Licensing là gì? Có gì khác so với nhượng quyền thương mại

Licensing là gì?

Licensing (Cấp giấy phép hay cấp phép) hiểu một cách đơn giản là hình thức hợp đồng nhượng quyền sở hữu trí tuệ hay nhượng quyền sử dụng sản phẩm trí tuệ để tiến hành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nước ngoài.

Cấp phép thực chất là hoạt động giao dịch về sản phẩm trí tuệ, theo đó, bên cấp phép chấp thuận cho bên nhận sử dụng/thuê các quyền đối với phần sở hữu trí tuệ được bảo vệ hợp pháp từ người cấp phép trong một thời gian nhất định; đó có thể là một vật liệu; một tài năng vô hình hay hữu hình… đã được đăng ký bảo hộ.

Quyền sử dụng những sản phẩm trí tuệ này thường là: Bằng sáng chế phát sinh (Patent); quyền tác giả hay tác quyền (Copyrights); các qui trình công nghệ (Technological Process); nhãn hiệu thương mại (Trademarks)…

Chi phí, giá cả mua bán, cấp phép được hình thành và biến động theo quan hệ cung cầu của thị trường sản phẩm và phụ thuộc vào mức lợi nhuận từ việc kinh doanh, mua bán sản phẩm mang lại.

“Licensing là một thỏa thuận mà thông qua đó người được cấp phép thuê các quyền đối với phần sở hữu trí tuệ được bảo vệ hợp pháp từ người cấp phép – pháp nhân sở hữu hoặc đại diện cho tài sản đó – để sử dụng cùng với sản phẩm hoặc dịch vụ.”

Đặc điểm của Cấp phép

Licensing là chiến lược kinh doanh quốc tế rất được ưa chuộng, thường diễn ra giữa các công ty quốc tế và các công ty quốc gia. Vậy đặc điểm của Licensing là gì?

–       Licensing là một phương thức tiếp thị và mở rộng thương hiệu, được sử dụng rộng rãi từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp nhỏ. Các lĩnh vực thường được cấp phép dễ dàng gồm có giải trí, thể thao, thời trang… vì đây là những lĩnh vực phổ biến và dễ tiếp cận người tiêu dùng.

–       Licensing là cách thức phù hợp với yêu cầu của bên chủ thể kinh doanh quốc tế (cũng là bên cấp phép). Đây thường là các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia sở hữu những sản phẩm trí tuệ. Sau một thời gian sử dụng, họ mong muốn khai thác chúng triệt để hơn bằng cách cấp phép cho các công ty quốc gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác sử dụng và kinh doanh để tăng lợi nhuận.

–       Thông qua cấp phép sản phẩm cũ, chủ thể kinh doanh có điều kiện để đầu tư, làm mới sản phẩm trí tuệ khác nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

–       Bên được cấp phép (Licensee) thường là các công ty quốc gia và có nhiều hạn chế về mặt công nghệ, kỹ thuật. Nhờ được cấp phép từ bên công ty quốc tế, họ có thể tiếp cận với các sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn với chi phí tài chính vừa phải, phù hợp với điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định và ngày càng mở rộng.

–       Chi phí cấp phép thường thấp và nhìn chung không lớn. Lý do là bởi bên cấp phép đã sử dụng sản phẩm trí tuệ trong một thời gian nhất định.

–       Như trên đã nói, bên nhận cấp phép là những doanh nghiệp đi sau về công nghệ, do vậy việc cấp phép rất thích hợp với chi phí thấp và trình độ quản lý không quá cao của các doanh nghiệp vừa và nhỏ này.

–       Licensing được coi là chiến lược bổ sung cho quá trình sản xuất và xuất khẩu sản phẩm trí tuệ chứ không phải là chiến lược duy nhất để tiếp cận thị trường thế giới.

Sự khác nhau giữa nhượng quyền thương mại và cấp phép Licensing là gì?

Giống nhau:  

–       Đều là hình thức hợp đồng nhượng quyền sở hữu trí tuệ như nhượng quyền sử dụng bằng sáng chế, thương hiệu, sản phẩm trí tuệ, bí quyết kỹ thuật…

Khác biệt:

–       Trong NQTM, bên giao được gọi là bên nhượng quyền (franchisor), bên nhận là bên nhận quyền (franchisee); còn với Cấp phép là bên cấp phép (licensor) và bên nhận phép (licensee).

–       NQTM thường kèm theo đặc quyền kinh doanh trong khi Licensing không có nội dung này. Đặc quyền kinh doanh ở đây là quyền được sản xuất và bán sản phẩm của công ty mẹ như: quyền được sử dụng thương hiệu, kiểu dáng sản phẩm, quyền sử dụng bao bì chuẩn, chương trình quảng cáo, bí quyết quản lý… trong một thời gian nhất định và tại một thị trường nhất định.

–       Về phía bên nhận Cấp phép và NQTM, thì Cấp phép chỉ thực hiện sau khi bạn đã từng kinh doanh, lấy một phần danh tiếng của bên Cấp phép để quảng bá; còn với NQTM, khi bắt đầu kinh doanh thì bạn đã được nhận trọn vẹn các yếu tố của bên giao như thương hiệu, công nghệ, bao bì sản phẩm… cũng như danh tiếng của họ ngay sau khi mở cửa hàng.

–       Với NQTM, thông thường bên được nhượng quyền thường được yêu cầu phải có đất với kích thước tối thiểu, đường đi, vị trí để làm cơ sở trưng bày… trong khi Cấp phép thường không có yêu cầu bắt buộc về vấn đề này.

Hi vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đã hiểu được Licensing là gì cũng như sự khác nhau giữa nhượng quyền thương mại và Licensing.

Huyền Nguyễn

Sao chép thành công