Nghề phiên dịch cabin: Những quái kiệt trên đường đua ngôn từ 

Bạn có bao giờ thắc mắc những người ngồi sau các nguyên thủ quốc gia là ai không? Họ là những “quái kiệt” trong lĩnh vực dịch thuật với khả năng dịch song song, đuổi kịp tốc độ nói của diễn giả. Nếu là bạn, liệu bạn sẽ dám thử chăng?

Câu chuyện của anh Khang Nguyễn, một phiên dịch viên cabin dày dặn kinh nghiệm sẽ đem lại cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ với các khối ngành ngôn ngữ.

Dịch cabin là hình thức phiên dịch song song với diễn giả, người đang nói. Thông dịch viên sẽ ngồi trong một phòng kín hay còn được gọi là booth hoặc cabin với tốc độ dịch thuật tính bằng giây. Dịch thuật cabin là một phần không thể thiếu trong các buổi hội thảo, hội nghị mang yếu tố đa quốc gia và những người tham dự không cùng nói chung một ngôn ngữ.

Sự tò mò – nguồn cơn của đam mê

Ngay từ nhỏ, anh Khang Nguyễn đã mê mẩn những câu chuyện về các cuộc phiêu lưu của người phương Tây sang vùng đất mới. Anh tự hỏi: “Họ đã dùng công cụ gì để giao thương với con người ở vùng đất mới?”. Thế là anh Khang Nguyễn bắt đầu dấn thân vào hành trình của những con chữ đầy mê hoặc.

Anh Khang Nguyễn đang phiên dịch cho lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Hà Lan

Anh quan niệm rằng: “Sức mạnh của ngôn ngữ hiện hữu ở khắp mọi nơi bởi suy cho cùng, tất cả mọi thứ xung quanh đều liên quan đến cách mà chúng ta giao tiếp. Và nếu biết được thêm một ngôn ngữ mới thì ta đang đóng vai một “cây cầu” nối kết hai nền văn hóa khác nhau.”

Chính vì vậy mà anh Khang Nguyễn đã quyết định theo đuổi lĩnh vực ngôn ngữ đặc biệt là tiếng Anh. Ở thời điểm Việt Nam còn chưa thật sự phát triển, việc chọn học ngoại ngữ là một sự mạo hiểm bởi khi ấy nước ta chưa hội nhập quốc tế và đầu ra của ngành còn khá giới hạn. Ấy vậy mà nhờ sự liều lĩnh đó, nhiều cơ hội đã mở ra với anh, đặc biệt là trong kỷ nguyên đẩy mạnh giao thương, quan hệ quốc tế.

Sức mạnh của ngôn ngữ hiện hữu ở khắp mọi nơi bởi suy cho cùng, tất cả mọi thứ xung quanh đều liên quan đến cách mà chúng ta giao tiếp. Và nếu biết được thêm một ngôn ngữ mới thì chúng ta đang đóng vai một “cây cầu” nối kết hai nền văn hóa khác nhau.

Nghề phiên dịch cabin: Tiếng Anh đôi khi là không đủ

Khi được hỏi về lý do vì sao giữa muôn vàn hướng đi liên quan đến ngôn ngữ, anh Khang lại quyết định chọn dịch thuật, anh trả lời: “Hiện tại số lượng sách được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh không lớn. Do đó, nếu nói rằng người nước ngoài ít biết đến văn hóa Việt Nam cũng không sai. Vì vậy mà vai trò giao lưu văn hóa hay tiếp kiến văn hóa sẽ giúp thế giới hiểu nhau hơn. Phần lớn những sự thiếu thấu hiểu sẽ dẫn đến các bất đồng, mâu thuẫn trong tương lai”.

Vì mong ước mang văn hóa Việt Nam đến gần hơn với thế giới nên anh đã chọn trở thành “cây cầu”. Chia sẻ về khoảng thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, anh tâm sự: “Ngày đó, anh theo học tại Đại học Sư phạm với định hướng sẽ trở thành người giảng dạy tiếng Anh. Mà thực tế, ngay thời điểm đó, trường cũng không có bộ môn phiên dịch mà chỉ thuần sư phạm”.

Sau khi tốt nghiệp, nhiều khách hàng tìm đến các sinh viên ngôn ngữ với mong muốn nối kết với đối tác nước ngoài trong những cuộc thương thảo, hội nghị lớn. Thế nhưng, chuyện tưởng “dễ như ăn kẹo” này hóa ra lại khó khăn vô cùng. Bởi lẽ “đâu phải cứ ngồi nói chuyện với nhau là được đâu, ta cần phải có một kỹ năng nào đó để kết nối cả về con người lẫn về ngôn ngữ.”

Anh Khang Nguyễn khẳng định rằng: “Dù có kiến thức tiếng Anh vững vàng tới mấy, nếu thiếu đi trải nghiệm cuộc sống thì những câu từ mà bạn dịch ra chỉ đơn thuần là “cái vỏ của ngôn ngữ”. Đằng sau đó còn là các cấu trúc sâu hơn, những ngụ ý, tư tưởng của người nói mà chỉ những thông dịch viên tinh tế và “trải đời” mới có thể cảm nhận mà cắt nghĩa câu chữ cho vẹn tròn.”

Chính vì yêu cầu cấp độ vận dụng ngôn ngữ cao này mà ngành phiên dịch cabin thường chỉ xuất hiện trong các hội nghị lớn, quy mô quốc gia hay có yếu tố quốc tế bởi những sự kiện ấy cần tính chính xác gần như tuyệt đối trong việc dịch thuật. Vậy mới thấy, để trở thành người ngồi sau những nguyên thủ quốc gia là cả một quá trình dài tôi luyện để phần trăm rủi ro hạ xuống mức thấp nhất.

Thế nên, nói không ngoa khi sự xuất hiện của dịch thuật cabin đã song hành cùng sự phát triển của Việt Nam. Minh chứng này cho thấy nước ta đang dần thu hút được sự quan tâm và đầu tư từ bạn bè quốc tế so với thập kỷ trước.

Thông dịch viên đôi khi cũng là một người bạn

Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề song anh Khang Nguyễn hài hước chia sẻ rằng: “Trước mỗi buổi họp, hội nghị nào, anh đều cảm thấy hồi hộp, lo lắng khôn nguôi. Nhưng anh biết rằng, hồi hộp là một điều tốt bởi nó khiến chúng ta không chủ quan”.

Hồi hộp là một điều tốt bởi nó khiến chúng ta không chủ quan

Để câu chữ có chiều sâu hơn, thông dịch viên không chỉ hiểu khách hàng của mình trên mặt giấy tờ mà còn phải hiểu cả tâm tư và mong muốn của như một người bạn.

Anh ý thức được rằng mỗi sự kiện là một dấu mốc đặc biệt của người mỗi tổ chức, cá nhân. Nếu người phiên dịch làm tốt và giữ được mạch câu chuyện mượt mà, suôn sẻ giúp đôi bên đều hài lòng, những hợp đồng quan trọng sẽ được ký kết, bàn bạc. Hơn cả thế, uy tín mối quan hệ giữa khách hàng càng thân thiết hơn. Đã không ít đối tác của anh Khang Nguyễn trở thành bạn bè, cố hữu bên ngoài nhờ sự đồng điệu trong giao tiếp. Thế nên trách nhiệm đặt lên vai một thông dịch viên cabin là rất lớn.

Điều mà anh Khang Nguyễn canh cánh trong lòng đó là phải luôn sắp xếp thời gian hợp lý để có thể trò chuyện cùng đối tác như một người bạn nhằm hiểu nhau hơn về mặt con người và hiểu nội dung của buổi hội nghị sâu hơn. Khi đã có sự gắn kết giữa hai con người, kiến thức sẽ được “lưu thông” dễ dàng hơn, sự ăn ý giữa hai ngôn ngữ sẽ theo đó mà tăng lên.

“Anh từng gặp một diễn giả vượt ngàn cây số từ Anh bay sang Việt Nam để gặp gỡ và giao lưu cho một nhà máy nhưng thời gian vị khách dành cho buổi tập huấn chỉ vỏn vẹn 2 tiếng. Khi đó, anh phải chủ động trò chuyện, tìm hiểu nhu cầu khách hàng của mình để tối ưu hóa khoảng thời gian ít ỏi đó nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao.”, anh chia sẻ.

Hơn cả việc chỉ dịch thuật đơn thuần, mỗi thông dịch viên phải là người nhạy cảm và tinh tế để nhìn thấy được, hiểu được, cảm được điều mà khách hàng muốn, thứ khách hàng truyền đạt. Từ đó mới tạo được bánh răng phối hợp nhịp nhàng giữa đôi bên. Do đó, nếu ai nghĩ phiên dịch chỉ là công việc trên mặt chữ buồn tẻ thì lầm to!

Đi tìm cái đẹp của nghề

Vì đóng vai trò như một mảnh ghép không thể thiếu của các sự kiện quy mô, anh Khang Nguyễn nhớ về niềm tự hào nhất của anh trong suốt quá trình làm nghề: “Sự kiện mà anh cảm thấy may mắn khi được tham gia nhất đó chính là Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long do Đại sứ quán Hà Lan tổ chức. Buổi họp mặt này quy tụ các gương mặt tri thức của miền đồng bằng để hướng về miền đất thân yêu, nơi có gia đình, bạn bè anh đang sống, anh cảm thấy rất xúc động. Càng sững sờ hơn vì tầm nhìn quá tuyệt vời của các chuyên gia, họ đã nhìn xa tận 100 năm và hứa hẹn sẽ cùng nhau cải thiện cuộc sống cho con cháu mai này. Anh tự hào lắm vì anh đã đóng góp một phần bé nhỏ vào tương lai quê hương, tạo ra giá trị cho xã hội”.

Nhìn thấy đối tác thành công, thấy sự kiện mà mình đảm trách diễn ra tốt đẹp cũng chính là món quà, là cái “sướng” mà nghề mang lại. Anh Khang Nguyễn đã chứng minh cho ta thấy, sức mạnh con chữ là vô biên, nếu biết cách vận dụng chúng khôn khéo và ý nhị, mỗi ngôn ngữ là một nguồn hạnh phúc góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng.

Nếu các nhóm ngành ngôn ngữ được ví như một tam giác thì nghề dịch thuật cabin sẽ nằm ở phần đỉnh. Lên càng cao thì khoảng cách càng thu hẹp lại và nó chỉ thực sự dành cho những ai có đủ đam mê và động lực để kiên trì theo đuổi.

Song vẫn còn vô vàn cơ hội mở ra cho những bạn trẻ đam mê ngôn ngữ, “chỉ tính sơ qua đã có hơn 140 đầu việc yêu cầu kỹ năng ngôn ngữ nên cơ hội cho các bạn là không khó”, anh Khang Nguyễn chia sẻ. Nhưng nếu muốn thử thách giới hạn của bản thân và “trèo lên đỉnh núi” thì dịch thuật cabin là một phép thử, một lựa chọn thú vị để rèn luyện kỹ năng vận dụng hai ngôn ngữ.

Chỉ khi dấn thân vào con đường này, anh Khang Nguyễn mới ngộ ra rằng: “Tiếng Việt thật đẹp” nhờ sự đa dạng và uyển chuyển của nó trong nhiều ngữ cảnh, nhiều tầng nghĩa ẩn dụ. Vì thế, nghề phiên dịch cabin nói riêng và nhóm ngành ngôn ngữ nói chung đang và sẽ luôn là hành trình trải nghiệm đầy thú vị hỏi nguồn nhân lực dồi dào, nhất là khi đất nước đang tăng tốc trên con đường hội nhập.

Cảm ơn anh Khang Nguyễn vì những chia sẻ thật thú vị.

CHIA SẺ NGAY:

Sao chép thành công