Nên nói về điểm mạnh của bản thân thế nào khi phỏng vấn?

Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều ứng viên có thể khó nói về điểm mạnh của bản thân và thành tích của họ vì có một ranh giới mong manh giữa tự tin và tự mãn và họ sợ bị cho là khoe khoang hoặc kiêu ngạo. Bạn có phải là một trong số đó? Nếu có thì khi hiểu lí do tại sao nhà tuyển dụng hỏi về điểm mạnh, bạn sẽ có thể đưa ra câu trả lời mạnh mẽ với tinh thần thoải mái và chứng tỏ bạn là người tốt nhất cho công việc.

Tại sao nhà tuyển dụng lại hỏi về điểm mạnh của bản thân ứng viên?

Khi đặt câu hỏi về thế mạnh, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu xem bạn có đủ hiểu bản thân để liệt kê những ưu điểm của mình dưới áp lực và liệu bạn có thể thảo luận về các điểm vượt trội đó một cách khiêm tốn nhưng chuyên nghiệp hay không. Đi cùng với đó, họ cũng muốn biết tính cách và các kỹ năng của bạn phù hợp với nhu cầu công việc hay không.

Điều này có nghĩa là họ đang tạo điều kiện để bạn nói về lý do tại sao bạn phù hợp với vai trò. Thế nên hãy nắm bắt cơ hội và đưa ra câu trả lời lôi cuốn, thuyết phục nhất.

Bạn nên tập trung vào những điểm mạnh nào?

Kinh nghiệm làm việc

Nhà tuyển dụng luôn muốn nghe về bất kỳ trải nghiệm liên quan nào mà bạn có, cho dù là làm việc trong vai trò tương tự hay kinh nghiệm sử dụng các thiết bị hoặc phần mềm hữu ích. Tuy nhiên cũng cần đảm bảo rằng đó là giá trị của riêng bạn. Nếu chọn thế mạnh là các yêu cầu bắt buộc thì tốt nhất bạn không nên tập trung quá kỹ vì mọi ứng viên đều sẽ có khả năng đó.

Trình độ học vấn

Học vấn của bạn, từ kiến thức chuyên môn đến các khóa đào tạo ngắn hạn hay học thêm một văn bằng khác, đều quan trọng. Đây cũng là thời điểm thích hợp để đề cập đến việc tự học, cập nhật các kiến thức mới mà bạn đã thực hiện trong thời gian rảnh rỗi. Điều này thể hiện quyết tâm, động lực vươn tới thành công và là yếu tố giúp bạn tạo được ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng.  

Kỹ năng mềm

Kỹ năng mềm là kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên nhưng có thể khó tìm được như giao tiếp, giải quyết vấn đề hoặc quản lý thời gian… Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng muốn một kỹ sư có đam mê và kỹ năng giải quyết vấn đề hay một nhân viên kế toán giỏi chuyên môn lại có khả năng giao tiếp tích cực. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn luôn đề cập đến những kỹ năng mềm đôi khi không phải là điều kiện bắt buộc trong ngành nghề nhưng không thể thiếu nếu muốn đạt được kết quả vượt trội.

Bí quyết nói về điểm mạnh của bản thân một cách chuyên nghiệp

“Mục đích khi nói về các điểm mạnh của bản thân không phải là thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là nhân viên giỏi nhất thế giới. Thay vào đó, bạn cần cho họ thấy rằng bạn là người phù hợp nhất với công việc.”

Dưới đây là một số cách để làm điều đó.

Quan tâm đến chất lượng hơn số lượng

Bạn có thể có rất nhiều điểm mạnh và phẩm chất cá nhân mà bạn nghĩ sẽ hữu ích, nhưng bạn cần chọn những điểm tốt nhất để tập trung vào.

Hãy đưa ra 2 hoặc 3 điểm mạnh chính và giải thích những ưu điểm này một cách cô đọng. Điều đó sẽ đáng nhớ hơn nhiều so với việc liệt kê hàng chục điểm tốt một cách qua loa, hời hợt.

Mặt khác, bạn cũng cần hướng tới sự cân bằng giữa kiêu ngạo và quá khiêm tốn. Nếu đề cập đến quá nhiều điểm mạnh, bạn sẽ có nguy cơ trở nên tự tin thái quá, trong khi chỉ nói về một thế mạnh duy nhất có nghĩa là thiếu tự tin hoặc tệ hơn là thiếu kỹ năng.

Giải thích tại sao điểm mạnh này sẽ giúp bạn thành công trong công việc

Sau khi chia sẻ về thế mạnh, hãy chỉ ra chính xác điều này sẽ giúp bạn thành công trong công việc như thế nào. Ví dụ, bạn có thể nói: “Một trong những điểm mạnh nhất của tôi là chú ý đến chi tiết. Tôi luôn để ý đến chi tiết nhỏ nhất trong công việc của mình và tôi thích làm điều đó. Tôi thấy mô tả công việc cho vị trí này liên quan rất nhiều đến sự tỉ mỉ, cẩn thận và đây là lý do tôi đã đăng ký ứng tuyển”.

Minh họa điểm mạnh bằng các chứng cứ cụ thể

Sau khi cho nhà tuyển dụng biết thế mạnh lớn nhất của bạn là gì và tại sao nó hữu ích ở vị trí ứng tuyển, hãy cố gắng đưa ra bằng chứng cụ thể. Ví dụ, nếu bạn nói rằng một trong những điểm mạnh của bản thân là khả năng lãnh đạo, thì hãy nghĩ đến cách bạn đã sử dụng khả năng này trong quá khứ và kết quả đạt được đã giúp gì cho doanh nghiệp trước đây.

Đưa ra một ví dụ cụ thể có tác dụng mạnh hơn gấp 10-20 lần so với việc chỉ nói rằng bạn giỏi một việc gì đó. Bởi điều này cung cấp thêm thông tin và khiến bạn trông đáng tin hơn. Mặc dù vậy, điều quan trọng là không lan man, câu trả lời của bạn cần ngắn gọn và đi vào trọng tâm.

Đừng quên thể hiện sự tự tin

Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng tin vào bản thân thực sự tạo nên sự khác biệt. Bạn cần tin rằng bạn đủ giỏi để đạt được kết quả công việc như mong muốn. Vì nếu bạn không tin thì chắc rằng nhà tuyển dụng cũng sẽ không làm như thế. Vậy bạn cần thể hiện sự tự tin như thế nào?

Hãy luôn duy trì giao tiếp bằng mắt; nói to, rõ ràng, rành mạch một cách bình tĩnh; Không tỏ ra bồn chồn hay thay đổi tư thế liên tục.

Một khi thốt ra câu trả lời trong cuộc phỏng vấn, bạn sẽ không thể lấy lại được. Vì vậy, đừng bao giờ sợ phải tạm dừng như “Đó là một câu hỏi hay, hãy để tôi suy nghĩ một chút…”

Ngoài ra, hãy chú ý xem giọng nói của bạn có cao hơn ở cuối mỗi câu trả lời như thể đang đặt câu hỏi hay không. Đây cũng có thể được xem là biểu hiện của sự thiếu tự tin mà bạn cần tránh khi nói về điểm mạnh của bản thân trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công