Residual income là gì? Công thức tính và ứng dụng

Residual income là gì? Residual income hay còn gọi là thu nhập thặng dư – là một khái niệm chuyên ngành thường được sử dụng trong ngành Kinh tế – Tài chính. Hãy cùng tìm hiểu thêm các thông tin về Residual income qua thông tin bên dưới để nắm bắt cách sử dụng thuật ngữ này một cách chính xác khi cần.

Residual income là gì?

Thu nhập thặng dư (RI) có thể có nghĩa khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh. Khi xem xét tài chính doanh nghiệp, thu nhập thặng dư là bất kỳ khoản thặng dư nào kiếm được từ một khoản đầu tư so với chi phí cơ hội của vốn đã được sử dụng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh định giá vốn chủ sở hữu, thu nhập thặng dư đề cập đến thu nhập ròng sau khi đã tính toán tất cả chi phí trong việc tạo ra thu nhập đó.

“Thu nhập thặng dư Residual income của công ty là phần vốn còn lại sau khi họ đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ tài chính.”

 

Vì sao cần tính toán Thu nhập thặng dư (Residual income)?

Khi nhắc đến thu nhập của doanh nghiệp hay cá nhân, bạn sẽ thường bắt gặp khái niệm về thu nhập thuần (net income) là khái niệm thông dụng hơn. Khoản thu nhập này cũng được ghi nhận và thể hiện trên các báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, loại thu nhập này chỉ cho biết kết quả kinh doanh sau khi trừ đi các khoản nợ mà chưa xét đến yếu tố chi phí vốn của phần vốn sở hữu.

Vì vậy, thu nhập thặng dư (residual income) được ra đời nhằm phục vụ cho nhu cầu so sánh và xác định xem thu nhập có thể bù đắp được chi phí cơ hội của phần vốn góp doanh nghiệp (hay còn gọi là chi phí vốn chủ) hay không.

Mặt khác, đối với cá nhân, thu nhập thặng dư thể hiện khoản thu nhập còn lại sau khi trừ tất cả các khoản vay phải trả trong khoản thời gian xác định.

Phương pháp tính Thu nhập thặng dư (Residual income)

Cách tính thu nhập thặng dư residual income là gì có thể thay đổi theo từng doanh nghiệp. Sau đây là một số cách tính mà bạn có thể tham khảo:

Cách 1: Thu nhập thặng dư = Thu nhập thuần – Chi phí vốn chủ sở hữu. Trong đó, chi phí vốn chủ sở hữu được tính bằng chi phí cơ hội của phần vốn góp (hay tỷ lệ lợi tức yêu cầu) nhân với giá trị của phần vốn góp.

Cách 2: Thu nhập thặng dư = Thu nhập từ hoạt động – (lợi nhuận yêu cầu tối thiểu x tài sản lưu động).

Cách 3: Thu nhập thặng dư = Thu nhập thuần sau thuế từ hoạt động kinh doanh – Chi phí vốn chủ sở hữu – Chi phí vốn vay.

Cách 4: Thu nhập thặng dư = giá trị thị trường của công ty – giá trị sổ sách của phần vốn góp.

Ứng dụng của Thu nhập thặng dư (Residual income) trong tài chính

Ý nghĩa của residual income là gì đối với doanh nghiệp và cá nhân?

Đối với doanh nghiệp, thu nhập thặng dư được xem là thước đo đánh giá hiệu quả đầu tư vốn của doanh nghiệp thông qua việc tính toán lượng tiền còn lại sau khi trừ tất cả các chi phí vốn được sử dụng để tạo ra doanh thu. Mặt khác, thu nhập thặng dư cũng được ứng dụng để định giá doanh nghiệp trong một hay nhiều giai đoạn. 

Cụ thể, công ty có tỉ suất tăng trưởng ổn định trong nhiều năm thì cách tính residual income một giai đoạn là:

Giá trị nội tại của doanh nghiệp = giá trị sổ sách của phần vốn góp ở thời điểm định giá + giá trị hiện tại của thu nhập thặng dư kì vọng trong tương lai.

Trong đó, ta có thể dự đoán giá trị thu nhập thặng dư trong tương lai = lợi nhuận kỳ vọng ở năm t – (tỷ suất lợi nhuận yêu cầu * giá trị sổ sách năm t-1)

Đối với mô hình định giá dựa trên thu nhập thặng dư nhiều giai đoạn, giả định đặt ra là công ty sẽ tăng trưởng vốn và lợi nhuận tốt trong một khoảng thời gian cố định và tạo ra các giai đoạn tăng trưởng nhất định. Cách định giá dựa trên thu nhập thặng dư nhiều giai đoạn bao gồm 3 bước:

Bước 1: Tính giá trị sổ sách doanh nghiệp trên mỗi đơn vị cổ phần

Bước 2: Tính giá trị hiện tại của mức tăng thu nhập thặng dư của doanh nghiệp trong giai đoạn tăng trưởng mạnh (giai đoạn 1)

Bước 3: Tính giá trị hiện tại của mức tăng thu nhập thặng dư trong giai đoạn sau đó (giai đoạn 2)

Định giá bằng việc áp dụng phù hợp với doanh nghiệp không/ít trả cổ tức và có dòng tiền thuần dự kiến âm. Doanh nghiệp khá chủ động trong việc tính toán dựa vào dữ liệu trên sổ sách kế toán.

Tuy nhiên, hạn chế là cách tính này có khá nhiều giả định và việc tính toán sổ sách kế toán có khả năng không được đáng tin cậy trong trường hợp doanh nghiệp quản trị không minh bạch và hiệu quả.

Đối với cá nhân, việc tính toán thu nhập thặng dư đối với cá nhân đặc biệt có giá trị trong việc xét các khoản tín dụng của người cho vay. Cụ thể, nếu chỉ xét đến thu nhập thì ngân hàng/ đơn vị cho vay sẽ không thấy chính xác được khả năng chi trả thực tế của người vay. 

Ví dụ như người vay có thông tin như sau:

Thu nhập hàng tháng: 10 triệu
Khoản muốn vay: 20 triệu trong 5 tháng, nghĩa là mỗi tháng người đó cần trả gốc ít nhất 4 triệu

Nếu chỉ xét dữ liệu đến đây thì người này hoàn toàn có khả năng chi trả cho khoản vay đề nghị. Tuy nhiên, thực tế nếu người này đang có một khoản nợ khác cần trả gốc hàng tháng là 7 triệu.

Thu nhập thặng dư = thu nhập hàng tháng – khoản vay nợ đang cần trả = 10 triệu – 7 triệu = 3 triệu. Với sự tính toán này, người vay này hoàn toàn không đủ khả năng chi trả nợ gốc cho đề xuất tín dụng trên.

Như vậy, việc xác định thu nhập thặng dư sẽ giúp đơn vị cho vay ra quyết định chính xác hơn trong việc phê duyệt các khoản tín dụng và giảm rủi ro nợ xấu. Người đi vay sau khi hiểu được residual income là gì cũng sẽ biết được khả năng chi trả để lên kế hoạch các khoản vay phù hợp khả năng tài chính của mình.

Hà Phương

 

 

 

Sao chép thành công