Công việc an ninh mạng: điều bạn cần biết trước khi ứng tuyển

Bạn có bao giờ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ hệ thống ngân hàng, bệnh viện hay sân bay… bỗng nhiên tê liệt chỉ sau một cú click? Nhẹ nhàng như cơn gió thoảng qua nhưng hậu quả có thể lan rộng như một cơn bão dữ. Đó là những gì một cuộc tấn công mạng có thể gây ra – thầm lặng, nguy hiểm và cực kỳ tinh vi. Trong bóng tối ấy, có một đội ngũ luôn phải tỉnh táo, lặng lẽ chiến đấu từng giây để bảo vệ dữ liệu và sự an toàn của hàng triệu người dùng, đó là những người làm công việc an ninh mạng.

an ninh mang

Công việc an ninh mạng là làm gì?

“Công việc an ninh mạng bao gồm việc bảo vệ hệ thống, mạng và dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng, truy cập trái phép và rò rỉ thông tin.”

“Khi nói công việc của mình là làm an ninh mạng, đa phần mọi người nghĩ ngay đến hacker, rồi tưởng tượng mình suốt ngày ngồi gõ bàn phím như trong phim hoặc làm gì đó bí ẩn lắm. Mình cười vì thực ra công việc không “cool ngầu” như vậy”, Nguyễn Minh Huy – Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu giải thích.

“Nói nôm na, mình và đồng nghiệp là người bảo vệ các hệ thống máy tính, dữ liệu và thông tin số khỏi bị tấn công hay rò rỉ. Nếu bạn tưởng tượng internet như một thành phố lớn thì công việc của mình giống như làm cảnh sát hoặc bảo vệ trong thế giới đó”, Minh Huy so sánh.

Bảo vệ ở đây không chỉ là đợi bị tấn công rồi mới xử lý mà còn là phòng ngừa, phát hiện sớm và phản ứng kịp thời.

“Mình dành rất nhiều thời gian để rà soát hệ thống để phát hiện lỗ hổng, cấu hình sai, phần mềm chưa cập nhật… bởi rất nhiều vụ tấn công xảy ra chỉ vì một bản vá bị quên cập nhật hoặc một tài khoản nhân viên cũ chưa bị khóa. Cùng với đó, mỗi ngày mình cũng theo dõi hệ thống cảnh, lọc hàng trăm dòng log để tìm ra điều bất thường. Có hôm chỉ từ một yêu cầu truy cập lạ, mình lần ra cả một đợt tấn công có tổ chức mà nếu không phát hiện kịp, có thể dữ liệu khách hàng đã bị đánh cắp. Căng nhất là xử lý sự cố. Khi có sự cố, cả nhóm phải cùng nhau truy vết, ngắt hệ thống, gỡ mã độc và điều tra nguyên nhân để tránh lặp lại. Thường thì những ngày như vậy sẽ kết thúc lúc 2-3 giờ sáng với rất nhiều cà phê và log file”, Minh Huy mô tả về công việc thường ngày của mình.

Không thiếu những tình huống gây “thót tim”

Công việc an ninh mạng gắn liền với những khoảnh khắc căng thẳng đến nghẹt thở, nhất là khi nhận được cuộc gọi lúc nửa đêm: “Hệ thống bị tấn công rồi, không ai đăng nhập được nữa”. “Có khi đang đi chơi cuối tuần cũng phải bỏ dở để xử lý sự cố. Không có khái niệm “giờ hành chính” trong nghề này, hacker không nghỉ thì mình cũng khó mà thảnh thơi”, Minh Huy dí dỏm chia sẻ.

Anh kể, “Một chiều thứ Sáu, đang định tắt máy thì mình nhận được tin nhắn từ một chị bên phòng kế toán: “Em ơi, chị vừa mở file đính kèm trong email, mà sao máy tự nhiên đơ luôn?”. Lập tức trong đầu mình lóe lên tia sáng, đó là file Word nhưng thực chất bên trong lại chứa macro độc hại – một dạng mã tự động kích hoạt khi mở file. Tụi mình ngay lập tức cô lập máy, kiểm tra log truy cập. Hóa ra mã độc đã cố gắng kết nối với một server ở nước ngoài may mà firewall chặn lại. Nếu trễ thêm chút nữa, mã độc có thể đã nhân bản qua mạng nội bộ. Vụ đó mà “nổ” thì không chỉ dữ liệu bị khóa mà cả công ty sẽ đứng hình vào đầu tuần sau”.

Với Minh Huy, một trong những pha đau đầu nhất là khi lỗ hổng đến từ nội bộ. Có một nhân viên cũ đã nghỉ việc nhưng tài khoản chưa bị thu hồi và anh tình cờ phát hiện tài khoản đó vẫn còn truy cập vào hệ thống. May mắn là người đó không có ý đồ xấu, chỉ là quên đăng xuất khỏi tài khoản cũ nhưng sự việc khiến anh và cả phòng IT lập tức phải rà soát lại toàn bộ quy trình offboarding như thu hồi quyền truy cập cũng như xóa tài khoản trên tất cả nền tảng.

Lần khác, anh lại gặp tình huống “thót tim” vì bản vá lỗi tưởng chừng vô hại lại khiến hệ thống không khởi động được. “Lúc test thì mọi thứ ổn nhưng sau khi triển khai chính thức, hệ thống đột nhiên không thể khởi động lại được. Cảm giác lúc đó phải nói là hoang mang tột độ vì server đang xử lý giao dịch cho hàng trăm khách hàng. Cả nhóm phải khẩn cấp rollback bản vá, dựng lại server từ bản sao lưu và kiểm tra nguyên nhân. Sau 4 tiếng “nín thở” mới khôi phục được toàn bộ. Đó là lần mình học được một điều rất quan trọng: test kỹ chưa bao giờ là đủ, phải test như thể nó có thể gây sập cả hệ thống, vì thật ra… nó có thể đấy”, Minh Huy trải lòng về kinh nghiệm quý giá trong sự nghiệp.

Áp lực ngầm nhưng cơ hội rộng mở

Áp lực trong nghề không chỉ đến từ các cuộc tấn công mạng mà còn đến từ sự “vô hình” trong công việc. Người ta ít thấy, ít hiểu và ít ghi nhận. Khi hệ thống an toàn, mọi người thường nghĩ “Có gì đâu, bình thường mà” nhưng để có được cái “bình thường” đó là cả một quá trình kiểm soát, dự đoán và ngăn chặn rất nhiều mối đe dọa. Ngoài ra, phải luôn học hỏi liên tục. Công nghệ mới ra mắt liên tục, hacker cũng ngày càng tinh vi. Nếu không cập nhật kiến thức, rất dễ bị “out game”.

“Bù lại, nghề này mang đến cho mình cảm giác đặc biệt. Mình không phải cảnh sát, không khoác áo giáp nhưng mình biết phía sau những dòng mã, mình đang bảo vệ dữ liệu, tiền bạc, danh tiếng, thậm chí là sự sống còn của một doanh nghiệp”, Minh Huy tâm sự.

Bên cạnh đó, triển vọng nghề nghiệp cũng rất rộng mở. Khi thế giới ngày càng dựa vào trực tuyến thì an ninh mạng sẽ không bao giờ lỗi thời. Từ doanh nghiệp nhỏ, ngân hàng lớn đến chính phủ, đâu đâu cũng cần người bảo vệ hệ thống. Thu nhập ổn định, cơ hội làm việc toàn cầu và nếu đủ giỏi, bạn hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia hàng đầu hoặc mở công ty riêng.

Nếu bạn yêu thích công nghệ, thích cảm giác giải đố, có đầu óc logic và một chút kiên nhẫn với những điều “không ai thấy nhưng cực kỳ quan trọng” thì công việc an ninh mạng là một lựa chọn rất đáng để thử. Nó không hào nhoáng nhưng là một nghề đầy ý nghĩa.

Trang Trần

Về Tác Giả

CareerLink

Sao chép thành công