Mục Lục
Giám sát bán hàng là gì? Giám sát bán hàng là một trong những ngành nghề đang được nhiều ứng viên ưa thích và có nhu cầu tuyển dụng rộng mở nhất hiện nay. Tuy nhiên, vì đây là một vị trí còn khá mới mẻ nên không phải ai cũng biết rõ công việc này thực chất là gì, cơ hội phát triển ra sao?
Vậy nếu bạn đang muốn tìm hiểu thêm về giám sát bán hàng, hãy đọc bài viết sau để được giải đáp mọi thắc mắc nhé!
Giám sát bán hàng là gì?
“Giám sát bán hàng, hay sales supervisor, là những người giám sát và quản lý hoạt động kinh doanh tại khu vực được giao.”
Họ cũng là người trực tiếp đề xuất và tham gia vào các kế hoạch bán hàng, giúp nhân viên kinh doanh đạt được chỉ tiêu. Nhiệm vụ chính của các sale supervisor là đẩy mạnh, phát huy những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận.
Nhiệm vụ cụ thể của Giám sát bán hàng là gì?
Tùy vào từng doanh nghiệp khác nhau, Giám sát bán hàng có thể đảm nhiệm một số nhiệm vụ không giống nhau. Tuy nhiên thông thường, họ sẽ thực hiện những công việc như sau:
Lập kế hoạch kinh doanh
Một trong những công việc của Sale Supervisor chính là hoạch định kế hoạch kinh doanh chiến lược phù hợp với sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp. Dựa vào nhu cầu của khách hàng, giám sát bán hàng sẽ có chiến lược bán hàng phù hợp cho từng giai đoạn khác nhau.
Quản lý đội ngũ nhân viên bán hàng
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của giám sát bán hàng là chỉ đạo và giám sát các nhân viên kinh doanh, tham gia vào các hoạt động huấn luyện, cố vấn, tuyển dụng, đào tạo và kỷ luật nhân viên. Các sale supervisor cũng có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn nhân viên cách xử lý các công việc bán hàng khó khăn hoặc phức tạp.
Xem thêm: Tuyển Dụng, Việc Làm Giám Sát Bán Hàng Tại Careerlink
Đảm bảo doanh số cho doanh nghiệp
Giám sát bán hàng thường là người chịu trách nhiệm về chỉ tiêu doanh số do doanh nghiệp đề ra. Hàng ngày các giám sát bán hàng cần đốc thúc nhân viên kinh doanh, tích cực hoạt động để đạt mục tiêu doanh số hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm. Các giám sát bán hàng phải có trách nhiệm lập kế hoặch nhằm tăng hiệu suất, tiết kiệm chi phí; đồng thời tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong quy trình bán hàng.
Khi nhóm bán hàng không đạt được mục tiêu bán hàng của họ, người giám sát bán hàng sẽ thực hiện các chiến lược thích hợp để cải thiện doanh số bán hàng. Ví dụ, họ có thể điều phối việc đào tạo nhân viên bán hàng để nâng cao năng lực của họ.
Xây dựng, phát triển mối quan hệ với khách hàng
Các giám sát bán hàng còn có nhiệm vụ rất quan trọng là thiết lập, quản lý và giữ mối quan hệ với khách hàng. Họ phải đảm bảo rằng khách hàng nhận được dịch vụ thỏa đáng và hàng hóa chất lượng. Họ cũng trả lời các câu hỏi của khách hàng, giải quyết các khiếu nại; đảm bảo công bằng cho mọi khách hàng về độ bao phủ thông tin các chương trình khuyến mãi, giá cả, phân phối sản phẩm…
Giải quyết nhanh chóng các khiếu nại của khách hàng là chìa khóa để nâng cao lòng trung thành của khách hàng. Như vậy, Giám sát bán hàng có nhiệm vụ giải quyết các khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ. Ví dụ, khi một khách hàng mua sản phẩm tại một cửa hàng trực tuyến và nhận sai hàng, Giám sát bán hàng của cửa hàng sẽ giải quyết vấn đề ngay sau khi nhận được khiếu nại. Ngoài việc đảm bảo đúng hàng được gửi đến khách hàng, họ có thể đưa ra lời xin lỗi và nêu rõ các biện pháp doanh nghiệp đang thực hiện để tránh xảy ra sự cố tương tự.
Quản lý kho hàng, cung ứng sản phẩm
Giám sát bán hàng có trách nhiệm theo dõi, quản lý kho, đảm bảo nguồn hàng luôn đầy đủ, kịp thời, tránh tình trạng “cháy hàng”. Nhiệm vụ của họ là bổ sung kịp thời các mặt hàng bán chạy hoặc thúc đẩy bán các mặt hàng còn tồn đọng. Họ cũng phải đảm bảo quá trình giao hàng kịp thời và suôn sẻ.
Ngoài các nhiệm vụ trên, giám sát bán hàng đôi khi còn phải đảm nhiệm các công việc hành chính hoặc tham dự các cuộc họp với các nhà quản lý cấp cao, báo cáo và trình bày các kế hoạch bán hàng của đội ngũ kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, các chính sách và quyết định quan trọng được đưa ra bởi cấp trên. Sau đó, nhiệm vụ của người giám sát là đảm bảo rằng những điều đó được thực hiện hiệu quả bởi đội ngũ bán hàng.
Tạo báo cáo bán hàng
Các nhà quản lý bán hàng và chủ doanh nghiệp sử dụng các báo cáo bán hàng để đánh giá hiệu suất của các sản phẩm khác nhau và đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn. Giám sát bán hàng chịu trách nhiệm lập các báo cáo này. Họ sử dụng kỹ năng viết báo cáo của mình để diễn giải dữ liệu bằng nhiều thông số khác nhau, từ doanh số bán sản phẩm ở các thị trường khác nhau đến hiệu suất của các nhân viên bán hàng và khiếu nại của khách hàng. Nếu cần thiết, Giám sát bán hàng có thể tổ chức các buổi thuyết trình để thông báo cho người quản lý về các chi tiết trong báo cáo của họ.
Điều kiện để trở thnh Giám sát bán hàng
Với những nhiệm vụ quan trọng như trên thì yêu cầu để trở thành Giám sát bán hàng là gì?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành kinh doanh, dịch vụ, cơ hội việc làm cho vị trí giám sát bán hàng hiện đang rộng mở. Tùy vào yêu cầu của từng doanh nghiệp, Giám sát bán hàng có thể không cần các bằng cấp mà chỉ cần có khả năng và kỹ năng cần thiết.
Có kinh nghiệm
Mặc dù một số doanh nghiệp không yêu cầu cao về trình độ của vị trí Giám sát bán hàng, nhưng lại có yêu cầu cao về kinh nghiệm. Hầu hết các Giám sát bán hàng đều có kinh nghiệm bán lẻ hoặc kinh nghiệm làm nhân viên dịch vụ khách hàng. Ở những vị trí này, họ học được cách bán hàng, chăm sóc khách hàng cũng như nắm rõ các chính sách và thủ tục cơ bản của công ty. Các nhà tuyển dụng thường yêu cầu các Giám sát bán hàng phải có kinh nghiệm làm việc ở những vị trí liên quan đến kinh doanh, trong 2 hoặc 3 năm.
Hiểu về thị trường, đối thủ cạnh tranh
Giám sát bán hàng phải là người có am hiểu tốt về thị trường cũng như đối thủ cạnh tranh để có thể đánh giá đúng về tình hình thực tế, các vấn đề trong kinh doanh đồng thời đưa ra các chiến lược, phương án nhằm cải thiện và nâng cao doanh số cho doanh nghiệp.
Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là việc truyền đạt thông tin, nhưng hơn thế nữa, đó là cách để bạn gây thiện cảm với người khác. Vì thường xuyên phải tiếp xúc, làm việc với ban quản lý, nhà cung ứng, nhân viên kinh doanh và khách hàng, nên Giám sát bán hàng rất cần sở hữu kỹ năng này. Giao tiếp tốt sẽ giúp bạn thuyết phục đối tác và cộng tác với nhóm của mình để đạt được các mục tiêu bán hàng.
Có kỹ năng giải quyết vấn đề
Thị trường thường xảy ra nhiều biến động khó lường nên Giám sát bán hàng phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt và có chiến lược ứng phó hiệu quả. Ngoài ra, trong quá trình bán hàng, nhiều thách thức và tình huống khác nhau sẽ xảy ra, người giám sát phải tìm ra giải pháp để đưa bản thân và đội ngũ của mình vượt qua. Chẳng hạn, gặp trường hợp khách hàng không hài lòng khi mua sản phẩm, bạn phải có cách giải quyết thỏa đáng để vừa giữ được uy tín với khách hàng, vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
Kỹ năng lãnh đạo
Một trong những nhiệm vụ của Giám sát bán hàng là quản lý đội ngũ nhân viên kinh doanh. Do đó, bạn cần có kỹ năng lãnh đạo để hỗ trợ, thúc đẩy nhóm của mình và khuyến khích họ đạt được mục tiêu. Với kỹ năng lãnh đạo, bạn có thể giúp nhân viên phát triển kỹ năng bán hàng, tăng hiệu suất làm việc. Bạn cũng có thể truyền động lực, tạo cảm hứng để đội ngũ nhân viên thêm tin tưởng vào các chiến dịch mà công ty đề ra và tích cực thực hiện.
Kỹ năng làm việc nhóm
Giám sát bán hàng hoạt động trong nhiều môi trường khác nhau, bao gồm các cửa hàng bán lẻ, cơ sở bán buôn và các ngành sản xuất và dịch vụ; đồng thời thường xuyên gặp gỡ khách hàng hoặc tham dự các hội nghị bán hàng. Bạn cần trau dồi kỹ năng nhóm để có thể kết nối và hỗ trợ mọi người. Tinh thần làm việc theo nhóm có thể giúp bạn và đồng nghiệp làm việc cùng nhau để đạt được các mục tiêu bán hàng và cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất. Tinh thần đồng đội cũng có thể giúp bạn và các thành viên trong nhóm của bạn cùng phát triển các chiến lược kinh doanh cũng như vượt qua các thử thách.
Triển vọng thăng tiến của Giám sát bán hàng
Giám sát bán hàng thường bắt đầu với tư cách là nhân viên bán hàng và được thăng chức lên vị trí giám sát dựa trên kết quả hoạt động của họ.
Giám sát bán hàng có thể được thăng chức lên vị trí giám đốc bán hàng, trong đó họ giám sát một nhóm bán hàng lớn hơn hoặc nhiều nhóm bán hàng. Trong một số trường hợp, họ có thể được thăng chức lên các vị trí tổng giám đốc, theo đó họ giám sát tất cả các hoạt động bán hàng của công ty.
Giám sát bán hàng hiện nay là vị trí rất được săn đón và có mức lương hấp dẫn, dao động từ 10 triệu đến khoảng 30 triệu đồng/tháng. Nếu bạn có định hướng trở thành Giám sát bán hàng hoặc các vị trí cao hơn, hãy truy cập CareerLink.vn để tìm các công việc giúp bạn hiện thực hóa mục tiêu đó.
Trên đây là giải thích Giám sát bán hàng là gì cùng các kỹ năng cần thiết, hi vọng bạn đã có được thông tin hữu ích về ngành nghề này.
Kiều Giang