Thụ động trong công việc – thói quen khiến bạn bị sếp ghét bỏ

Trong một doanh nghiệp, có những người luôn tích cực làm việc, chủ động học hỏi và đề xuất những ý tưởng mới nhưng cũng có không ít người thụ động, luôn giữ tâm thế chờ được giao việc, cứ phải nhắc đúng tên, chỉ đúng người mới chịu làm hoặc làm việc trong trạng thái lay lắt. Sự thụ động trong công việc sẽ khiến bạn bị sếp ghét bỏ vì thụ động chính là “sâu mọt” kìm hãm sự phát triển của công ty.

“Nếu một người được xem là thụ động, điều đó đồng nghĩa với việc họ không hành động mà thay vào đó là để mọi thứ xảy ra với họ.”

Người có thái độ thụ động sẽ hình thành thói quen làm việc như một cỗ máy được lập trình sẵn, mất đi khả năng phân tích, tư duy sáng tạo cũng như sự nỗ lực để cải tiến chất lượng và hiệu suất công việc. Nếu tình trạng này kéo dài họ sẽ sớm bị đào thải vì lối tư duy và những kiến thức cũ không đủ để áp dụng vào thực tiễn và đem lại hiệu quả trong công việc.

Vì sự nhút nhát, tự ti, luôn lo được lo mất, họ sẽ làm ngơ trước những cơ hội đến với mình, không dám đón nhận, không dám nỗ lực để giành lấy và tiếp tục chờ đợi một điều gì đó tốt hơn, dễ dàng hơn, ít rủi ro hơn, ít phải cố gắng hơn. Tính cách này sẽ khiến họ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong cuộc sống, công việc, thậm chí là tình cảm và đôi khi, những cơ hội này chỉ đến một lần duy nhất trong đời. Nếu luôn thụ động, họ sẽ có nguy cơ sống cuộc sống của mình như thể là diễn viên phụ chứ không phải ngôi sao của bộ phim.

Hơn nữa, kiểu người thụ động sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu, bực bội vì rất khó để phối hợp và làm việc chung. Họ luôn đợi người khác lên tiếng, luôn đợi người khác đưa ra ý tưởng thay vì cùng nhau đóng góp xây dựng để hoàn thành công việc tốt hơn. Vì lẽ đó, sẽ chẳng có ai mặn mà khi làm cộng sự với họ vì họ chẳng thể giúp đỡ trong công việc, càng không thể mang đến một không khí làm việc thật sự vui vẻ, thoải mái.

Vậy bạn có phải là người thụ động không?

Có thể khó để bạn đánh giá một cách khách quan xem bản thân có đang hay đã là một người thụ động hay không. Nếu đang phân vân, những đặc điểm tiêu biểu của người thụ động sau đây sẽ giúp bạn có câu trả lời chắc chắn.

Không bao giờ dám đảm trách việc gì

Một người thụ động sẽ không bao giờ trở thành chỉ huy. Trong một chuyến đi chẳng hạn, họ không phải là người cầm bản đồ hay quyết định kế hoạch trong ngày. Họ cũng sẽ không đưa ra ý kiến ​​của mình về việc liệu một quán ăn nào đó có phải là địa điểm tốt để dừng lại nạp năng lượng hay không.

Khi được hỏi muốn ăn gì, họ sẽ nói “Ăn gì cũng được!” và để mặc cho mọi người quyết định. Không phải là họ giả vờ không quan tâm mà họ thực sự không có sở thích hoặc cho rằng ý kiến của họ là không quan trọng. Chỉ cần có một thành viên như thế cũng đủ khiến trưởng nhóm đau đầu.

Cảm thấy rằng ý kiến ​​của bản thân không quan trọng

Những người thụ động có xu hướng coi thường quan điểm của chính họ. Dù họ hiểu rõ vấn đề hoặc là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó nhưng lại luôn bắt đầu bằng những câu như “Em thực sự không chắc liệu mình có đúng hay không”, “Có lẽ là em đã sai…”. Đó là vì họ sợ nghe ý kiến chê bai của đồng nghiệp. Họ tránh điều này bằng cách báo trước rằng “Tôi có thể sai, đừng trông chờ gì vào câu trả lời của tôi”. Và vì đã mào đầu như thế, ý kiến của họ cũng như cơn mưa thoáng qua, không được nhiều người lưu tâm đến.

Làm bất cứ điều gì để có một cuộc sống yên bình

Có thể đôi khi tiếng lòng thôi thúc rằng nên lên tiếng vì điều gì đó, nhưng người thụ động không muốn tự chuốc lấy rắc rối. Họ thích một cuộc sống đơn giản, dễ dàng và đi theo con đường ít chông gai nhất hơn là mạo hiểm thò đầu ra ngoài lan can.

Bởi thế họ luôn nói “Có” với những lời nhờ vả từ đồng nghiệp, ngay cả khi điều đó có ảnh hưởng tiêu cực đến họ. Họ muốn làm cho người khác hạnh phúc và không muốn làm phiền ai nên khi cần sự hỗ trợ, họ lại ấp úng “Bạn có phiền không nếu…” hoặc “Nếu bạn rảnh…” kèm theo ánh mắt van lơn, nài nỉ.

Họ thiếu tự tin đến mức lo lắng khi cố gắng đứng lên bảo vệ bản thân, chỉ đưa ra những luận điểm yếu ớt với giọng nói nhẹ nhàng để tránh trở thành trung tâm của sự chú ý.

Họ không đi tìm sự phấn khích và hào hứng với những trải nghiệm mới. Họ khá hạnh phúc khi sống trong vùng an toàn của mình, ngay cả khi họ biết rằng mình đang trì trệ ở đó.

Họ phó mặc cho số phận và tin vào may mắn

Người thụ động tin rằng tương lai của họ đã được định sẵn, vì vậy việc gì họ phải đấu tranh chống lại hoặc những điều tương tự như vậy. Họ không tin rằng hành động có thể thay đổi cuộc đời họ, vì vậy họ chỉ cần ngồi yên đó và để “gió cuốn đi”.

Họ không nghĩ rằng thành công là nhờ làm việc chăm chỉ và nỗ lực mà đó là kết quả của sự may mắn. Nếu nhận được cuộc gọi khó chịu của khách hàng, họ coi đó là ngày xui xẻo, thay vì nhìn vào lỗi sai để điều chỉnh nhằm có được một kết quả tốt hơn vào lần sau.

Nếu thấy mình có một hoặc thậm chí tất cả những đặc điểm trên đây, không cần phải hoảng sợ bởi vì bạn hoàn toàn có thể thay đổi tình hình bằng cách:

–       Đừng chờ đợi phản hồi mà hãy chủ động tìm kiếm. Điều đó thể hiện sự ham học hỏi và cải thiện.

–       Cung cấp thông tin cập nhật kịp thời cho sếp, đồng nghiệp, khách hàng của bạn hoặc bất kỳ ai mà bạn nghĩ đang chờ đợi câu trả lời.

–       Đừng ngại đặt câu hỏi nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, điều này không chỉ giúp bạn hoàn thành công việc tốt hơn vì mọi thứ luôn rõ ràng mà còn cho thấy bạn là người chủ động.

–       Tích cực trong các cuộc họp; đưa ra đề xuất, tham gia các buổi brainstorming, chia sẻ ý kiến ​​của bạn và giúp đỡ các thành viên khác trong nhóm.

Sự thụ động trong công việc không chỉ kìm hãm sự phát triển của công ty mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến con đường phát triển và thăng tiến của chính bạn. Một nhân viên thụ động không chỉ bị sếp ghét bỏ mà còn bị đồng nghiệp xa lánh, không ai muốn chung nhóm với bạn, không ai muốn là cộng sự của bạn. Không ai ép bạn phải sống như thế này, đừng sống như thế kia! Bài viết chỉ đưa ra những mặt trái của sự thụ động trong công việc, quyết định có tiếp tục là một nhân viên thụ động hay không hoàn toàn nằm ở bạn.

Trang Đoàn

Sao chép thành công