánh đã khai rằng “Năng lực của em không đủ để đảm trách công việc”. Với đáp án này, bạn sẽ tự tay đẩy bản thân vào 2 ngõ cụt:

Ngõ cụt thứ nhất: Nhà tuyển dụng sẽ cho rằng năng lực của bạn yếu kém. Xin hỏi, họ tội gì phải trả tiền để “mời” về một nhân viên chẳng có tài cán gì?

Ngõ cụt thứ hai: Nhà tuyển dụng sẽ nghi ngờ rằng bạn đang coi thường họ. Bạn không đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu công việc ở công ty cũ nên hạ thấp tiêu chuẩn, tìm đến một công ty “cùi bắp” hơn và họ chính là lựa chọn của bạn.

Bạn thấy đấy, EQ thấp đến đâu cũng đủ để nhận ra nước đi này là vô cùng tệ hại.

Vậy chính xác thì nên nói gì và nói với thái độ thế nào để vượt qua câu hỏi “Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”

“Có nhiều lý do thuyết phục cho câu hỏi “Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?” và bạn không nên xấu hổ khi nói về chúng. Trái lại, bạn nên tận dụng cơ hội này để nói về đạo đức làm việc và nhấn mạnh mong muốn phát triển của mình.”

Không nói toàn bộ sự thật nhưng cũng chẳng nói dối

Có thể công ty cũ khiến bạn mệt mỏi, ngán ngẩm đến từng nơ ron thần kinh. Công ty quá xa nhà khiến bạn mỗi ngày đi làm như đi phượt hay sếp suốt ngày càm ràm “Mấy đứa chẳng làm được việc gì ra hồn”, lương thấp trong khi đòi hỏi quá nhiều hay 1 đầu lương 10 tầng áp bức… Nhưng, bạn tuyệt đối không nên ca thán với nhà tuyển dụng về tất cả những lý do kể trên mà hãy nói sự thật một cách có chọn lọc. Chẳng hạn như:

“Công ty cũ đã tạo điều kiện để em được trải nghiệm nhiều công việc khác nhau (sự thật là một mình em phải kiêm rất nhiều vị trí) và sếp cũ đã dạy cho em rất nhiều điều (rằng mai sau có làm sếp, muốn nhân viên tin yêu thì đừng nên giống như sếp cũ) nhưng công ty lại quá xa nhà, thời gian di chuyển quá nhiều, thời gian ăn uống, nghỉ ngơi hạn hẹp. Sau một thời gian dài, sức khỏe của em đã bị ảnh hưởng, tinh thần cũng hơi sa sút. Em mong muốn chuyển về gần nhà để cải thiện sức khỏe và có thể dành nhiều thời gian hơn cho công việc”.

Dĩ nhiên, những phần trong ( ) chỉ nên nhủ thầm trong lòng, đừng bao giờ nói ra thành tiếng, không lại bể kèo.

Thể hiện sự cầu tiến và hoài bão của bản thân trong sự nghiệp

Nếu không thích nói về quá khứ tối tăm, bạn có thể hướng đến tương lai tươi sáng: “Những năm qua, em đã cống hiến toàn bộ thời gian, tâm huyết cho công việc và đồng hành cùng công ty cũ vượt qua những giai đoạn khó khăn. Hiện tại, công ty đã phát triển ổn định và không còn điều gì phải lo lắng thêm nữa. Em cho rằng, đã đến lúc em nên rời đi để tìm kiếm và làm những điều mình thích, tiếp tục với ước mơ được học hỏi, khám phá những điều mới, chinh phục những thử thách mới của mình. Bên cạnh đó, công ty cũ của em quy mô không lớn, đã không còn vị trí nào cao hơn để em phấn đấu thêm nữa. Vậy nên, em muốn bơi ra biển lớn và bước lên những đỉnh cao mới trong sự nghiệp”.

Nếu chọn hướng trả lời này cho câu hỏi “Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”, đừng chỉ kết thúc lưng chừng: chỉ nói rằng bạn tìm kiếm thử thách mới và dừng lại ở đó. Nếu không có phần diễn giải hoặc các câu chuyện về cách bạn đã chinh phục những thử thách trong quá khứ và lý do tại sao công việc mới lại mang đến những điều mới thú vị, nhà tuyển dụng sẽ không tin bạn đâu.  

Đương nhiên, để đáp án này tạo được thiện cảm và đem lại cảm giác thuyết phục, bạn nên kết hợp với một giọng nói chân thành, truyền cảm hứng cùng một ánh mắt thật kiên định, chứ đừng dùng giọng điệu diễn thuyết giả trân như mấy anh đa cấp đấy nhé!

Nếu coi trả lời phỏng vấn là một nghệ thuật thì người trả lời phỏng vấn chắc chắn phải là một nghệ sỹ có thực tài. Và một nghệ sỹ tài năng sẽ luôn biết cách để biến những sự thật mà ai cũng muốn giấu nhẹm đi thành những lời dễ nghe, dễ thấu cảm. Nếu bạn tự ý nghỉ việc, hãy nhấn mạnh những lý do tích cực khiến bạn rời đi như tìm kiếm thử thách mới, trải nghiệm mới, theo đuổi công việc mơ ước hoặc đảm nhận trách nhiệm mới.

Nếu bạn đã bị cho thôi việc vì những lý do nằm ngoài khả năng kiểm soát trong khi kết quả vẫn tốt thì có thể đề nghị sẵn sàng cung cấp thông tin người tham khảo. Càng có nhiều bằng chứng về thành tích và hiệu suất tích cực thì bạn càng có nhiều khả năng phá tan mối lo ngại về lí do “Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”.

Trang Đoàn

Sao chép thành công