Mục Lục
Khi thị trường việc làm ngày càng phát triển, rất nhiều nhân viên đang có thói quen nhảy việc liên tục. Điều này là tốt hay xấu?
Em đi làm được gần 5 năm và đã trải qua 3 vị trí trong thời gian đó. Công việc đầu tiên kéo dài khoảng 5 tháng, công việc tiếp theo là hai năm rưỡi và công việc hiện tại được gần 1 năm rưỡi. Gần đây, em bắt đầu cảm thấy chán việc, một phần là do khối lượng công việc không nhiều bởi ảnh hưởng của thị trường đi xuống, phần khác là do môi trường làm việc tẻ nhạt. Đồng nghiệp hầu hết lớn tuổi hơn em khá nhiều nên quan điểm sống cũng như phong cách làm việc cũng lệch pha không ít.\
Công ty trước đây của em thì có rất nhiều người trạc tuổi, thường xuyên ăn uống cùng nhau rất vui vẻ, môi trường làm việc cũng sôi nổi trong khi mọi người ở đây rất tốt bụng và đáng yêu nhưng họ ít cười ít nói, không khí văn phòng lạnh tanh đến đáng sợ. Em cũng suy nghĩ về mục tiêu phát triển dài hạn của mình và thấy rằng việc ở lại vị trí hiện tại có thể không giúp em đạt được những gì mong đợi. Em nghĩ rằng mình cần tìm một công việc mới.
Tuy nhiên, em lại nghe mọi người bảo rằng nhảy việc liên tục trong thời gian ngắn là không tốt, CV chắc chắn sẽ bị loại sớm và khuyên em nên ở lại một thời gian nữa. Điều này có đúng không? Liệu nhảy việc có phải là một cái tội?
Câu hỏi mà bạn Yến Như, nhân viên Marketing đặt ra trên đây cũng có thể là thắc mắc của rất nhiều bạn trẻ, nhất là những bạn đang có ý định nhảy việc. Nói về vấn đề này, chị Thùy Nguyễn, Giám đốc Nhân sự đã có những chia sẻ rất hữu ích.
Sức hút không thể chối cãi khiến nhiều người nhảy việc liên tục
Theo chị Thùy, nhảy việc là xu hướng đang tăng lên theo cấp số nhân trên thị trường lao động hiện nay và đề cập đến những người thay đổi công việc quá thường xuyên. Mặc dù mọi người vẫn thôi việc và không ngừng tìm kiếm cơ hội mới nhưng những người nhảy việc làm điều đó với tần suất dày đặc, thường 1-2 năm một lần theo ý muốn của bản thân hơn là vì lý do khách quan như cắt giảm nhân sự hoặc công ty ngừng kinh doanh.
“Mình không bất ngờ lắm khi nhiều người ở độ tuổi 25 đã làm việc cho 3 hoặc 4 công ty khác nhau. Từ quan điểm của họ, nhảy việc được coi là cơ hội để có mức lương tốt hơn. Thay vì chờ đợi được thăng chức, tăng lương ở một công ty thì nhảy việc là con đường ngắn nhất để nhiều người nhận được mức lương cao hơn cùng những chế độ phúc lợi xịn sò hơn. Theo khảo sát, nếu nhân viên gắn bó với một ví trí trong thời gian dài, thường mức trung bình tăng lương sẽ là 4% thì khi nhảy việc con số đó có thể là 5,3%”, chị Thùy chia sẻ.
“Nhưng tiền không phải là lý do duy nhất. Nhảy việc còn mang đến cơ hội cải thiện kỹ năng, mở rộng các mối quan hệ, thậm chí có cơ hội đổi đời. Có thể nhiều người cảm thấy mệt mỏi với công việc hiện tại và nhảy việc có thể là cách reset cho cả sự nghiệp và cuộc sống của họ. Rõ ràng là có quá nhiều lí do hấp dẫn để mọi người nhảy việc liên tục khi cảm thấy có cơ hội tốt hơn”, chị Thùy nhận xét.
Nhảy việc luôn đi kèm với rủi ro
Tuy nhiên, trên đời này không có điều gì hoàn toàn tốt, nhảy việc có nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm với không ít rủi ro. Chị Thùy giải thích: “Nhảy việc quá thường xuyên và thời gian gắn bó với một công ty quá ngắn sẽ dễ dàng khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng khi ứng tuyển một công việc mới. Nhảy việc quá nhanh cho thấy khá nhiều tín hiệu tiêu cực. Thứ nhất, bạn thiếu trách nhiệm. Thứ hai, bạn thiếu sự kiên trì. Hiện thực đó khiến nhà tuyển dụng e ngại rằng nếu một ngày mọi thứ trở nên khó khăn, bạn sẽ lập tức rời đi. Vậy thì công sức tuyển dụng, đào tạo, hướng dẫn coi như đổ sông đổ biển.
Đã có lúc nhà tuyển dụng thẳng tay loại bỏ những ứng viên có lịch sử nhảy việc hoành tráng. Nhưng ngày nay, họ đã trở nên cởi mở hơn, đồng cảm hơn với những lý do đằng sau việc nhảy việc, họ sẽ cho bạn cơ hội giải thích vì sao bạn muốn rời đi nhanh như thế.
Tuy vậy, việc tuyển dụng nhân viên mới rất tốn kém và nhà tuyển dụng muốn tự tin rằng họ sẽ nhận được giá trị xứng đáng với những gì bỏ ra. Do đó, những ứng viên nhảy việc vẫn phải đối mặt với một trận chiến khó khăn để giành được sự tin tưởng của những nhà tuyển dụng tiềm năng đang cảnh giác. Nói cách khác, để có công việc mới, bạn cần một lý do thiết thực giải thích cho lí do nhảy việc và câu trả lời thuyết phục cho thắc mắc: Điều gì sẽ giữ chân bạn trong nhiều năm tới?”, chị Thùy Nguyễn đưa ra lời khuyên.
“Vì một số nhà tuyển dụng có cái nhìn tiêu cực về những người nhảy việc liên tục, nên hãy chuẩn bị một số lý do hợp lý và giải thích kinh nghiệm đa dạng của bạn sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp.”
Nhảy việc có phải là một cái tội?
“Mình tin rằng nhảy việc không phải mục tiêu mà bất cứ người lao động nào hướng đến và cũng chẳng có ai nhân chi sơ, tính thích nhảy việc. Nếu không có lý do, sẽ chẳng có ai thay việc như thay áo. Thế nên nhảy việc không sai, càng không phải là một cái tội. Ở các ngành như công nghệ, nhảy việc được xem là dấu hiệu của kinh nghiệm đa dạng, thay vì không đáng tin cậy. Nói như vậy không có nghĩa là mình khuyến khích nhảy việc liên tục và thường xuyên. Dù nhảy việc có thể mang lại những trải nghiệm mới thú vị nhưng bạn nên tiếp cận quá trình này một cách thận trọng và chu đáo.
Khi xem xét thay đổi nghề nghiệp, hãy chắc chắn rằng bạn có lý do thuyết phục và dành thời gian để xác định xem liệu công việc tiếp theo có phù hợp với lối sống và mục tiêu nghề nghiệp của bạn hay không. Một người chỉ nên tìm kiếm công việc mới nếu sự phát triển, học hỏi và tiền lương của vị trí hiện tại đã bắt đầu giảm dần, cơ hội việc làm mới đáp ứng tất cả nhu cầu của bạn và chứng minh được rằng thay đổi công việc là cách hiệu quả để phát triển. Hành động cân bằng này sẽ đảm bảo rằng nhảy việc liên tục không trở thành kẻ giết chết sự nghiệp của bạn về lâu dài”, chị Thùy Nguyễn kết luận.
Trang Đoàn