Mục Lục
Account Executive là vị trí đóng góp phần lớn vào doanh thu và sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các agency hay công ty truyền thông. Những năm trở lại đây, Account Executive không còn là một khái niệm mới mẻ mà luôn nằm trong top những công việc phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Vậy, Account Executive là gì? Tại sao áp lực là thế nhưng vẫn rất nhiều bạn trẻ theo đuổi? Hãy theo dõi bài viết sau đây để tìm được đáp án nhé!
Account Executive là gì?
Account Executive là một vị trí việc làm thuộc nhóm Account trong các agency (công ty quảng cáo). Họ chính là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, là người chịu trách nhiệm chính trong việc giao tiếp với khách hàng: liên hệ, nhận yêu cầu từ khách hàng, chuyển giao cho các bộ phận có trách nhiệm chuyên môn, tư vấn cho khách hàng, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng và giải quyết các vấn đề phát sinh để đảm bảo tiến độ của dự án.
“Thông qua cầu nối Account Executive, Agency có thể nắm bắt được những yêu cầu, mong muốn của khách hàng, từ đó đưa ra những chiến lược bài bản, phù hợp và hiệu quả nhất nhằm hỗ trợ khách hàng chinh phục những mục tiêu đã đề ra.”
Nhiệm vụ của Account Executive là gì
– Tìm kiếm khách hàng có nhu cầu sử dụng những dịch vụ mà công ty cung cấp;
– Liên hệ, trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của khách hàng; lên ý tưởng, chuẩn bị proposal để thuyết trình với khách hàng; dự trù kinh phí, tư vấn chiến lược marketing phù hợp, sáng tạo và trực tiếp tham gia vào quá trình điều phối dự án;
– Tham gia vào quá trình đàm phán và tiến hành ký hợp đồng sau khi khách hàng đồng ý sử dụng dịch vụ;
– Làm việc với các bộ phận liên quan, theo dõi tiến độ các đầu mục công việc, theo sát quá trình thực hiện dự án nhằm đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu và kế hoạch đã đề ra
– Lập báo cáo tổng kết dự án cho khách hàng, tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng và hỗ trợ kế toán thu hồi công nợ sau khi dự án kết thúc;
– Thực hiện các hoạt động chăm sóc khách hàng để họ trở thành những khách hàng trung thành, tiếp tục sử dụng dịch vụ của công ty khi có nhu cầu;
– Kịp thời giải đáp thắc mắc và xử lý những vấn đề phát sinh cho khách hàng;
– Báo cáo kết quả công việc với cấp trên.
Xem Thêm: Việc Làm Account Executive tại Careerlink
Cấp trên của Account Executive là những ai?
– Account Manager: chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động của bộ phận Account và là mắt xích quan trọng trong vấn đề chăm sóc khách hàng với 2 nhiệm vụ chính: Giữ chân khách hàng và giúp doanh nghiệp của khách hàng đạt được những mục tiêu đề ra. Sau khi làm việc từ 2-3 năm thì Account Executive có thể trở thành Account Manager (tùy theo năng lực).
– Account Director: là cấp quản lý cao nhất của bộ phận Account, đòi hỏi đầy đủ kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và khả năng chịu áp lực cực cao để nắm giữ vai trò quản lý cấp cao. Nhiệm vụ của Account Director là xây dựng mối quan hệ với các đối tác lớn của công ty, định hướng về chiến lược cho cả Team và cho khách hàng, giải quyết các sự cố xảy ra (ở mức độ nghiêm trọng), quản lý, bao quát công việc của các cấp thấp hơn là Account Manager và Account Executive.
Tố chất cần có của một Account Executive chuyên nghiệp
Kiến thức chuyên môn
Account Executive phải là người có kiến thức chuyên môn nhất định về marketing mới có thể tư vấn cho khách hàng những giải pháp tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và thuyết phục họ tin tưởng, sử dụng dịch vụ của công ty.
Khéo léo trong giao tiếp và ứng xử
Account Executive là gì? Nói đơn giản thì họ là người chịu trách nhiệm kết nối giữa Client và Agency. Vì lẽ đó, khả năng giao tiếp tốt, ứng xử khéo léo gần như là một kỹ năng bắt buộc đối với Account Executive. Thử nghĩ mà xem, nếu không biết cách giao tiếp họ làm cách nào để làm việc với những đồng nghiệp, đối tác có cương vị và tuổi tác khác nhau?
Có thể khẳng định rằng kỹ năng giao tiếp tốt không chỉ giúp bạn truyền tải thông điệp đến khách hàng một cách hiệu quả mà còn giúp các mối quan hệ trong công việc trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn.
Tư duy sáng tạo
Các ngành nghề xoay quanh quảng cáo, marketing, truyền thông luôn cần những bộ não giàu ý tưởng và không ngừng đổi mới, không ngừng sáng tạo để nắm bắt xu hướng thị trường, tìm hiểu và nghiên cứu thị hiếu của khách hàng, từ đó đề xuất những ý tưởng phù hợp giúp khách hàng đạt được mục tiêu đề ra. Hẳn nhiên, Account Executive không phải ngoại lệ.
Kỹ năng lập kế hoạch và hoạch định tài chính
Để trở thành một Account Executive giỏi bạn cần biết cách kiểm soát ngân sách của toàn bộ dự án, quản lý và cân bằng thu – chi cho các hoạt động trong suốt quá trình diễn ra dự án. Nếu thiếu đi khả năng hoạch định tài chính bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đem lại lợi nhuận lớn hơn cho công ty mà vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, Account Executive cũng là người lên kế hoạch chính cho mỗi chiến dịch, theo dõi tiến độ công việc, nghiên cứu và đo lường các chỉ số hiệu quả, từ đó kịp thời đưa ra những giải pháp để cải thiện tình hình và trực tiếp thực hiện các báo cho cấp trên. Chính vì vậy, kỹ năng lập kế hoạch cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với Account Executive.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai dự án (từ đơn giản đến phức tạp) là điều không thể tránh khỏi và Account Executive là người đầu tiên phải đứng ra giải quyết các vấn đề đó để đảm bảo công việc hoàn thành một cách suôn sẻ.
Cẩn thận, tỉ mỉ
Là người theo sát và chịu trách nhiệm quản lý dự án, Account Executive cần phải theo sát toàn bộ tiến trình thực hiện công việc. Vì lẽ đó, họ phải luôn luôn tỉnh táo, cẩn thận và tỉ mỉ trong mọi chi tiết để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh.
Kỹ năng đa nhiệm (Multi-tasking)
Kỹ năng đa nhiệm sẽ giúp Account Executive có thể làm việc hiệu quả dù phải đồng thời phụ trách nhiều khách hàng khác nhau và nhiều dự án khác nhau cùng một lúc.
Mức lương trung bình của Account Executive
Lương trung bình của Account Executive nằm trong khoảng 8- 15 triệu đồng/tháng, kèm theo đó là mức lương theo doanh số.
Qua bài viết trên đây tin rằng bạn đã hiểu rõ Account Executive là gì và họ đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển tổng thể của doanh nghiệp. Đây có thể xem là một nghề rất có tương lai dành cho các bạn trẻ năng động, có tinh thần cầu tiến cùng tính cách hướng ngoại. Nếu bạn có đầy đủ những tố chất mà kỹ năng kể trên, hãy mạnh dạn tìm kiếm một cơ hội và thử sức với công việc này nhé!
Trang Đoàn