Hãy luôn có câu chuyện để kể khi làm PR

Bạn đã bao giờ thắc mắc khi một doanh nghiệp đứng trước cơn khủng hoảng truyền thông thì bộ phận nào sẽ là là tiếng nói xoa dịu dư luận? Hay điều gì ở công việc PR nói riêng và truyền thông nói chung lại trở thành lựa chọn hấp dẫn nhiều bạn trẻ?

Trò chuyện cùng chị Duyên Trần (27 tuổi), một chuyên viên PR của Loship, CareerLink dễ dàng cảm nhận được sự nhiệt huyết với nghề trong cách chị kể về công việc của mình. Càng trò chuyện với chị, các định kiến, suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về công việc PR dần dần bị “đánh đổ”. Và hoá ra, công việc của một người làm truyền thông tuy áp lực nhưng luôn ngập tràn điều thú vị, mới mẻ mỗi ngày.

“Mình mong muốn được tái định nghĩa PR”

Vốn xuất phát từ ngành quản trị khách sạn tại Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), công việc này đến với chị Duyên Trần như một cơ duyên tình cờ. Chị chia sẻ: “Tôi chưa từng nghĩ sẽ làm truyền thông vì khi đó định hướng tôi chưa rõ ràng. Sau một thời gian làm việc ở các lĩnh vực nhân sự, tôi quyết định chuyển hướng sang tổ chức sự kiện”. Có lẽ chính chị Duyên cũng không ngờ rằng, bước chuyển mình đó đã thay đổi con đường sự nghiệp của chị mãi. Nhờ đó, chị Duyên như “cá gặp nước”, được vẫy vùng thỏa sức sáng tạo trong lĩnh vực truyền thông.

Khó có thể tin, một cô gái trẻ tuổi và là một “tay ngang” trong nghề, ấy vậy mà sau 4 năm, cô gái ấy đã “cân” qua vị trí PR tại nhiều môi trường. Công nghệ có, nhân sự có, tổ chức sự kiện có, và hiện tại, Loship chính là điểm dừng chân của chị. Như viên ngọc thô được cọ xát, mài giũa và trở nên đa diện, chị Duyên tâm niệm rằng: “Nghề PR là nghề vừa đi, vừa học, dù tôi không là một người học bài bản ngay từ đầu nhưng những gì nghề dạy cho tôi thật sự rất quý giá. Đặc biệt là khi công nghệ, truyền thông, xu hướng luôn thay đổi thế nên tôi phải chủ động tự học và học mỗi ngày. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy biết ơn công ty đầu tiên rất nhiều. Bởi ở đó, tôi đã được học từng thứ cơ bản, sơ khai về PR, tôi được phép sai và được học hỏi từ những cái sai ấy”.

Có lẽ nhờ vậy mà điều khiến chị Duyên nổi bật hơn hẳn đó là bề dày kinh nghiệm thực chiến ở nhiều môi trường. Nhờ đó mà khi chuyển qua môi trường startup mới lạ, chị cảm thấy tự tin và trưởng thành hơn rất nhiều. Làm PR, “nghề dạy tôi nhiều hơn là những thứ trên sách vở”, chị Duyên kể lại những ngày đầu đến với PR với niềm trân trọng.

“Nghề dạy tôi nhiều hơn là những thứ trên sách vở”

Sau nhiều năm chinh chiến, “lăn lộn” với nghề, nghe không ít định kiến về công việc mà chị đam mê, chị Duyên tâm sự rằng nếu được viết lại định nghĩa về nghề PR, chị sẽ tự tin mà nói rằng: “PR không phải chỉ là quảng cáo. Tôi không muốn mọi người nghĩ về nghề PR như là những người trả tiền ra để mua báo hay để được người khác tâng bốc lên. Với tôi, một nội dung có giá trị phải là một nội dung Đáng – Đủ – Đúng giúp người đọc có thêm thông tin, thông tin phải chính xác và xác đáng. Tôi không muốn mọi người nhìn vào công việc này với cái nhìn tiêu cực và mặc định rằng PR là những bài báo khoác lác”.

“Sự thật rằng, trên thế giới có rất nhiều chiến dịch PR tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng và xã hội”, chị nói. Một trong số đó chính là Gojek Indonesia với chiến dịch 3 không, chị nói thêm: “Họ tuyên bố rằng sẽ hướng tới một thành phố 3 không, không khí thải độc hại, không rác thải, không rào cản. Và cam kết sẽ thực hiện các nhiệm vụ cho xã hội”. Nhờ vậy mà công việc của một chuyên viên PR đã trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều khi họ được đồng hành trên hành trình thay đổi nhận thức cộng đồng.

“Điều nản nhất là khi không còn câu chuyện để kể”

Công việc của một chuyên viên PR không chỉ đơn thuần là liên hệ các cơ quan báo đài mà còn là xây dựng hình ảnh thương hiệu, đưa câu chuyện của doanh nghiệp đến gần hơn với công chúng. Thoạt đầu nghe có vẻ dễ dàng song điều này cũng không ít lần “vắt kiệt” năng lượng của chị Duyên. Và là điều khiến chị cảm thấy nản lòng nhất trên hành trình làm nghề.

Với chị, những câu chuyện truyền cảm hứng chính là cây cầu nối kết hữu hiệu nhất giữa doanh nghiệp và khách hàng, chúng khiến cho doanh nghiệp hiện lên một cách rất “con người” và sinh động. Thế nhưng, không phải lúc nào các chuyên viên PR cũng tìm được một câu chuyện hay để “tỉ tê” với công chúng. Vì vậy mà hai từ “cảm hứng” hẳn là bài toán khó với không chỉ với vị trí PR mà còn cho cả các khối ngành sáng tạo nói chung.

Khi được hỏi rằng liệu có câu chuyện nào về công ty hiện tại mà chị luôn tâm đắc và sẵn sàng kể cùng công chúng không? Chị Duyên không ngần ngại trả lời: “Công ty tôi được thành lập bởi founder người Việt và đi lên từ con số 0 đúng nghĩa. Khoảng thời gian đầu, vì là một startup không người hướng dẫn, không người hỗ trợ nên khó khăn vô cùng. Thậm chí văn phòng khi đó còn ở nhà kho cơ. Nhân viên và CEO làm việc cùng nhau trong một không gian bé nhỏ. Thế mà sau nhiều thử thách, nhiều vòng gọi vốn căng thẳng, công ty cuối cùng đã dần dần ổn định. Có một văn phòng to hơn, mọi thứ cũng đã đi vào quỹ đạo. Hành trình đi từ nhà kho lên văn phòng của công ty tôi là một câu chuyện rất truyền cảm hứng mà tôi mong muốn được lan tỏa tới nhiều người. Đặc biệt là những bạn trẻ đang ấp ủ dự định khởi nghiệp”, chị tâm sự.

Đặc biệt hơn, chị Duyên là một trong những người đầu tiên đặt nền móng PR cho công ty hiện tại. Bởi trước kia, do những khó khăn của một startup non trẻ mà công ty đã ít quan tâm đến hình ảnh doanh nghiệp trước truyền thông. Nhưng cũng nhờ “đơn thương độc mã” ở vị trí này, chị đã có nhiều cơ hội hơn, đa nhiệm hơn để đảm trách nhiều vai trò, nhiều vị trí. Thế nên giá trị chị tạo ra cho tập thể càng cao. “Nhìn đứa con tinh thần của tôi lớn dần cảm giác như một người mẹ vậy”, chị hài hước chia sẻ.

Mỗi khi rơi vào tình thế “bí ý”, chị Duyên thường tham khảo các công ty thế giới đang hoạt động ra sao, có những chiến dịch truyền thông thế nào để học hỏi. Thế là chị lại vùi đầu vào đọc tất cả mọi thứ nhằm tìm kiếm câu chuyện mới. Song chính chị cũng đanh thép cho rằng: “Trong một lĩnh vực cần sự sáng tạo và am hiểu thị trường, công chúng như PR, tôi nên theo dõi đối thủ và các công ty cùng ngành, tại Việt Nam và trên thế giới đang làm gì nhưng tuyệt nhiên không đi theo họ. Bởi nếu đi theo, chúng ta rồi cũng chỉ mãi sau lưng họ mà thôi”.

Vậy mới thấy, con đường lan tỏa cái chất của doanh nghiệp cũng nhiều thử thách và là một bài toán hóc búa cho những người làm PR. Và một câu chuyện hay luôn là “vũ khí tối thượng” giúp doanh nghiệp nổi bật trên thị trường. “Kỹ năng storytelling càng ngày được đánh giá cao nếu bạn muốn theo đuổi lĩnh vực này”, chị nói.

Trong một lĩnh vực cần sự sáng tạo và am hiểu thị trường, công chúng như PR, tôi nên theo dõi đối thủ và các công ty cùng ngành, tại Việt Nam và trên thế giới đang làm gì nhưng tuyệt nhiên không đi theo họ. Bởi nếu đi theo, chúng ta rồi cũng chỉ mãi sau lưng họ mà thôi.

Làm PR, liệu sáng tạo đã đủ?

CareerLink đặt cho chị Duyên một câu hỏi vui rằng: “Nếu gặp một người hoàn toàn mới, chị sẽ làm thể hiện hình ảnh bản thân như thế nào để tạo được ấn tượng đầu tiên?”. Chị Duyên không ngần ngại trả lời rằng: “Mình luôn muốn người khác nhìn nhận tôi là người có học thức bởi ‘intelligence is sexy’. Vì vậy mà tôi sẽ cố gắng thể hiện sự hiểu biết của tôi cách giao tiếp, cách chia sẻ cũng như ngôn ngữ hình thể tự tin. Nhưng để có một nhận định rõ hơn thì tôi sẽ thể hiện qua tinh thần làm việc, cách dành thời gian cho cuộc sống… ‘Dục tốc bất đạt’, điều gì cũng cần thời gian để thuyết phục ai đó thích tôi mà đúng không?”.

PR cũng thế. Công việc này đòi hỏi sự nhẫn nại, đi từng bước nhỏ một nhằm tạo được ấn tượng tích cực với khách hàng, với truyền thông. Do vậy mà để theo đuổi lĩnh vực PR, chị Duyên cho rằng trước hết bạn cần hội tụ đủ 4 kỹ năng cơ bản cho một hành trình “dài hơi”: Nghe, nói, đọc, viết. Lắng nghe doanh nghiệp, lắng nghe điều mà công chúng đang băn khoăn, đang phẫn nộ, đang hài lòng, đang bàn tán điều gì. Giao tiếp, kỹ năng này rất quan trọng bởi khi một khủng hoảng xảy ra, đội ngũ PR phải chịu trách nhiệm chính trong việc đối thoại giữa công ty và truyền thông hay thậm chí là giữa nội bộ với nhau.

Rèn luyện cho mình kỹ năng đọc rất quan trọng, “chẳng hạn như khi tôi thiếu chất liệu để kể một câu chuyện nào đó, tôi sẽ chọn cách đọc. Đọc bất cứ thứ gì kể cả đối thủ, chính những kiến thức, mẩu chuyện tôi thu thập được trong quá trình đọc sách, truyện, tin tức… sẽ giúp tôi có thêm nguồn cảm hứng mới”, chị kể. Và cuối cùng là viết, đây là kỹ năng bạn buộc phải có khi muốn trở thành PR bởi “bạn phải viết rất nhiều từ thông cáo báo chí đến bài đăng mạng xã hội”.

Có lẽ mọi người thường nghĩ, là “người của công chúng” hẳn các nhân viên PR phải là những con người năng động, hoạt ngôn bậc nhất công ty. Nhưng chị Duyên tiết lộ rằng: “Thật ra, điểm chung của những người làm PR tôi quen đó là họ đều điềm tĩnh”. Sự điềm tĩnh ảnh hưởng lớn đến thành bại của một chiến dịch PR, chị giải thích: “Giả dụ như những ý tưởng, những chiến dịch của bạn rất hoành tráng và rất sáng tạo thế nhưng khi đó thị trường lại đang sôi nổi, bàn tán về một vấn đề khác. Vậy thì, bạn phải là người ‘bình tĩnh chờ thời’, như tôi nói bên trên, đó là ‘dục tốc bất đạt’ đó”, chị hài hước chia sẻ.

Và điều quan trọng nhất đó chính là đam mê. “Được trở thành một phần của hành trình thay đổi diện mạo công ty, tôi hạnh phúc khi xây dựng mọi thứ từ con số 0 cho tới ngày hôm nay. Chính sự đam mê cống hiến là thứ đã giữ chân tôi sau gần 2 năm tại vị trí này”, chị tâm sự. PR vốn là một lĩnh vực bạn không nhất thiết phải được đào tạo bài bản mới có thể làm được nhưng nó đòi hỏi bạn phải luôn giữ ngọn lửa đam mê. Chính đam mê sẽ là thứ giúp bạn bám trụ trước những sóng gió dư luận. Và chính đam mê là thứ sẽ kéo bạn đi xa hơn trong hành trình này.

Được trở thành một phần của hành trình thay đổi diện mạo công ty, tôi hạnh phúc khi xây dựng mọi thứ từ con số 0 cho tới ngày hôm nay

Câu chuyện của chị Duyên đã minh chứng cho chúng ta thấy, dù ở lĩnh vực nào, niềm hạnh phúc được cống hiến luôn là nguồn năng lượng bền bỉ tiếp thêm động lực cho ta vững bước. Bên cạnh đó, thông qua những chia sẻ của chị, ta nhận ra thế giới PR rộng lớn và đầy màu sắc hơn những gì ta nghĩ. Sự xoay chuyển hằng ngày của công nghệ, của truyền thông khiến cho công việc này luôn đổi mới hằng ngày. Nếu bạn là người thích giao tiếp, đam mê sáng tạo và có khả năng “gỡ rối” vậy tại sao không dành cho PR một cơ hội?

Cảm ơn chị Duyên Trần vì những chia sẻ thật thú vị.

Về Tác Giả

CareerLink
CHIA SẺ NGAY:

Sao chép thành công