Nghề tuyển dụng: Người thấu cảm và lắng nghe

Bạn đã từng bao giờ tự hỏi những nhà tuyển dụng sẽ nghĩ gì sau mỗi buổi phỏng vấn? Liệu công việc của một nhà tuyển dụng chỉ đơn thuần là tiếp xúc các ứng viên và sàng lọc hàng trăm bộ hồ sơ? Và phải chăng lĩnh vực công nghệ này không thể dành cho “tay ngang”? Vậy hãy cùng lắng nghe câu chuyện của chị Trần Thanh Trúc, một nhà tuyển dụng công nghệ đầy kinh nghiệm để thấy ngành nhân sự là một lĩnh vực đầy thú vị và luôn mang lại sự đổi mới.

Vốn theo học ngành kinh tế suốt 4 năm Đại học, cơ duyên đến với chị Thanh Trúc sau một lần thử sức trong khâu tuyển dụng. Chính nhờ cái thú vị trong câu chuyện mà mỗi ứng viên chị tiếp xúc, chị đã quyết định táo bạo đó là “đá chéo sân” sang một công việc hoàn toàn mới. Càng thử thách bản thân hơn khi đó lại là lĩnh vực công nghệ, một “tay ngang” như chị với vốn hiểu biết chuyên môn là con số 0 tròn trĩnh đã phải chật vật rất nhiều trong những ngày đầu ở vai trò mới. Thế nhưng, như “lửa thử vàng”, càng làm chị Thanh Trúc càng nhận ra “công việc này sao lại phù hợp với mình thế”.

Thế là từng câu chuyện nghề thú vị được chị không ngần ngại nhỏ to tâm sự cùng CareerLink. Nguồn năng lượng tích cực cùng cách chị kể về nghề với sự trân quý cũng đủ sức khiến người đối diện cảm được tình yêu mãnh liệt của chị với công việc này.

Đến vì cơ duyên, ở lại vì đam mê

Dành 4 năm theo học một ngành kinh tế tại một trường đại học có tiếng của TPHCM, thoạt đầu, chị ngỡ rằng mình sẽ làm một công việc kế toán đúng với lộ trình. Ấy vậy mà, đúng là nghề chọn người. Chị kể: “Chị nghĩ đây là duyên. Bởi lúc vừa ra trường, mình có thực tập trong lĩnh vực tài chính mà chị đã chọn. Thế nhưng sau hai tháng, mình cảm thấy công việc này khá khô khan và không còn phù hợp. Khởi đầu, mình từng làm nhân viên kinh doanh về sản phẩm công nghệ và sau một thời gian, mình bắt đầu tiếp xúc với công việc tuyển dụng một cách vô tình thôi. Khi cần người gấp quá rồi thì mình bắt buộc phải tuyển thêm. Không chỉ vậy, khi có nhân viên mới, mình cũng kiêm luôn vai trò đào tạo. Bỗng dưng, mình thấy việc này phù hợp với mình quá, ngay chính cả bạn bè cũng nhận xét tính cách nhẹ nhàng và hoà đồng của mình có thể sẽ phù hợp để làm nhân sự… Thế là mình làm thôi”.

Trái với những bạn khác được học từ trường lớp chính quy ra, chị Thanh Trúc bắt tay vào con đường này bằng những buổi trò chuyện với anh, chị đi trước, những diễn đàn chuyên môn để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Quản trị nhân sự là gì?”. Chính chị còn thừa nhận rằng: “Bản thân mình là tay ngang nên những kiến thức mình có được hoàn toàn là nhờ nghề dạy thôi”. Nhớ lại những ngày đầu chập chững, chị hài hước kể: “Ban đầu lúc nhận vị trí tuyển dụng công nghệ, mình cảm thấy rất áp lực bởi mình không biết gì về lĩnh vực này cả. Đến cả server hay hosting, tại sao có Java nhưng lại có thêm JavaScript, mình còn không biết. Rất khó để mình hình dung ra được các bạn developer đang làm gì.”

Bản thân mình là tay ngang nên những kiến thức mình có được hoàn toàn là nhờ nghề dạy thôi

Thế nhưng, chị Trúc đã nhanh chóng nghĩ ra một “chiêu” để học về công nghệ với một “tay ngang” đó là… tích cực đi cafe cùng đồng nghiệp để tranh thủ học hỏi từ họ. Từ đó, đồng nghiệp hoá “thầy”, “sách giáo khoa” là những tạp chí công nghệ, hành trang vào nghề của chị chỉ vỏn vẹn có thế.

Càng đào sâu hơn về công nghệ, chị Thanh Trúc cảm thán: “Hoá ra lĩnh vực công nghệ này không khô khan như những gì chúng ta từng nghĩ. Khi mình hiểu được cách họ đã ứng dụng công nghệ vào đời sống ra sao, mình lại càng thấy nó rất thú vị. Mình học được rất nhiều thứ từ công việc này, chẳng hạn như việc suy nghĩ logic này hoặc cách sắp xếp thời gian sao cho khoa học, chặt chẽ…”. Đó cũng là lý do khiến chị quyết định tiếp tục dấn thân vào con đường tuyển dụng công nghệ đầy cam go nhưng cũng muôn vàn điều mới lạ này.

Vừa là tuyển dụng, vừa là “thông dịch viên”

Nhiều người nghĩ công việc tuyển dụng chỉ cần sàng lọc các CV, phỏng vấn các ứng viên và tìm ra người thích hợp thế nhưng chị Thanh Trúc tâm sự rằng: “Đôi khi người làm nhân sự còn là cầu nối giữa các bộ phận trong một công ty nữa”. Đặc biệt hơn khi làm việc trong môi trường công nghệ, các lập trình viên thường khá kiệm lời.

Mỗi lần đi phỏng vấn các ứng viên, mình sẽ luôn đi cùng với một anh kỹ thuật để đánh giá ứng viên đó cả về kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Thế nhưng, cũng nhiều lúc mình kiêm luôn cả thông dịch viên bởi các anh đôi khi chưa biết cách đặt câu hỏi cho các ứng viên sao cho tinh tế.”

Đôi khi người làm nhân sự còn là cầu nối giữa các bộ phận trong một công ty nữa

Không chỉ là “thông dịch viên” mà đôi khi chính chị Trúc còn đóng vai trò “người hoà giải” cho những mâu thuẫn trong nội bộ công ty. Đã có lần, mình tuyển một bạn ứng viên vào công ty, bạn rất năng nổ và nhiệt tình nhưng vấn đề là bạn ấy đôi khi nói chuyện lại thiếu chủ ngữ, vị ngữ. Thì khi mình bảo bạn nộp hồ sơ cho admin để lên hệ thống thì bạn admin lại rất bực mình và qua ‘báo cáo’ về thái độ của bạn ứng viên đấy. Thậm chí, bạn admin còn khăng khăng cho rằng sau 2 tháng thử việc sẽ thảo luận cùng trưởng phòng cho bạn thôi việc. Thế là mình đã hẹn bạn ứng viên đó đi cafe và chia sẻ thân tình với bạn ấy về những thiếu sót cũng như khuyên nhủ bạn đừng quá bốc đồng trong môi trường công sở. Đồng thời, mình cũng xoa dịu bạn admin kia vì thú thực bạn ấy cũng khá nóng nảy.”

Thế đó, đôi khi nhân sự cũng đóng vai trò hoà giải cho đôi bên mỗi khi các cá nhân, bộ phận trong công ty xảy ra mâu thuẫn. Mình tin rằng nếu mình đối xử với mọi người một cách nhẹ nhàng, tử tế, mình sẽ nhận lại được điều tương tự.”, chị Thanh Trúc cười, nhớ lại.

Làm nhân sự còn chính là “bộ mặt” của cả tập thể, vì thế, chẳng những phải cáng đáng việc tuyển dụng mà còn phải luôn ghi nhớ rằng mọi hành động, tiếng nói của cá nhân đều có thể đại diện cho uy tín, thương hiệu của tập thể. Bởi lẽ những nhà tuyển dụng chính là những nhân vật đầu tiên của công ty mà các ứng viên tiếp xúc. Vì lý do đó mà chị Thanh Trúc luôn nhắc nhở bản thân: “Mình phải luôn chỉn chu trong tác phong và lời ăn tiếng nói”. Tự nhận mình từng là một cô gái sốc nổi, có phần hấp tấp, thế nhưng sau một thời gian dài lăn lộn với nghề, chị không khỏi bất ngờ khi phải thừa nhận: “Mình giờ đây trở nên bình tĩnh và cẩn thận hơn trong mọi công việc và giao tiếp hằng ngày. Chắc cũng nhờ nghề ‘rèn’ cho.”

Mỗi ngày đi làm, một câu chuyện mới được kể

Nhận được nhiều lời mời cho công việc khác với mức lương hậu hĩnh hơn, thế nhưng chị Trúc vẫn quyết định ở lại công ty hiện tại và gắn bó với công việc nhân sự này. Thắc mắc liệu có điều gì hấp dẫn như thế đã khiến chị từ chối các cơ hội “khủng” hơn, chị Trúc hào hứng đáp: “Mỗi ngày đi làm với mình là một câu chuyện mới. Được lắng nghe cả thành công lẫn thất bại của các ứng viên khiến cho công việc này luôn tươi mới với mình”.

Những nhà tuyển dụng hay người làm nhân sự, nếu nói không ngoa, họ là những “người nghe” nhiệt tình và chân thành. Họ nghe không chỉ chuyện nghề mà còn cả chuyện đời của nhiều ứng viên để có thể hiểu về con người một cách tổng thể và khách quan nhất. Và trong vô vàn nhiều câu chuyện được nghe, chị Trúc chưa bao giờ quên cuộc nói chuyện lạ kỳ của chị và một ứng viên.

“Ngày trước, mình từng tuyển một bạn học cao đẳng về làm cho công ty mình. Bạn ấy rất nhiệt tình và triển vọng. Mình đã gửi offer cho bạn và sẵn sàng để bắt đầu công việc rồi. Nhưng hôm đó bạn ấy lại nhắn tin tâm sự với mình. Bạn chia sẻ rằng bạn đang đắn đo giữa việc học tiếp lên đại học hay đi làm luôn và đang cần lời khuyên. Hiển nhiên, với vai trò tuyển dụng của công ty, nhiều nhân sự khác có lẽ sẽ khuyến khích bạn ấy chọn công việc phải không? Lúc đó, mình chỉ khuyên bạn rằng quyền quyết định vẫn thuộc về bạn, nhưng một khi đã chọn con đường nào, hãy quyết tâm đi theo con đường đó và đừng nhìn lại con đường kia. Cũng đừng so sánh bản thân khi thấy bạn bè mình đang thành công khi chọn con đường mà mình từ bỏ. Cơ hội sẽ vẫn luôn ở đó nếu chúng ta thật sự có bản lĩnh và khả năng”, chị kể.

Sau đó, bạn ứng viên đã quyết định từ chối công việc và theo đuổi việc học. Trái với quan điểm phải tuyển được nhiều người mới là nhà tuyển dụng xuất sắc, chị Thanh Trúc lại cho rằng, cái vui của nghề đôi khi cũng chính là việc định hướng đúng đắn cho những ứng viên, đó mới là nhà quản trị nhân sự khéo léo, tài giỏi. Niềm hạnh phúc mà nghề mang lại với chị còn chính là lời khen cỏn con: “Chỉ cần nghe trưởng phòng nào đó báo cáo rằng bạn ứng viên mình tuyển ngày trước đang hoàn thành công việc rất tốt, thế là đủ hạnh phúc cả ngày rồi”, chị cười.

Cái vui của nghề đôi khi cũng chính là việc định hướng đúng đắn cho những ứng viên, đó mới là nhà quản trị nhân sự khéo léo, tài giỏi.

Vậy đó, nghề tuyển dụng đặc biệt là tuyển dụng công nghệ, nhiều khi mình cứ ngỡ là khô khan, rập khuôn là thế song cũng lắm chuyện hài hước, thú vị mỗi ngày. Câu chuyện của chị Thanh Trúc là minh chứng cho thấy, nếu bạn có đủ đam mê và nhiệt thành, sẽ luôn có cơ hội đợi bạn ở đó dẫu cho bạn chỉ là một “tay ngang”.

Cảm ơn chị Thanh Trúc vì những chia sẻ thật thú vị.

CHIA SẺ NGAY:

Sao chép thành công