Mục Lục
Bạn có thể dễ dàng tra từ điển để hiểu conflict là gì nhưng trong bài viết này chúng ta sẽ cùng đào sâu về các ảnh hưởng, các loại phổ biến và cách giải quyết hiệu quả.
Conflict là gì?
Từ conflict hay xung đột có xu hướng tạo ra những hình ảnh về sự tức giận và các hành động tiêu cực. Xung đột không phải là hiếm ở nơi làm việc và nó không phải lúc nào cũng tốt, nhưng không phải lúc nào cũng là điều xấu.
Xung đột là sự nhận thức – nghĩa là nó chỉ thực sự tồn tại nếu được hai các bên tham gia thừa nhận. Ví dụ, nếu A và B đang thảo luận về cách giúp thu hút nhiều khách hàng hơn nhưng họ bỏ qua bất đồng, không nghĩ về vấn đề này nữa hoặc nghĩ rằng vấn đề đã được giải quyết thì xung đột không tồn tại.
Ngược lại, nếu A và B đều bỏ đi khi cảm thấy rằng ý tưởng của họ không được người kia lắng nghe, người kia sai, người kia cần phải có quan điểm tốt hơn… thì xung đột tồn tại.
Conflict of interest là gì?
Conflict of interest được hiểu là xung đột lợi ích là tình huống một người hoặc tổ chức có liên quan đến nhiều lợi ích (ví dụ: tài chính hoặc lợi ích khác), một trong số đó có thể làm hỏng động cơ của cá nhân hoặc tổ chức.
“Conflict là khi hai người hoặc một nhóm không đồng ý, và sự bất đồng đó gây ra xích mích. Một bên cảm thấy rằng quan điểm của bên kia sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả cuối cùng.”
Ưu và nhược điểm của xung đột
Những mâu thuẫn khiến mối quan hệ công việc trở nên căng thẳng. Nếu các nhân viên không thích nhau, việc hợp tác hiệu quả dường như là không thể và các thành viên chỉ tập trung làm tốt vai trò của mình.
Xung đột cũng gây tốn kém thời gian và chi phí cho các công ty. Bên cạnh việc các nhà quản lý phải dành phần lớn thời gian để giải quyết mâu thuẫn, thì các công ty phải tốn chi phí để tuyển dụng và đào tạo lại nhân viên mới do một số người rời đi vì xung đột. Ngoài ra, các kiến thức và kinh nghiệm quý giá cũng ra đi theo nhân viên nghỉ việc. Trong một số ngành, chi phí để thay thế một nhân viên còn cao hơn cả mức lương hàng năm cho vị trí đó.
Nhưng nếu được quản lý tốt, xung đột có thể góp phần vào sự đổi mới và khơi dậy sự sáng tạo nhờ quan điểm đa dạng. Các bên tham gia sẽ có cách nhìn nhận riêng biệt và tranh luận về các giá trị của các ý tưởng khác nhau với tinh thần cởi mở. Thao thời gian, họ sẽ xây dựng kỹ năng giải quyết xung đột theo cách giúp họ biến xung đột thành ý tưởng hiệu quả hơn.
Các loại xung đột thường gặp ở môi trường làm việc
Có rất nhiều loại xung đột khác nhau tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực. Trong môi trường làm việc, thường có 5 loại sau. Hãy cùng tìm hiểu các loại xung đột hay conflict là gì nhé.
Xung đột lãnh đạo
Các nhà lãnh đạo thường là người can thiệp vào các xung đột tại nơi làm việc giữa các nhân viên. Nhưng nếu chính những người lãnh đạo là trung tâm và là nguyên nhân của những mâu thuẫn đó thì sao? Trên thực tế, xung đột lãnh đạo được liệt kê là một trong những loại xung đột phổ biến nhất tại nơi làm việc.
Xung đột sáng tạo
Trong khi làm việc nhóm, nhiều khả năng xảy ra xung đột liên quan đến sáng tạo và ý tưởng. Nhân viên có thể đưa ra những ý tưởng khác nhau và có những phản ứng khác nhau đối với những ý tưởng đó, điều này có thể dẫn đến cãi vã và mâu thuẫn.
Xung đột phong cách làm việc
Nhiều người thích làm việc một mình, theo tốc độ, kiến thức và kỹ năng của riêng họ trong khi những người khác thích làm việc theo nhóm, đưa ra ý kiến của họ và cộng tác với đồng đội. Một số lại chờ đến hạn chót mới bắt tay vào việc trong khi những người khác hoàn thành nhiệm vụ sớm hơn. Chắc chắn người biết lo xa sẽ không hòa hợp với người “đợi nước đến chân mới nhảy” và xung đột sẽ xảy ra.
Xung đột tính cách
Sự khác biệt về nhận thức và hành vi bắt nguồn từ niềm tin cũng sẽ dẫn đến sự khác biệt trong cách chúng ta nhìn nhận và cư xử đối với người khác.
Xung đột nhiệm vụ
Có nhiều lý do dẫn đến xung đột dựa trên nhiệm vụ. Đó có thể là sự thiếu phối hợp trong khi làm việc cùng nhau, hoặc ai đó đang trì hoãn công việc, hoặc giao tiếp không hiệu quả dẫn đến hiệu suất kém.
Các bước giải quyết xung đột
Xác định nguồn gốc của mâu thuẫn
Bạn càng có nhiều thông tin về xung đột, bạn càng giải quyết nó dễ dàng. Để có được thông tin cần thiết, điều bắt buộc là phải hỏi.
Với tư cách là người quản lý, bạn cần cho cả hai bên cơ hội để chia sẻ khía cạnh câu chuyện của họ. Nó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình hình, cũng như thể hiện sự công bằng của bạn. Khi bạn lắng nghe từng người trình bày, hãy nói: “Tôi hiểu rồi” hoặc “ờ, ừ” để ghi nhận thông tin và khuyến khích họ tiếp tục cởi mở với bạn.
Nhìn vấn đề rộng hơn
Đôi khi, không phải tình huống mà là cách nhìn nhận về tình huống dẫn đến xung đột.
Nguồn gốc của xung đột có thể là một vấn đề nhỏ xảy ra vài tháng trước đó, nhưng mức độ căng thẳng đã tăng lên đến mức hai bên không kiềm chế được. Trong không gian văn phòng yên tĩnh, bạn có thể yêu cầu họ nhìn vấn đề rộng hơn để hiểu nguyên nhân thực sự. Một lần nữa, những câu hỏi thăm dò như “Bạn nghĩ đâu là vấn đề ở đây?” hoặc “Mâu thuẫn giữa hai người nảy sinh lần đầu tiên khi nào? sẽ hữu ích.
Yêu cầu giải pháp
Sau khi có được quan điểm của mỗi bên, bước tiếp theo là giúp họ tự đưa ra giải pháp. Với tư cách là người hòa giải, bạn phải là người lắng nghe tích cực, nhận biết được mọi sắc thái lời nói, cũng như ngôn ngữ cơ thể.
Xác định các giải pháp mà cả hai bên có thể ủng hộ
Hãy lắng nghe để tìm ra cách hành động dễ được chấp nhận nhất. Chỉ ra giá trị của các ý tưởng khác nhau, không chỉ từ quan điểm của nhau mà còn liên quan đến lợi ích của tập thể
Thỏa thuận
Hãy làm cho hai bên bắt tay và chấp nhận một trong những lựa chọn thay thế được xác định. Mục tiêu là đạt được một thỏa thuận đã thương lượng. Cẩn thận hơn bạn có thể yêu cầu họ trả lời những câu hỏi như “Cả hai có cách gì để ngăn chặn xung đột phát sinh trong tương lai?” và “Bạn sẽ làm gì nếu các vấn đề phát sinh trong tương lai?”.
Xung đột là không thể tránh khỏi, nhưng mặc dù không thể tránh khỏi hoàn toàn, chúng có thể được xử lý ổn thỏa. Cách giải quyết xung đột hiệu quả có thể tạo ra một thế giới khác biệt cho tập thể, ngay khi đó là những vấn đề khó khăn nhất. Bằng cách hiểu xung đột – conflict là gì trên đây cùng với các vấn đề liên quan, hi vọng bạn đã có những kiến thức cơ bản để xử lý tốt mọi tình huống.
Trâm Nguyễn