Mục Lục
Thúy Vi – quản lý một cửa hàng coffee ở TP.HCM, là nhân vật nữ thứ 3 trong series “Kể câu chuyện nghề”, cô đại diện để kể câu chuyện ngành dịch vụ và tình yêu của mình đối với nghề. Không yêu thích vì vẻ hào nhoáng, xa hoa của ngành dịch vụ như người ta thường nói, Thúy Vi yêu công việc vì những điều bình dị khác. Vậy ngành dịch vụ có gì mà cô yêu thích đến thế? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Xoảng… Àooooo… Tiếng vài ba cái ly chạm sàn và ngay sau đó, tiếng nước đổ ào ạt lên người khách làm Thúy Vi phát hoảng. “Anh ơi, em xin lỗi.” “Anh ơi, anh có sao không? Để em kêu quầy làm lại nước cho anh nha. Em xin lỗi anh nhiều lắm.” – Thúy Vi vừa hấp tấp gom hết khăn giấy ở quầy đến lau cho khách vừa luôn miệng xin lỗi rối rít.
“Đến giờ nhắc lại vẫn cảm thấy sợ.” – Thúy Vi chia sẻ khi nhắc lại một kỉ niệm khó quên vào những ngày đầu chập chững làm part-time ở quán coffee. Từ một cô gái sợ sệt khi xử lý tình huống với khách hàng đến một quản lý cửa hàng tự tin và bản lĩnh trước mọi tình huống, Thúy Vi đã trưởng thành rất nhiều so với 3 năm trước đây. “Ngành dịch vụ đã giúp mình học hỏi và trưởng thành rất nhiều” – Thúy Vi nói.
“Chưa bao giờ nghĩ có thể gắn bó lâu đến vậy!”
Dù bản thân vừa thôi việc vì lý do sức khỏe vài tháng trước, nhưng tình yêu dành cho công việc và ngành dịch vụ vẫn còn đó. Đó là động lực thúc đẩy Thúy Vi thường xuyên lui tới quán quen mỗi tuần.
Đến với công việc phục vụ quán coffee chỉ vì muốn giết thời gian trong thời gian chờ bằng tốt nghiệp, nhưng cuối cùng Thúy Vi đã bị cuốn theo công việc này suốt 3 năm. Sau khi làm việc ở môi trường F&B năng động, cô quyết định rẽ hướng từ ngành Tài chính ngân hàng mình theo đuổi suốt 4 năm đại học sang ngành Dịch vụ. “Đi làm rồi mới biết mình phù hợp với một công việc năng động hơn là việc bàn giấy.” – Thúy Vi chia sẻ về lí do thay đổi sự lựa chọn của mình.
Bản thân chưa bao giờ nghĩ có thể gắn bó với công việc trong ngành dịch vụ lâu dài nhưng “Càng làm, càng vui, càng thích vì những kỉ niệm và thành tích mình đạt được” – Thúy Vi cười tươi nói. Mỗi vị trí mà Thúy Vi đảm nhiệm đều có những thử thách và bài học mới mà cô phải trải qua. Nhưng, Thúy Vi luôn làm tốt công việc của mình và được đề xuất thăng tiến trong một khoảng thời gian ngắn.
“Càng làm, càng vui, càng thích vì những kỉ niệm và thành tích mình đạt được”
Chính nhờ vào những thành tích công việc mình đạt được, Thúy Vi mới nhận ra mình có khả năng làm tốt trong ngành dịch vụ. Và từ đó, niềm yêu thích công việc lớn dần từ lúc nào không hay.
Bắt đầu với vai trò part-time và trở thành quản lý cửa hàng trong vòng 1 năm rưỡi là khoảng thời gian tương đối nhanh so với những ứng viên khác. “Mình nghĩ mình được đề cử thăng tiến nhanh bởi vì mình có năng lực, xử lý tình huống tốt và may mắn cũng là một yếu tố cần thiết.” – Thúy Vi chia sẻ. Từ khi bắt đầu làm việc ở vị trí part-time, Thúy Vi đã được đề cử vị trí cashier chính – vị trí thường chỉ có nhân viên full-time nắm giữ.
Mình nghĩ mình được đề cử thăng tiến nhanh bởi vì mình có năng lực, xử lý tình huống tốt và may mắn cũng là một yếu tố cần thiết.
Chỉ sau 3 tháng làm việc, cô lại được đề xuất lên vị trí full-time của quán. Nhờ làm tốt các kỹ năng như: phục vụ tốt, quản lý quầy bar tốt và quan trọng nhất là kỹ năng quan sát tốt, đã mang đến cho Thúy Vi cơ hội trở thành key-staff (quản lý nhân viên). Sau một thời gian luân chuyển làm key-staff ở chi nhánh khác, Thúy Vi được quản lý cử đi training trở thành Supervisor (quản lý ca) và cuối cùng cô trở thành Store Manager (quản lý cửa hàng).
Nhờ vào năng lực của mình, Thúy Vi đã quản lý tốt và nâng cao doanh số ở cửa hàng trong vòng 1 năm. Điều này tạo cơ hội cho Thúy Vi luân chuyển làm SM (Store Manager) ở chi nhánh lớn hơn.
“Chưa bao giờ có thể nghĩ mình có thể làm lâu đến như vậy. Mình yêu công việc của mình vì mình có khả năng và có kết quả tốt.” – Thúy Vi tâm sự. Thúy Vi là nhân chứng cho thấy chỉ cần công việc mình làm có kết quả tốt thì ắt hẳn tình yêu dành cho công việc sẽ dần nảy sinh.
“Mỗi cửa hàng là một gia đình”
“Không chỉ là thành tích, những kỉ niệm và khó khăn bên các bạn đồng nghiệp và khách hàng cũng là điều khiến mình bị cuốn vào công việc này.” – Thúy Vi nói. Bên cạnh những thành tích Thúy Vi đạt được thì cô cho rằng đồng nghiệp và khách hàng cũng là hai yếu tố quan trọng làm cô yêu mến ngành dịch vụ.
“Có cảm giác mình có thêm một gia đình vậy!” – đó là những lời tâm sự thật lòng của Thúy Vi đối với những bạn đồng nghiệp của mình. Đối với cá nhân cô, mỗi nhân viên ở cửa hàng là một thành viên trong đại gia đình. “Mình ở cửa hàng với bạn còn nhiều hơn là ở nhà với ba mẹ mình” – Tần suất gặp gỡ và bên nhau giữa Thúy Vi và các bạn đồng nghiệp phải ít nhất 8 tiếng mỗi ngày nên cô luôn muốn tạo một không gian làm việc đoàn kết, thoải mái trên cương vị những người bạn, người anh em, chứ không chỉ dừng lại ở mối quan hệ đồng nghiệp. Vì thế, với vai trò là SM của một cửa hàng, Thúy Vi luôn biết cách quản lý, kết nối con người. Và Thúy Vi cũng cho rằng việc “quản lý con người” là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều thú vị nhất của người làm dịch vụ.
“Không chỉ là thành tích, những kỉ niệm và khó khăn bên các bạn đồng nghiệp và khách hàng cũng là điều khiến mình bị cuốn vào công việc này.”
Đối với Thúy Vi, “quản lý con người” cũng là yếu tố quan trọng nhất để thăng tiến trong ngành dịch vụ. “Chỉ khi mình làm cho các bạn thoải mái, xem nhau là một đội, thì tiến độ của cửa hàng mới trơn tru và hoàn thành tốt chỉ tiêu.” – Thúy Vi nói. Là người luôn đề cao tinh thần đồng đội trong công việc nên cô luôn chủ động làm việc chung với mọi người để tiện bề chỉ dẫn.
Đặc biệt vào những dịp đông khách như ngày lễ, Tết, Thúy Vi luôn túc trực ở cửa hàng để “chạy đua” cùng team của mình. “Với vai trò là quản lý vào những ngày khách đông, vị trí nào thiếu người là mình sẽ đắp vô chỗ đó.” – cô cười nói. Thay vì khiển trách các bạn khi làm sai, cô tận dụng thời gian để tâm sự, hỏi han các bạn từ chuyện công việc đến gia đình.
Chính nhờ khả năng “quản lý con người” tốt của mình, Thúy Vi đã tạo nên một môi trường làm việc thoải mái từ đó là tiền đề giúp cho doanh số làm việc của cửa hàng phát triển.
“Mỗi cửa hàng là một gia đình, mỗi tệp khách của cửa hàng là một gia đình” – Thúy Vi cho rằng bên cạnh các bạn đồng nghiệp là thành viên trong gia đình, khách hàng cũng vậy. Với cơ chế luân phiên thay đổi cửa hàng, Thúy Vi đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều tệp khách khác nhau. Từ đó, cô không chỉ nhận được bài học ứng xử với nhiều kiểu người mà cô còn trở thành thành viên ở nhiều kiểu gia đình khác nhau. Thuở làm ở chi nhánh cũ, gia đình của cô đa phần là tệp khách dân cư và học sinh. Còn lúc ở chi nhánh mới, phần lớn thành viên trong gia đình là nhân viên văn phòng.
“Mỗi cửa hàng là một gia đình, mỗi tệp khách của cửa hàng là một gia đình”
Không chỉ gắn kết với các bạn đồng nghiệp, gắn kết với khách hàng cũng là niềm vui của ngành dịch vụ. Suốt ba năm làm việc, Thúy Vi đã có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều khách hàng rất dễ mến. “Mấy đứa ăn gì chưa? Ăn trưa gì không, anh mua cho?” hay “Tối qua làm khuya quá hả mà sao giờ nhìn mệt mỏi vậy em?” – những lời hỏi thăm nhỏ nhoi vậy cũng khiến cho một ngày của người làm dịch vụ trở nên ấm áp hơn.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có những câu chuyện “dở khóc dở cười” mà người làm dịch vụ sẽ gặp phải vì khách hàng là “chín người mười ý”. Từ những sự cố nhỏ như khách phàn nàn vì wifi yếu, phục vụ nước chậm, đến những sự cố lớn hơn như khách hút thuốc trong phòng lạnh, khách sử dụng lời lẽ thiếu tôn trọng… Thúy Vi đều phải trải qua mỗi ngày nhưng không vì vậy mà cô chán ghét công việc của mình. Vì bên cạnh những câu chuyện phát sinh trong công việc thì làm ngành dịch vụ sẽ không bao giờ thiếu tiếng cười từ khách hàng và đồng nghiệp.
“Không ngành nào dạy kỹ năng sống tốt như ngành dịch vụ”
Trải qua ngành dịch vụ được 3 năm, Thúy Vi chưa bao giờ hối tiếc khi đã dành thời gian làm việc ở cửa hàng coffee vì công việc trong ngành dịch vụ đã dạy cho cô rất nhiều điều. “Nếu bạn là sinh viên, hãy thử đến với ngành dịch vụ, công việc sẽ giúp bạn trưởng thành rất nhiều!” – với kinh nghiệm của mình, Thúy Vi chân thành chia sẻ lời khuyên đến các bạn sinh viên đang tìm kiếm một công việc làm thêm. Đối với cô, ngành dịch vụ đã mang lại cho cô những điều sau đây:
1. Kỹ năng sống
“Mình nghĩ không ngành nào dạy kỹ năng sống tốt như ngành dịch vụ” – Thúy Vi khẳng định. Bạn sẽ có cơ hội cọ xát với nhiều tệp khách với nhiều cá tính khác nhau từ đó nâng cao kỹ năng giao tiếp, đàm phán, xử lí tình huống – những kỹ năng cần thiết ở xã hội ngày nay. Ví dụ, làm ngành dịch vụ sẽ giúp bạn biết cách giao tiếp, xử lý với kiểu người khó tính, đó là “im lặng” để giải hòa xung đột. Chính những kỹ năng này sẽ giúp bạn trở nên nhanh nhạy hơn trong công việc cũng như đời sống.
“Nếu bạn là sinh viên, hãy thử đến với ngành dịch vụ, công việc sẽ giúp bạn trưởng thành rất nhiều!”
2. Mở mang kiến thức
Bên cạnh những kỹ năng chuyên môn được học từ công ty như pha chế, thu ngân, kiểm kê sổ sách,… thì bạn còn có cơ hội học hỏi từ những đồng nghiệp xung quanh. Và Thúy Vi cho rằng, học hỏi lẫn nhau là kiến thức lớn nhất mà cô tích lũy trong thời gian qua. Học hỏi cách pha chế nhanh hơn, học hỏi cách đóng gói sản phẩm kỹ càng, nhanh gọn từ những người có khả năng,… Chính những bài học nhỏ nhoi từ các bạn đồng nghiệp là chìa khóa giúp cô hoàn thành công việc năng suất hơn.
3. Niềm vui trong công việc
Bên cạnh giá trị vật chất, giá trị tinh thần trong công việc là điều tiên quyết khiến cho mỗi ngày làm việc trở nên ý nghĩa. Không chỉ là niềm vui từ đồng nghiệp những lúc làm việc cùng nhau, còn là niềm vui từ khách hàng. Từ khoảnh khắc hài lòng từng sản phẩm đến những lời hỏi thăm, khen thưởng đều là động lực mỗi ngày đi làm của Thúy Vi.
Cảm ơn chị Thúy Vi vì những chia sẻ thật thú vị.