Chắc hẳn bạn đã từng nghe những câu như “Đi làm mà cứ nói chuyện bằng meme”, “Việc chưa xong đã kêu stress”, “Gì cũng đòi work-life balance”, “Sáng nắng chiều mưa”, “Nói chuyện với sếp mà như đang troll nhau”… Đó là đánh giá mà gen Z chúng mình – những người đang dần chiếm lĩnh thị trường lao động – thường xuyên phải nghe khi bước vào môi trường làm việc. Nhưng liệu điều này có thực sự đúng không? Có phải sự “cợt nhả” của gen Z là dấu hiệu của sự thiếu nghiêm túc hay đó chỉ là cách tự vệ sáng tạo trong thế giới công sở đầy thử thách này?

Đằng sau sự “cợt nhả” của gen Z
Trước hết, hãy nhìn nhận một chút về sự “cợt nhả” của gen Z. Đúng vậy, có thể bạn sẽ thấy chúng mình gửi những meme hết sức vui nhộn trong các nhóm chat công ty, trả lời email bằng những câu đùa hài hước hay thậm chí là những biểu tượng cảm xúc chẳng có gì liên quan đến công việc.
“Sự cợt nhả của gen Z như một chiếc áo choàng nhẹ nhàng giúp họ che giấu đi cảm xúc thật, vừa để tự xoa dịu bản thân, vừa giữ không khí làm việc bớt căng thẳng.”
Thử trò chuyện với một vài gen Z, chỉ cần họ thở thôi thì bạn cũng sẽ thu về cả “rổ” những câu nói “cợt nhả” kiểu như “Deadline không dí thì tui còn sống lâu á”, “Team mình giống như gia đình mà gia đình nào cũng có đứa muốn bỏ nhà đi”, “Sáng thức dậy muốn nghỉ việc nhưng nhìn tài khoản còn 50k nên thôi”, “Work-life balance của tui hiện tại là work – hết life” hoặc “Sếp bảo linh hoạt, nên em linh hoạt xin nghỉ đột xuất”, “Buổi họp này em có cần bật camera không? Vì mặt em đang không thân thiện cho lắm” hay “Tui ổn mà, chỉ là đang xếp hàng chờ trầm cảm thôi”…
Nhưng nếu bạn nghĩ đây là dấu hiệu của sự lười biếng hay thiếu nghiêm túc thì bạn đã nhầm. Trái lại, sự “cợt nhả” này thực sự là cách giúp chúng mình duy trì sự tỉnh táo và sức khỏe tinh thần trong một môi trường công sở đầy căng thẳng. Hãy thử hình dung, giữa thế giới mà deadline liên tục nhào đến, các cuộc họp kéo dài vô tận và email công việc thì dồn dập không dứt cộng với những mối quan hệ công sở không phải lúc nào cũng dễ chịu. Liệu có khi nào bạn cảm thấy kiệt sức đến mức chỉ muốn rời bỏ tất cả? Đó là khi gen Z quyết định “cười để quên đi”.
Nói cách khác, việc vui giỡn, cười đùa chính là cách giúp gen Z giải tỏa căng thẳng, đối phó với bất ổn, với áp lực, với thế giới mà chúng mình bước ra khi vừa tốt nghiệp thì kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, vừa xin việc thì AI đe dọa thay thế, vừa đi làm thì bị chê là “thiếu lửa”. Chúng mình dùng sticker mặt cười để che đi những lần run rẩy khi nộp báo cáo đầu tiên. Chúng mình giả bộ “chill chill” nhưng thật ra đang kiểm tra từng lỗi chính tả trước khi gửi mail. Và chúng mình than thở “Lười quá, không muốn đi làm”, không phải vì không yêu công việc mà là đang cố gắng tìm lý do để yêu lại nó sau một ngày mệt mỏi.
Mình từng nghe một người bạn nói rằng: “Tui cười cho đỡ khóc thôi chứ có gì vui đâu”. Và mình thấy điều đó đúng đến lạ.
Vậy sự “cợt nhả” của gen Z có phải là thiếu nghiêm túc không?
Câu trả lời là không. Xin đừng nhầm lẫn sự “cợt nhả” này với việc thiếu trách nhiệm hay thiếu lòng nhiệt huyết.
Mình để ý, nhiều người bạn hay đồng nghiệp của mình, bề ngoài suốt ngày đùa giỡn, chọc sếp, chơi chữ, gửi icon meme thay vì nói chuyện thẳng lại là người làm việc cực kỳ có tâm. Thay vì gồng mình lên kiểu “Em rất nghiêm túc, sếp cứ tin em” thì họ chọn cách giả vờ không nghiêm túc để đỡ… mệt đầu.
Chúng mình vẫn làm việc hết mình nhưng là theo cách khác. Gen Z có thể không làm việc theo phong cách của các thế hệ đi trước nhưng chúng mình vẫn làm việc chăm chỉ, vẫn sáng tạo, vẫn hoàn thành đúng deadline, vẫn thức khuya làm báo cáo, chỉ là không nhất thiết phải thể hiện điều đó bằng sự nghiêm trang.
Chúng mình không nhất thiết phải luôn mặc đồ công sở trang trọng hay phải xuất hiện với bộ mặt nghiêm túc 24/7. Chúng mình không muốn chỉ sống theo lịch trình công sở đơn điệu và làm việc chỉ để kiếm tiền. Chúng mình tìm kiếm sự linh hoạt, sự công nhận và quan trọng nhất là giá trị thực sự trong công việc mình đang làm và cũng muốn tạo một không gian làm việc thoải mái hơn, ít căng thẳng hơn để mọi người có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân. Lý do đằng sau điều này là vì chúng mình hiểu rằng công việc không phải là tất cả, và cuộc sống ngoài công sở cũng quan trọng không kém.
Dù đôi khi gen Z xuất hiện nơi công sở với sự “cợt nhả”, tấu hài như thể đi làm chỉ để giải trí, nhưng đừng để vẻ ngoài đánh lừa bạn. Biết đâu sau caption “Sáng thức dậy muốn nghỉ việc”, là một đêm thức trắng vì sợ trễ deadline. Biết đâu sau mỗi lần “giỡn chơi cho qua chuyện” là một trái tim đang cố gắng không gãy gập giữa áp lực đè nặng. Gen Z có thể không làm việc theo lối cũ nhưng họ không hề thiếu trách nhiệm. Họ đang học cách sống sót và sống thật trong môi trường làm việc hiện đại. Và biết đâu chính sự “cợt nhả” của gen Z lại là điều giúp họ sáng tạo hơn và bền bỉ hơn bất kỳ ai trong cuộc đua đường dài mang tên sự nghiệp.
Ngọc Quyên
Về Tác Giả
Bài Mới Nhất
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Làm cách nào để tăng lương khi làm việc ở Nhật
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Nên học N2 hay học nghề để đi Nhật nếu muốn định cư lâu dài?
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Học N3 có thể đi Nhật làm được không? Top ngành nghề phù hợp nhất
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Học gì để tăng cơ hội từ kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật