Thêm từ khóa vào hồ sơ xin việc làm sao cho hiệu quả?

Bạn có thắc mắc tại sao hồ sơ xin việc làm không giúp bạn nhận được lời mời phỏng vấn cho vị trí mà bạn biết rằng mình đủ tiêu chuẩn? Lí do có thể là nó thiếu các từ khóa quan trọng.

Từ khóa là yếu tố giúp hồ sơ của bạn hiển thị trên hệ thống tìm kiếm và đến tay nhà tuyển dụng. Bạn có thể tìm thấy những từ khóa và thông điệp phù hợp trong tin tuyển dụng, trang web của công ty hoặc các tin đăng tuyển cho các vị trí tương tự hoặc cao hơn…

Vậy cụ thể bạn nên thêm từ khóa vào đâu và như thế nào để tạo hiệu quả tích cực nhất? Hãy cùng tham khảo một vài gợi ý sau đây nhé.

Nên thêm từ khóa vào các vị trí nào?

Bạn có thể tham các từ khóa này vào 4 phần quan trọng trong hồ sơ ứng tuyển, bao gồm:

Phần giới thiệu hoặc mục tiêu nghề nghiệp

Đây là nơi hoàn hảo để thêm các từ khóa liên quan bạn đã tìm được. Mục tiêu nghề nghiệp là đoạn văn ngắn giới thiệu trình độ chuyên môn, các kỹ năng nổi bật liên quan đến công việc và lợi ích mà bạn mang đến cho doanh nghiệp. Các giá trị này được minh chứng dựa trên kết quả bạn đã làm cho các nhà tuyển dụng trước đây.

Một khi CV của bạn vượt qua hệ thống tìm kiếm, nhà tuyển dụng có xu hướng đọc 1/3 trên cùng của CV và đọc lướt phần còn lại. Sử dụng phần giới thiệu hoặc mục tiêu nghề nghiệp để thể hiện rằng bạn hiểu và có thể đáp ứng các mục tiêu của vai trò cũng như công ty là chìa khóa để khiến họ đọc nhiều hơn thay vì nhanh chóng lướt qua.

Điều cần lưu ý là phần này nên bao gồm hai từ khóa quan trọng đối với bất kỳ hồ sơ ứng tuyển nào, đó là chức danh công việc và tên công ty tuyển dụng.

Phần lịch sử công việc

Đây cũng là một không gian lý tưởng để thêm từ khóa bằng cách kết hợp chúng với các kỹ năng và kinh nghiệm bổ sung. Các gạch đầu dòng này nên bao gồm 3 yếu tố: thử thách – hành động – kết quả. Chẳng hạn, Tăng 500 triệu doanh thu hàng quý vào năm 2020 khi dịch Covid đang hoành hành bằng cách đào tạo các kỹ năng bán hàng cho nhân viên kinh doanh.

Phần kỹ năng liên quan

Trong phần kỹ năng, bạn không chỉ nên bao gồm các kỹ năng mềm mà còn cả các kỹ năng cứng như các phần mềm và phần cứng bạn có kinh nghiệm sử dụng. Chỉ nên dùng các thuật ngữ dễ hiểu, dễ nhận biết để hệ thống tìm kiếm có thể đọc được hồ sơ của bạn.

Phần trình độ học vấn

Đôi khi các nhà tuyển dụng sàng lọc những ứng viên có trình độ học vấn cụ thể, chẳng hạn như học ở các trường đại học hàng đầu. Tuy nhiên, thông thường nhất, họ tìm kiếm ứng viên thông qua một bằng cấp nhất định.

Về cơ bản, từ khóa phải là những từ mà trong nháy mắt, sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn phù hợp với công việc.

Điều nên nhớ khi sử dụng từ khóa trong hồ sơ xin việc làm

Sử dụng các biến thể của từ khóa

Sử dụng một số từ đồng nghĩa và từ viết tắt của các từ khóa sẽ làm tăng cơ hội hồ sơ xin việc làm được hệ thống tìm kiếm ưu tiên trong số lượng lớn các ứng viên khác. Trừ khi nhà tuyển dụng nhập một từ viết tắt cụ thể, hệ thống thường sẽ không tự động tìm kiếm chúng.

Vì vậy, nếu bạn đề cập đến việc bạn có bằng BA, bạn cũng nên bao gồm cụm từ Bằng cử nhân hoặc Bachelor of Arts. Sử dụng càng nhiều biến thể của từ khóa càng tốt nhưng hãy đảm bảo chúng phù hợp với công việc.

Bao gồm các từ khóa liên quan đến vị trí địa lý

Bao gồm các tỉnh hoặc thành phố nơi bạn muốn làm việc trong hồ sơ ứng tuyển sẽ giúp hệ thống tìm kiếm hoặc nhà tuyển dụng xác định bạn là ứng viên tiềm năng dựa trên mức độ gần gũi của bạn với công việc. Nếu không phải là việc làm từ xa thì vị trí địa lý sẽ giúp sàng lọc hồ sơ nhanh và hiệu quả hơn.

Tập trung vào các kỹ năng cứng hơn kỹ năng mềm

Bạn nên đề cập đến các kỹ năng mềm trong hồ sơ ứng tuyển bởi bạn cần để nhà tuyển dụng có ý tưởng tổng thể về bạn là ai và bạn mang lại những ưu thế nào cho công ty.

Tuy nhiên, các kỹ năng mềm được đánh giá tốt hơn trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại và trực tiếp, vì vậy hãy dành nhiều thời gian để trình bày chi tiết trình độ chuyên môn, chuyên ngành và kinh nghiệm của bạn trong hồ sơ ứng tuyển. Hệ thống tìm kiếm có xu hướng ưu tiên các kỹ năng cứng vì chúng dễ đánh giá hơn.

Đừng quá lạm dụng

Nhồi nhét từ khóa là khi bạn chèn quá nhiều từ khóa vào một câu, chẳng hạn như: Thực hiện một số chương trình Marketing nhắm mục tiêu đến các phân khúc khách hàng cụ thể, tiếp thị nội dung bao gồm blog, sách điện tử và tiếp thị truyền thông xã hội trên một số kênh. 

Mặc dù câu này có thể vượt qua hệ thống tìm kiếm, nhưng nó sẽ không làm hài lòng các chuyên gia tuyển dụng.

Các nhà tuyển dụng biết tất cả các thủ thuật và trong khi bạn chỉ có vài giây để tạo sức hút với một bản CV, thì việc sử dụng từ khóa kém hiệu quả sẽ khiến bạn mất đi cơ hội. Do đó, hãy xác định các từ khóa quan trọng nhất cho công việc cụ thể và sử dụng chúng cẩn thận trong suốt hồ sơ xin việc làm. Điều đó có nghĩa là kết hợp chúng ở những nơi phù hợp nhất theo cách tự nhiên nhất.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công