10 điều cần thiết để phát triển kỹ năng đàm phán

Các mô tả công việc thường liệt kê kỹ năng đàm phán như một tài sản mà các nhà tuyển dụng mong muốn ở một ứng viên. Nhưng khả năng đàm phán đòi hỏi sự kết hợp của nhiều khía cạnh trong giao tiếp và truyền thông. Những kỹ năng này cần được sử dụng với nhau để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Một buổi đàm phán xảy ra khi hai bên hoặc một nhóm cá nhân không đồng ý về các giải pháp cho một vấn đề/mục tiêu cho một dự án/hợp đồng nào đó. Do vậy, để đàm phán thành công đòi hỏi hai bên phải đến với nhau và đưa ra một thỏa thuận mà cả hai bên đều chấp thuận.

Với những yêu cầu chung như vậy, đàm phán thành công đòi bạn phải có kỹ năng và thời gian rèn luyện. Vậy bạn cần phải làm gì để phát triển kỹ năng đàm phán? Hôm nay CareerLink.vn sẽ giới thiệu cho bạn 10 điều cần thiết để phát triển kỹ năng này.

Phân tích vấn đề


Để đàm phán hiệu quả bạn cần phân tích vấn đề để xác định quyền lợi của mỗi bên trong quá trình đàm phán. Việc phân tích vấn đề chi tiết giúp bạn xác định các vấn đề hiện có, vấn đề của các bên liên quan và các mục tiêu mong muốn cuối cùng. Ví dụ, trong một thỏa thuận về hợp đồng lao động, vấn đề thường được thương lượng là tiền lương hoặc trợ cấp. Khi đó, bạn nên xác định vấn đề mong muốn ở cả hai bên để có thể tìm ra một mức lương phù hợp đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.

Có sự chuẩn bị kỹ càng


Quá trình chuẩn bị bao gồm việc xác định mục tiêu, các khu vực có thể thương thảo và những phương án thay thế. Thêm vào đó, những người tham gia buổi đàm phán cần quan tâm về mối quan hệ giữa hai bên và xem lại những thảo luận trước đó để tìm những điểm có thể thảo luận thêm và có được mục tiêu hướng tới lần này. Những nội dung đã thống nhất trước đó sẽ là nền tảng để quá trình này diễn ra tốt đẹp.

Tích cực lắng nghe


Thành công lớn trong các buổi đàm phán đến từ quá trình lắng nghe nhau của các bên tham gia. Điều này thực sự quan trọng vì nó giúp tìm ra giải pháp có lợi cho đôi bên trong cuộc họp. Thay vì tốn thời gian để giải thích, thể hiện quan điểm của mình, các nhà đàm phán sẽ dành nhiều thời gian lắng nghe các bên khác.

Kiểm soát cảm xúc


Người có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình sẽ chiếm ưu thế trong quá trình đàm phán. Các vấn đề gây tranh cãi trong quá trình họp có thể làm bạn cảm thấy bực bội, nhưng hãy luôn nhớ rằng việc thể hiện cảm xúc cá nhân lúc đó có thể dẫn đến kết quả không như mong muốn.

Ví dụ, đàm phán để tăng lương; nếu không đạt được mức lương như ý, việc bạn thể hiện sự thất vọng lúc này có thể gây ấn tượng không tốt với quản lý của bạn. Kỹ năng đàm phán rất quan trọng trong quá trình phấn đấu vì sự nghiệp cá nhân. Bạn nên có sự chuẩn bị kỹ càng về tâm lý khi đứng trước những lần đàm phán quan trọng như vậy.

Giao tiếp hiệu quả


Quá trình đàm phán muốn suôn sẻ thì người đàm phản phải có khả năng giao tiếp rõ ràng và hiệu quả. Sự hiểu lầm có thể xảy ra nếu bạn không thể hiện chính xác những gì bạn mong muốn. Trong một cuộc thương lượng, một nhà thương thuyết hiệu quả cần truyền tải chính xác kết quả mong muốn và bảo vệ được lập trường của mình.

Thể hiện sự hợp tác và tinh thần đồng đội


Đàm phán không nhất thiết phải là cuộc trao đổi giữa một đối tác bên ngoài mà cũng có thể diễn ra giữa các cá nhân trong cùng một bộ phận, một tổ chức. Để thành công, bạn cần có thể hiện sự hợp tác, làm việc cùng nhau như một đội và nuôi dưỡng một bầu không khí tích cực trong quá trình đàm phán. Đàm phán tốt phải dựa trên hai mặt của vấn đề để cùng nhau tìm ra những giải pháp có lợi cho cả hai bên.

Giải quyết vấn đề triệt để


Những người giải quyết vấn đề tốt, hoặc tìm thấy những giải pháp có lợi cho đôi bên thường sẽ là những người có kỹ năng đàm phán hiệu quả. Thay vì chỉ tập trung nghĩ cho mục tiêu cuối cùng của cá nhân mình, người hiểu vấn đề sẽ cố gắng giải quyết vấn đề một cách đúng hướng, tìm được hướng đi cả hai bên đều đồng thuận và có một buổi thương lượng thành công.

Có khả năng ra quyết định


Các nhà lãnh đạo là những người thường xuyên tham gia vào những cuộc đàm phán, do đó đòi hỏi họ phải có những hành động và những quyết định dứt khoát trong quá trình này. Đây là điều cần thiết để có được những thỏa hiệp nhanh chóng, đặc biệt quan trọng trong việc chấm dứt bế tắc trong những thời điểm quan trọng.

Duy trì bầu không khí tích cực


Duy trì những mối quan hệ công việc tốt với những người tham gia vào quá trình đàm phán là một việc làm thông minh và mang lại hiệu quả cao. Với sự kiên nhẫn và khả năng thuyết phục người khác, các nhà đàm phán giỏi giúp duy trì một bầu không khí tích cực. Điều này được phát huy rõ nhất là trong những cuộc đàm phán khó khăn. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy việc duy trì một bâu không khí tích cực là điều vô cùng quan trọng.

Đáng tin cậy


Các tiêu chuẩn đạo đức là điều cần có ở một nhà thương thuyết hiệu quả để tạo dựng một môi trường đáng tin cậy trong buổi đàm phán. Phải có sự tin tưởng lẫn nhau thì hai bên mới có thể có được những thỏa thuận quan trọng và đảm bảo những điều đã được thống nhất đồng thời được thực hiện. Một nhà đàm phán đáng tin sẽ thực hiện lời hứa của mình sau khi kết thúc đàm phán.


Trên đây là những điều CareerLink.vn muốn gửi tới các bạn để phát triển kỹ năng đàm phán của bản thân mình. Chúc các bạn thành công.

Thu Hiền

Sao chép thành công