Bẫy thu nhập trung bình là gì và chiến lược để vượt qua?

Nếu theo dõi các bản tin kinh tế xã hội, bạn có thể nghe nói nhiều đến bẫy thu nhập trung bình (Middle income trap). Vậy bạn đã hiểu rõ bẫy thu nhập trung bình là gì cùng các vấn đề xung quanh nó?

Bẫy thu nhập trung bình là gì?

Bẫy thu nhập trung bình là tình huống phát triển kinh tế mà ở đó một quốc gia đạt đến mức thu nhập nhất định sẽ bị mắc kẹt ở mức đó và nền kinh tế của quốc gia đó sẽ rất khó phát triển cao hơn.

Nói một cách cụ thể, bẫy thu nhập trung bình đề cập đến nền kinh tế có thu nhập trung bình (1.025 – 12.475 đô là/người) và bị mắc kẹt ở mức này, thay vì tiếp tục vươn lên thành nền kinh tế có thu nhập cao (trên 12.475 đô là/người).

Theo thống kê, từ năm 1960 đến năm 2010, chỉ có 15 trong số 101 nền kinh tế có thu nhập trung bình thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, bao gồm Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản ở châu Á.

“Bẫy thu nhập trung bình là tình huống xảy ra ở một số nước thu nhập thấp có tiến bộ đáng kể trong việc giảm nghèo nhưng sau đó gặp khó khăn trong việc tiến lên từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập cao”

 

Đặc điểm của nền kinh tế bị mắc bẫy thu nhập trung bình là gì?

Hầu hết các quốc gia mắc bẫy thu nhập trung bình đều có chung các đặc điểm:

–       Mạnh lên vì những tài nguyên có sẵn, chứ không phải là chính sách kinh tế phù hợp;

–       Tỉ lệ đầu tư thấp;

–       Hàng hóa thiếu sức cạnh tranh về giá cả lẫn chất lượng;

–       Ngành chế tạo chậm phát triển;

–       Khoa học công nghệ lạc hậu, các ngành công nghiệp thiếu đa dạng;

–       Giá nhân công tăng lên, thị trường lao động kém sôi động.

Nguyên nhân dẫn đến bẫy thu nhập trung bình

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh bẫy thu nhập trung bình như:

Tại sao sau hơn 250 năm công nghiệp hóa toàn cầu, chỉ một số ít trong số hơn 200 quốc gia và khu vực trên thế giới trở thành các nền kinh tế phát triển?

Tại sao nhiều nước đang phát triển không thể tiến xa hơn để thành các nền kinh tế phát triển?

Ngoài ra, tại sao nhiều quốc gia có thu nhập trung bình lại ở trong giai đoạn thu nhập trung bình quá lâu mà không đứng vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập cao, thậm chí một số còn rơi vào tình trạng trì trệ hoặc thoái trào về kinh tế?

 Hoặc vì sao các quốc gia không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong nhiều thập kỷ?

Đáp án cho những thắc mắc này được xác định là do:

–       Phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ – nhiều quốc gia thu hút đầu tư dựa vào lao động giá rẻ nhưng khi kinh tế phát triển và đời sống người dân tăng lên, ưu thế này sẽ không còn nữa. Kết quả là không thể thu hút các nhà đầu tư như trước.

–       Nguồn cung lao động không còn dồi dào – Mức sống tăng lên, dân trí phát triển khiến người dân có nhiều quan điểm mới, chẳng hạn như không muốn lập gia đình khiến tỷ lệ tăng dân số không thể duy trì.

–       Công nghệ lạc hậu dẫn đến năng suất kém, khiến sản phẩm không thể cạnh tranh, từ đó nền kinh tế cũng không đủ sức để bật lên.

–       Thiếu đổi mới sáng tạo và không theo kịp tốc độ đổi mới.

–       Phân bổ vốn không hợp lý khiến các lĩnh vực chủ chốt như khoa học công nghệ không có đủ điều kiện cần thiết để phát triển.

–       Tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô – lạm phát, bong bóng bất động sản sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế quốc gia.

Chiến lược để tránh bẫy thu nhập trung bình

Chìa khóa để tránh mắc bẫy thu nhập trung bình là gì? Đó là mỗi quốc gia phải tìm ra sự kết hợp phù hợp giữa chính sách cung và cầu để duy trì mức tăng thu nhập bình quân đầu người và đạt được mức tăng trưởng cân bằng từ thị trường trong và ngoài nước. Chẳng hạn như:

Cơ cấu nền kinh tế, đổi mới phương thức sản xuất

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng – Cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt có thể cho thấy tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế. Tập trung vào việc xây dựng mới và nâng cấp các hệ thống giao thông công cộng, kênh vận chuyển hàng hóa, cảng và cơ sở hạ tầng năng lượng hiện có là một trong những điều cơ bản để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Đề phòng dòng vốn chảy vào quá nhiều – Dòng tiền từ nước ngoài có thể tiếp thêm sức mạnh cho một nền kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nhưng có thể khiến nền kinh tế đi xuống nếu các nhà đầu tư rút lui nhanh chóng.

Tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh năng suất, chuyển đổi công nghệ tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh.

Ưu tiên giáo dục theo cách sẽ trang bị cho lực lượng lao động kiến thức và kỹ năng để liên tục thích ứng.

Tăng tuổi nghỉ hưu –  Dân số già là một vấn đề ở phần lớn châu Á. Các chính phủ có thể thực hiện các bước để giảm tỷ lệ người phụ thuộc bằng cách nâng độ tuổi người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Tăng cường tìm kiếm thị trường tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu.

Hi vọng những thông tin trên đây đã giải đáp câu hỏi bẫy thu nhập trung bình là gì, tại sao các nền kinh tế các nước lại rơi vào bẫy và cách để tránh cũng như vượt qua bẫy.

Trâm Nguyễn

Sao chép thành công