Nghề kế toán nhàm chán và khô khan, bạn chắc chứ?

Kế toán là một công việc nhàm chán, ít chuyển biến? Nếu bạn không là người giỏi quảng giao và thích độc lập một mình, kế toán là lựa chọn phù hợp? Kế toán chỉ chuyên tâm làm việc với các con số? Đó hẳn từng là suy nghĩ của nhiều người khi đề cập về công việc của một kế toán viên. Thế nhưng, câu chuyện của anh Nguyễn Gia Hoà (27 tuổi) sẽ mang đến cho các bạn cái nhìn cởi mở hơn về công việc đầy thú vị về cuộc sống của một kế toán viên.

Anh Nguyễn Gia Hoà hiện nay đang công tác tại một công ty kế toán của Nhật Bản có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vốn đến với con đường này chỉ vì “ngày đó, công nhận mình khá thiếu định hướng, thấy kế toán có vẻ an toàn nên mình chọn”, cho đến nay, sau 4 năm gắn bó, anh mới vỡ lẽ ra kế toán không chỉ là những con số khô khan. Chúng tôi hẹn anh vào một chiều thứ bảy khá âm u nhưng sự nhiệt tình và cởi mở của anh khiến cho buổi trò chuyện tràn ngập tiếng cười. Khác với hình dung về một kế toán viên nghiêm nghị và cứng nhắc, anh Gia Hoà lại là một người không ngại ngần chia sẻ những câu chuyện sướng khổ của nghề.

Đi làm rồi, mình mới thấy kế toán không như mình nghĩ

Ở thời điểm anh Hoà đang phân vân tìm kiếm con đường cho 4 năm đại học sắp tới, anh cha sẻ: “Khi ấy, mình cảm thấy kế toán là nghề thích hợp nhất bởi mình nghĩ kế toán viên chỉ cần ngồi một chỗ và xử lý các con số. Tính mình lại không phải người thích giao tiếp, khá kĩ tính và hơi thụ động nên lựa chọn lĩnh vực này là một nước đi an toàn”. Vậy mà nào ngờ, sau 4 năm làm việc, anh Gia Hoà phải thốt lên “Kế toán quả không như mình nghĩ”.

Trái với dự đoán đây sẽ là công việc ít quảng giao, tiếp xúc với nhiều người thế nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Anh nhận ra, kỹ năng giao tiếp trong kế toán là một kỹ năng vô cùng quan trọng mà nhiều người vô tình ‘ngó lơ’ như anh đã từng. Chỉ đến khi gặp các công ty đối tác, trình bày vấn đề với các sếp hay giao việc cho cấp dưới, tất cả đều cần kỹ năng giao tiếp cả.

“Vì mình làm việc với nhiều người từ những người có chuyên môn đến những người không rành về các vấn đề như thuế, báo cáo tài chính thế nên đôi lúc giải thích và đặt vấn đề cho họ hiểu cũng là cả một câu chuyện dài. Chẳng hạn như nếu đối tác chưa từng có kinh nghiệm trong vấn đề sổ sách thì hỏi họ về phân phối lợi nhuận công ty sẽ khó mà nhận được câu trả lời. Thay vào đó, mình phải học cách diễn giải vấn đề sao cho dễ hiểu nhất, đặc biệt khi liên quan đến các con số để đôi bên nắm chắc được vấn đề”, anh chia sẻ.

Nhờ đó mà sau khoảng thời gian làm việc, chính anh Hoà còn ngạc nhiên bởi mình đã trở nên dạn dĩ và chủ động hơn rất nhiều. Sự chủ động của anh không chỉ thể hiện qua việc chủ động giao tiếp và còn chủ động phân bố công việc, kết nối với đồng nghiệp. “Giờ đây, mình nhận ra rằng một kế toán viên không phải người hoạt động đơn lẻ mà còn cần sự hỗ trợ của nhiều người. Vì thế mà mình học được cách chia việc sao cho hợp lý. Ví dụ như với những bạn nhân viên mới, mình sẽ phân công các bạn đầu việc đơn giản như nhập liệu, đến các bạn đã làm lâu năm hơn sẽ phụ trách công đoạn kiểm tra lần hai. Và mình sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Nhờ sự phối hợp này mà rủi ro xảy ra thấp hơn, các cá nhân gắn kết với nhau hơn”, anh kể.

Những mùa quyết toán “sinh tử”

Thông thường, nhiều người sẽ nghĩ khoảng thời gian cuối năm và đầu năm mới là thời gian “nóng” của các công ty khi giải quyết các vấn đề sổ sách tồn đọng hay chuẩn bị cho một năm làm việc mới. Thế nhưng, với phần lớn kế toán viên, mùa cao điểm lại bắt đầu khá trễ vào tháng 3. Đây cũng là thời điểm căng thẳng, nhiều người còn phải “ôm việc về nhà” để cho ra báo cáo tài chính đúng hạn.

Anh Hoà nói đùa rằng: “Những ngày cuối tháng 3, mình đích thị ‘một cổ ba tròng’ khi vừa phải lo quyết toán thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp và kiểm toán. Không chỉ những kế toán viên trẻ tuổi mà đến những người đã làm lâu năm cũng ít nhiều mỏi mệt mỗi khi đến mùa này. Và vì phần lớn các công ty phải gửi báo cáo tài chính một lúc nên kế toán viên còn phải chạy đua với thời gian, đôi khi cần một chút may mắn cầu nguyện… đường truyền mạng ổn định. Không chỉ mong đường truyền mạng ổn định mà thậm chí, mình còn cầu mong đối tác không ‘nhây’ tức là sẽ cung cấp số liệu cho mình đúng hạn”. Bao nhiêu lần gặp đối tác trễ hẹn là bấy nhiêu lần anh cùng các đồng nghiệp như “ngồi trên đống lửa”, thấp thỏm không yên.

Anh Hoà cũng thừa nhận: “Ngày trước đi học không ai dạy mình sẽ phải làm gì khi đến mùa quyết toán nên những ngày đầu nhận việc, trải nghiệm mùa quyết toán đầu tiên với nhiều bỡ ngỡ, lúng túng và hồi hộp. Đúng là chỉ khi bắt tay vào làm, mình mới hiểu được rằng con đường này không hề dễ dàng”.

Nếu không tỉ mỉ trong từng khâu thì những sai sót tưởng chừng nhỏ nhất sẽ bị “khuếch đại” lên gây ra hậu quả lớn, đặc biệt khi con số mà những kế toán đảm trách lên đến hàng chục tỷ. Khi tuyên dương, kế toán có thể không phải người đầu tiên được xướng tên nhưng nếu có bất kỳ thất thoát nào, kế toán luôn là người chịu trách nhiệm trước nhất. Do đó, anh Hoà khẳng định: “Ai nghĩ kế toán là nghề không vất vả, không áp lực là sai hoàn toàn”

Để trụ lại trong lĩnh vực kế toán cần điều gì?

Vì tính chất công việc áp lực cao song lại đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhất là khi trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nghề kế toán cũng không nằm ngoài xu thế thay đổi này khi sự xuất hiện của các công cụ tự động hoá phát triển. “Nhưng mình tin rằng, có những phần mà máy khó có thể thay thế con người. Chẳng hạn như việc phân tích các dữ liệu và đưa ra những dự đoán về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp chẳng hạn. Máy có thể tính toán chính xác thế nhưng để đưa ra dự đoán và nhận định còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như bối cảnh xã hội chẳng hạn”, anh bày tỏ quan điểm.

Dù vậy, anh Hoà cũng gật gù công nhận rằng nếu biết cách ứng dụng công nghệ vào thực tiễn thì những công việc như tính toán, thống kê… sẽ được giải quyết nhanh, gọn, lẹ mà tính chính xác vẫn được đảm bảo. Nhưng để hoàn toàn đồng bộ và thay thế công nghệ cũ lại cần nhiều thời gian hơn trong khi các kế toán viên hiện nay vẫn ưa thích sử dụng những phần mềm cổ điển như excel.

Anh Gia Hoà nhắn nhủ thêm nếu muốn trụ vững và tiến xa hơn trong ngành thì… “cứ chăm đọc luật là được”. Chính anh còn hài hước khẳng định rằng: “Ngày trước đi học, anh cứ nghĩ thầy giáo giỡn chơi khi bảo siêng đọc các luật thuế thì sẽ thành công. Vậy mà đến khi đi làm rồi, mình mới công nhận rằng nếu cập nhật nhanh chóng sự thay đổi của luật pháp thì sẽ giúp ích cho công việc mai này rất nhiều, tránh được cả những rắc rối không đáng có và còn giải quyết các thắc mắc còn tồn đọng nữa”. Quả thật, trái với các luật khác, luật thuế thường được sửa đổi với nhiều bổ sung đi vào chi tiết nên các kế toán viên luôn phải là người nhạy bén nhất trước những sự thay đổi luật pháp.

Suốt 4 năm qua, tuy thời gian không quá dài nhưng anh Gia Hoà tâm sự rằng: “Nghề này không chỉ giúp mình rèn tính cẩn thận, tỉ mỉ mà những kiến thức, kỹ năng mình có được đều là nền tảng rất hữu ích cho những lĩnh vực khác liên quan như kinh doanh, chứng khoán…”. Câu chuyện của anh Gia Hoà đã phần nào cho thấy một khía cạnh thú vị hơn về nghề kế toán được chính “người trong cuộc kể lại”, nhờ đó ta thấy được rằng công việc này tuy áp lực nhưng không thể phủ nhận những trải nghiệm thú vị mà nó mang lại.

Cảm ơn anh Gia Hoà vì những chia sẻ thật thú vị.

CHIA SẺ NGAY:

Sao chép thành công