Mục Lục
Bất kể bạn là ai, hành động của bạn trên các trang mạng xã hội, blog, diễn đàn sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả quá trình tìm việc của bạn. Có đến hơn 70% nhà tuyển dụng xem vệc kiểm tra hồ sơ trên mạng xã hội nói riêng và internet nói chung như một phần của quy trình sàng lọc ứng viên của họ. Điều này có nghĩa là dù tốt hay xấu, những hình ảnh, nhận xét và bài đăng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm về tên của bạn có thể có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định bạn có được chọn hay không.
Đời sống online có thể gây bất lợi cho quá trình tìm việc của bạn thế nào?
“Chỉ cần một ấn tượng tiêu cực từ hồ sơ mạng xã hội của bạn cũng có thể khiến bạn mất lợi thế trong quá trình tìm việc.”
Các tài khoản mạng xã hội, diễn đàn, bolog của bạn cung cấp cho nhà tuyển dụng cái nhìn tổng quan về những gì bạn quan tâm, lối sống ngoài công việc, hành vi của bạn và nhiều yếu tố khác mà bạn chọn chia sẻ. Do đó, đôi khi đây là ấn tượng đầu tiên của họ về bạn và việc nhận thấy điều gì đó không phù hợp có thể làm hỏng cơ hội đảm bảo việc làm của bạn.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có 90% nhà tuyển dụng xem xét hoạt động online của ứng viên khi tuyển dụng và 80% đã từ chối ứng viên vì những điều không hay được tìm thấy. Nhẹ thì có thể là đầy rẫy lỗi chính tả, chia sẻ các ý kiến gây tranh cãi hay các trò đùa quá trớn. Nghiêm trọng hơn là đăng bài quá thường xuyên trong giờ làm việc, gièm pha sếp hoặc đồng nghiệp, chia sẻ thông tin bí mật về công ty, phàn nàn về khách hàng, sử dụng ngôn ngữ không phù hợp hay bình luận mang tính xúc phạm…
Những dòng trạng thái không hay có thể được viết ra trong lúc bức xúc hoặc lúc đó bạn chưa suy nghĩ chín chắn và sau này bạn đã nghĩ khác nhưng nó vẫn ở đó và nhà tuyển dụng đã nhìn thấy. Họ không cần biết lí do vì sao bạn làm như thế và chỉ tin vào “bằng chứng” trước mắt mà thôi. Vậy là vì những điều ngớ ngẩn mà có khi bạn còn không nhớ nó đã từng tồn tại, bạn đã khiến cơ hội tìm được việc làm của mình phải đối mặt với rủi ro thất bại.
Một điều mà bạn có thể quên là hoạt động online vẫn có thể tác động ngay cả khi bạn đã nhận được lời mời làm việc. Một người quen của mình từng đăng bài chia sẻ về công việc vừa nhận được vì quá phấn khích. “Từ ngày mai mình sẽ bắt đầu cuộc hành trình mới tại X.”. Chỉ vài từ đó thôi cũng đủ để nhà tuyển dụng hủy bỏ lời đề nghị làm việc sau khi xem bài đăng vì thỏa thuận bảo mật đã bị vi phạm và ứng viên được cho là không đáng tin cậy.
Và mang đến lợi ích gì cho bạn trong quá trình tìm việc?
Vì những nguy cơ này mà nhiều người nghĩ rằng mạng xã hội thực sự là một bãi mìn và và tự nhủ: Thôi thì đóng hết các mạng xã hội cho lành. Tuy nhiên, trong thế giới kỹ thuật số, bạn sẽ trở nên vô hình nếu không sử dụng bất kỳ phương tiện truyền thông xã hội nào. Một số nhà tuyển dụng có thể không coi đây là vấn đề trong khi những người khác có thể thấy nghi ngờ hoặc có thể coi bạn là người lỗi thời, cổ lỗ sĩ.
Đặc biệt, trong quá trình tìm việc ở các vị trí liên quan đến tiếp thị, kinh doanh hoặc tuyển dụng… nếu bạn không tham gia vào mạng xã hội, bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng e ngại hơn vì thiếu các kỹ năng cần thiết. Khi các công cụ đang thay đổi, các kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội đang trở thành yêu cầu để thực hiện tốt công việc.
Thực ra, online là nơi lý tưởng để bạn thể hiện tài năng của mình và những gì bạn biết. Trong khi CV chỉ thể hiện phần “lý thuyết” thì mạng xã hội sẽ cho thấy bạn “thực hành” như thế nào trong công việc. Khi bạn chia sẻ góc nhìn độc đáo hoặc thể hiện sự hiểu biết chuyên sâu của mình về một chủ đề nóng trong ngành thì bạn đang nâng cao danh tiếng của mình và trở thành một ứng viên thú vị, giúp bạn vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh khác.
Thế nên, thay vì biến mất khỏi mạng xã hội, bạn nên hiển thị cá tính chuyên nghiệp thông qua một hồ sơ mạng xã hội “trong sạch”.
Tận dụng mạng xã hội để tạo lợi thế khi tìm việc bằng cách nào?
Để biết nhà tuyển dụng thấy gì khi họ tìm kiếm bạn, bạn cần phải tự mình tra cứu. Trước tiên, hãy vào các mạng xã hội và tìm kiếm các biến thể tên của mình như Tên + Thành phố và Tên + Nghề nghiệp để có kết quả toàn diện nhất. Kết quả tìm kiếm hiển thị bạn là người chuyên nghiệp hay là một thông điệp tiêu cực? Hãy xóa các bất cứ nội dung nào mà bạn cho rằng sẽ không tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Có hai loại nội dung không hay: nội dung bạn đã đăng và nội dung người khác đăng về bạn. Mặc dù việc xem qua các bài đăng trên mạng xã hội và xóa các bài đăng có vấn đề là một nhiệm vụ tương đối đơn giản, nhưng việc thuyết phục người khác xóa nội dung đó lại khó hơn nhiều.
Điều quan trọng khác là làm nổi bật những thành tựu. Bạn có thể sử dụng hồ sơ trên mạng xã hội để giới thiệu những thành tựu nghề nghiệp của bạn, các danh hiệu hay chức vụ bạn từng đảm nhận. Điều này có thể giúp truyền tải hình ảnh tích cực và toàn diện tới các nhà tuyển dụng tiềm năng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm kiếm các đề xuất và xác nhận. Chẳng hạn như trên nền tảng LinkedIn, hãy khuyến khích đồng nghiệp, người giám sát đưa ra các phản hồi tích cực để nâng cao uy tín của bạn.
Chắc chắn, hoạt động trên mạng xã hội, diễn đàn nhất là các địa chỉ liên quan đến phát triển nghề nghiệp sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho bạn, nhưng quan trọng là nó cũng cần thể hiện bạn dưới “ánh sáng tích cực” với các nhà tuyển dụng. Giữ cho “căn nhà” của bạn thật chuyên nghiệp là phương châm bạn nên hướng đến, nhất là trong quá trình tìm việc. Muốn vậy, trước khi đăng bất cứ điều gì, hãy tạm dừng và cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra. Hãy tự hỏi liệu nội dung có phù hợp với hình ảnh và giá trị chuyên nghiệp của bạn hay không.
Vân Phạm