Mục Lục
Ngày nay, chất lượng cuộc sống được coi như một thước đo phát triển của mỗi quốc gia và là mục tiêu mà mỗi người trong xã hội theo đuổi. Vậy chất lượng cuộc sống là gì? Có những tiêu chí nào để đo lường và cách nâng cao chất lượng cuộc sống?
Chất lượng cuộc sống là gì?
Chất lượng cuộc sống trong tiếng Anh là Quality of life. Nó được coi như một chỉ số thể hiện mức độ hạnh phúc của con người khi được thỏa mãn cả về đời sống vật chất cũng như tinh thần.
Mở rộng ra một quốc gia, chất lượng cuộc sống thấp chứng tỏ nước đó cần cải thiện và nâng cao, từ kinh tế tới chính trị, an ninh, môi trường hay các giá trị văn hóa. Theo như Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chất lượng cuộc sống là nhận thức cá nhân về vị trí của họ trong cuộc sống, trong bối cảnh văn hóa và hệ thống giá trị mà họ đang sống, cũng như liên quan đến mục tiêu, kỳ vọng, tiêu chuẩn và mối quan tâm của họ.
Vì thế có thể thấy, chất lượng cuộc sống là một khái niệm rộng lớn. Nó là tổng hòa của nhiều yếu tố. Nó lại là chỉ số mang tính động, không có công thức chung cho mỗi quốc gia. Với mỗi cá nhân lại càng khác nhau, bởi đôi khi nó phụ thuộc vào nhu cầu và mong muốn của từng cá nhân đó. Mặc dù là chỉ số không cố định và phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng nó có tiêu chí đánh giá riêng.
“Chất lượng cuộc sống là một thước đo hạnh phúc mang tính chủ quan cao, là một thành phần thiết yếu của nhiều quyết định tài chính.”
Đặc điểm của chất lượng cuộc sống
Chất lượng cuộc sống mang một số những đặc điểm nhất định sau:
Thứ nhất, mỗi cá nhân có một tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống khác nhau. Mỗi một quốc gia có chỉ số chất lượng cuộc sống không giống nhau.
Thứ hai, chất lượng cuộc sống luôn thay đổi. Bạn sinh ra ở thời điểm có chất lượng cuộc sống tốt nhưng điều đó không có nghĩa ở giai đoạn sau, chất lượng cuộc sống của bạn cũng tốt. Với các quốc gia cũng như vậy.
Thứ ba, chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Bản thân bạn có công việc tốt, thu nhập tốt nhưng bạn sống trong một đất nước nhiều bất ổn chính trị, bạo loạn hay những cuộc biểu tình liên tục thì cũng sẽ không thể gọi bạn có một chất lượng cuộc sống tốt. Bởi các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống bao gồm cả kinh tế, chính trị, văn hóa, tinh thần, sức khỏe …
Thứ tư, các yếu tố thể hiện chất lượng cuộc sống cao như kinh tế phát triển, đời sống người dân hạnh phúc, chế độ phúc lợi, y tế tốt, công bằng và bảo vệ trong pháp luật, bình đẳng trong cuộc sống, các giá trị văn hóa được phát triển và đề cao, đời sống chính trị ổn định, an ninh đảm bảo….
Đối với các cá nhân, chất lượng cuộc sống được dựa vào thu nhập kinh tế, vào sức khỏe bản thân, thỏa mãn đời sống tinh thần, giá trị niềm tin, cảm xúc cũng như được phát triển trong một môi trường dân chủ, bình đẳng.
Cách đo lường và cách nâng cao chất lượng cuộc sống
Tổ chức Liên Hợp Quốc đã thiết lập Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index – HDI) là chỉ số để đo lường chất lượng cuộc sống của một quốc gia. Đây là tiêu chí tổng hợp phản ánh chất lượng cuộc sống bởi chỉ số này dựa trên các khía cạnh cơ bản cơ bản nhất như GDP, giáo dục và tuổi thọ. Vậy đằng sau các tiêu chí để đo lường chất lượng cuộc sống là gì?
- GDP là chỉ số thu nhập bình quân đầu người, hộ nghèo, mức thu nhập của người dân quốc gia đó. Chỉ số này phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế cũng như chính sách phát triển kinh tế của nước đó.
- Chỉ số giáo dục mang tính xã hội nhưng nó biểu hiện cho sự quan tâm tới sự phát triển của công dân quốc gia đó thông qua chỉ số về tỷ lệ người biết chữ, về trình độ văn hóa và tay nghề, số người mù chữ cũng như cơ sở hạ tầng cho giáo dục.
- Chỉ số tuổi thọ đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng cao với cách dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe hay cơ sở hạ tầng cho y tế…
Ngoài ba tiêu chí trên thì chỉ số chất lượng cuộc sống còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như: sự hài lòng trong đời sống văn hóa, tự do ngôn luận, bình đẳng xã hội, khoảng cách giàu nghèo, chất lượng bữa ăn thậm chí vấn đề về nhà ở, chất lượng nhà ở, công trình công cộng, các công trình phúc lợi, điện nước…
Mới đây có một cách tính mới không liên quan tới chỉ số GDP, mà tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – Organisation for Economic Co-operation and Development) đưa ra bảng xếp hạng căn cứ vào chỉ số chất lượng cuộc sống bao gồm các tiêu chí như tình hình việc làm, tuổi thọ, chất lượng giáo dục của người dân hay tính cộng đồng của một người…
Chỉ số này tuy chưa thật sự chuẩn xác nhưng nó lại cho thấy chất lượng cuộc sống thật sự gần gũi và nó phản ánh đúng đời sống của người dân.
Chỉ số này cho thấy rằng, một quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hẳn là nước có chất lượng cuộc sống tốt nhất thế giới. Cụ thể như một nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới nhưng môi trường ô nhiễm, sự chênh lệch giàu nghèo, người dân bị bóc lột sức lao động hay tồn tại trong nhiều bất ổn thì cũng không được xem là quốc gia có chất lượng cuộc sống tốt.
Bởi vậy bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, các quốc gia cần quan tâm hơn tới các giá trị văn hóa, giáo dục, sức khỏe, y tế, đời sống cho người dân. Một số nước có chất lượng cuộc sống đứng đầu thế giới phải kể đến như Canada, Thụy Điển, New Zealand, NaUy, Đan Mạch, Mỹ, Thụy Sỹ, Phần Lan, Hà Lan…
Đối với mỗi cá nhân, chất lượng cuộc sống cũng mang tính tương đối. Ví dụ bạn có một công việc lương cao nhưng bạn phải làm quá nhiều giờ, tăng ca liên tục. Bạn có đời sống vật chất đầy đủ nhưng bạn bị bất ổn trong tinh thần khi sống trong gia đình có bạo lực gia đình. Điều này khiến bạn không có thời gian để nghỉ ngơi, sức khỏe giảm sút, tinh thần suy sụp. Vì thế bạn không có một chất lượng cuộc sống cao.
Nhưng điều đó cũng để thấy, mỗi cá nhân hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình. Bởi chất lượng cuộc sống không phải là chỉ số xa xôi, nó hoàn toàn là những điều gắn bó với bạn mỗi ngày. Vậy cách để nâng cao chất lượng cuộc sống là gì?
Bạn hoàn toàn có thể làm chủ chất lượng cuộc sống bằng những việc đơn giản như: duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt cân bằng, khoa học để đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Sau đó là học tập, phát triển bản thân bằng cách tham gia các khóa học, đấu tranh đòi bình đẳng, tự do và sự tôn trọng cá nhân…
Chất lượng cuộc sống phản ánh toàn diện sự phát triển của một quốc gia. Còn với mỗi cá nhân, nó là chỉ số nói lên mức độ hài lòng cuộc sống. Hi vọng chia sẻ trên giúp bạn hiểu rõ hơn chất lượng cuộc sống là gì, các đặc điểm cơ bản cũng như giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi ngày.
Nguyễn Lý