Mục Lục
- Tham khảo các câu hỏi phỏng vấn Digital Marketing thường được hỏi
- Lý do gì khiến bạn chọn Digital Marketing?
- Bạn có thể chia sẻ tổng quan về kinh nghiệm của mình về Digital Marketing và nói về một số chiến dịch hoặc dự án thành công nhất của bạn không?
- Bạn nghĩ gì về chiến dịch tiếp thị gần đây nhất của chúng tôi? Nếu có thể thì bạn sẽ thực hiện những thay đổi nào?
- Bạn nghĩ điều nào quan trọng hơn, số lượng tương tác hay lượt thích và người theo dõi?
- Bạn nghĩ thách thức lớn nhất mà các nhân viên Digital Marketing phải đối mặt hiện nay là gì?
- Bạn cập nhật xu hướng mới nhất và các phương pháp Digital Marketing hay nhất như thế nào? Bạn có thể đưa ra ví dụ về cách bạn áp dụng những hiểu biết này vào công việc của mình không?
- Bạn phản ứng ra sao với lời chỉ trích hoặc phản hồi mang tính xây dựng về các chiến dịch hoặc chiến lược của mình?
- Tham khảo các câu hỏi phỏng vấn Digital Marketing thường được hỏi
Bạn sắp phải đối mặt với một cuộc phỏng vấn cho vị trí Digital Marketing và muốn biết mình sẽ đối mặt với những câu hỏi nào? Bạn muốn đảm bảo rằng câu trả lời của mình thật đặc sắc và sẽ giúp bạn nhận được lời mời làm việc? Vậy thì bạn không nên bỏ qua các câu hỏi phỏng vấn Digital Marketing mà các nhà tuyển dụng thích đặt ra cho ứng viên sau đây và mẹo để vượt qua chúng một cách tự tin và đầy phong cách.

Tham khảo các câu hỏi phỏng vấn Digital Marketing thường được hỏi
“Nắm vững các câu hỏi phỏng vấn Digital Marketing là bước quan trọng để đảm bảo công việc mơ ước của bạn trong lĩnh vực năng động này.”
Lý do gì khiến bạn chọn Digital Marketing?
Nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi câu hỏi này ngay từ đầu buổi phỏng vấn để phá vỡ sự im lặng và khiến bạn nói về công việc của mình. “Câu trả lời cũng cho họ biết điều gì thu hút bạn đến với lĩnh vực này, khía cạnh nào của Digital Marketing hấp dẫn bạn nhất và vì sao bạn tin rằng đây là lựa chọn nghề nghiệp tốt cho mình. Hơn nữa, họ cũng muốn hiểu thêm về đam mê, động lực và mức độ bạn sẵn sàng cống hiến hết mình đối với vị trí này. Vì vậy, đừng quên thể hiện sự nhiệt tình và cam kết gắn bó khi trả lời”, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Marketing Manager chia sẻ.
Bạn có thể tham khảo gợi ý mà chị Mỹ Hạnh đưa ra để có câu trả lời chỉn chu hơn: “Em chọn Digital Marketing vì nó kết hợp sự sáng tạo với các chiến lược dựa trên dữ liệu. Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng kỹ thuật số, kết hợp với khả năng nhắm mục tiêu và thu hút đối tượng theo những cách sáng tạo là điều khiến em rất hào hứng. Em thích thử thách trong việc xây dựng các chiến lược phù hợp với nhóm nhân khẩu học cụ thể và tối ưu hóa các chiến dịch dựa trên số liệu hiệu suất theo thời gian thực. Càng đi sâu tìm hiểu em càng nhận ra Digital Marketing là đam mê của mình và không bao giờ hối tiếc vì lựa chọn này”.
Bạn có thể chia sẻ tổng quan về kinh nghiệm của mình về Digital Marketing và nói về một số chiến dịch hoặc dự án thành công nhất của bạn không?
Nếu bạn đã thực hiện các chiến dịch đạt được kết quả ấn tượng nhờ vào sự chăm chỉ và sáng tạo của bản thân thì đây là cơ hội để bạn tỏa sáng. Chị Mỹ Hạnh lưu ý, “Hãy nói chi tiết về mọi khía cạnh của chiến dịch, từ lập kế hoạch và thực hiện cho đến đo lường kết quả. Nếu có thể, hãy đưa ra các con số cụ thể hoặc bằng chứng chứng minh cho sự thành công”. Chẳng hạn như:
“Em có hơn 4 năm kinh nghiệm làm Digital Marketing, đặc biệt là quảng cáo trả phí (Google Ads, Facebook Ads), tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), tiếp thị qua email và quản lý chiến lược nội dung trên các nền tảng xã hội. Một trong những dự án thành công nhất của em là chiến dịch quảng bá cho sản phẩm X. Bằng cách tạo ra các bài đăng trên blog, video và đồ họa thông tin có giá trị và hấp dẫn, nhóm của em đã tăng lượng truy cập trang web lên 40% và tạo ra thêm 20% khách hàng tiềm năng chỉ trong 3 tháng. Chiến dịch này cũng góp phần tăng 15% nhận thức về thương hiệu, được đo lường thông qua các lượt đề cập và chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội”.
Bạn nghĩ gì về chiến dịch tiếp thị gần đây nhất của chúng tôi? Nếu có thể thì bạn sẽ thực hiện những thay đổi nào?
Trong quá trình tìm hiểu về công ty ứng tuyển, đừng quên chú ý đến các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị khác nhau mà công ty đã thực hiện. “Sự chuẩn bị này có thể giúp bạn ngay lập tức tham gia vào cuộc trò chuyện với nhà tuyển dụng. Thêm một chút chủ động, thú vị cùng với ý tưởng sáng tạo tích cực sẽ khiến bạn vượt trội hơn nhiều ứng viên khác”, chị Mỹ Hạnh nhận xét.
Chị cũng đưa ra câu trả lời mà bạn có thể tham khảo: “Đầu tiên, em rất ấn tượng với chiến dịch tiếp thị gần đây của công ty. Em nhận thấy rằng chiến dịch đã có những điểm rất hay như cách truyền tải thông điệp rõ ràng, sáng tạo, có tính tương tác cao với khách hàng. Tuy nhiên, nhóm khách hàng mục tiêu của chiến dịch vẫn chưa được khai thác hết. Ngoài ra, em nghĩ rằng có thể làm tốt hơn phần cá nhân hóa thông điệp cho từng phân khúc khách hàng để họ cảm thấy chiến dịch thực sự gần gũi và phù hợp với nhu cầu của mình”.
Bạn nghĩ điều nào quan trọng hơn, số lượng tương tác hay lượt thích và người theo dõi?
Đây có thể là một câu hỏi phỏng vấn Digital Marketing mang tính đánh đố. Hầu hết người dùng mạng xã hội thông thường hoặc người có sức ảnh hưởng đều đo lường thành công của họ dựa trên lượt thích và người theo dõi. Tuy nhiên, đối với bất kỳ ai kinh doanh qua internet, sự tương tác là cốt lõi. Thế nên, chị Mỹ Hạnh khuyên rằng bạn nên luôn mặc định là tương tác khi thảo luận về Digital Marketing trong bối cảnh kinh doanh như “Khi thực hiện các chiến dịch Digital Marketing, mục tiêu của em luôn là tăng mức độ tương tác của người dùng. Mức độ tương tác là yếu tố thúc đẩy giao dịch và tạo ra doanh thu cho các công ty. Lượt thích và người theo dõi giúp tạo ra nhận thức về thương hiệu và lan truyền về các sản phẩm của công ty nhưng chỉ đến khi người theo dõi tương tác thì đó mới là lúc tạo ra doanh thu”.
Bạn nghĩ thách thức lớn nhất mà các nhân viên Digital Marketing phải đối mặt hiện nay là gì?
Đây là câu hỏi thường được nhà tuyển dụng đặt ra để xem bạn có khả năng nhận diện và hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến ngành nghề hay không. Theo chị Mỹ Hạnh, một số thách thức bạn có thể thảo luận bao gồm theo kịp các thuật toán luôn thay đổi của các công cụ tìm kiếm, phát triển chiến dịch trên di động hiệu quả và bảo mật dữ liệu của khách hàng, cạnh tranh gay gắt hay tối ưu hóa chi phí… Dù là gì thì bạn cũng cần nêu được cách giải quyết các thách thức đó.
Ví dụ như, “Em nghĩ rằng vấn đề lớn nhất mà nhân viên Digital Marketing phải đối mặt là đạt được kết quả vượt trội trong một thị trường bão hòa cao. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, mỗi người phải dành tối thiểu 15% thời gian làm việc của mình để chủ động theo dõi các xu hướng mới nổi và thử nghiệm các chiến lược mới. Bằng cách luôn cập nhật thông tin về những tiến bộ trong ngành và áp dụng cách làm sáng tạo, các nhân viên Digital Marketing mới có thể phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh tiếp thị kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng”.
Bạn cập nhật xu hướng mới nhất và các phương pháp Digital Marketing hay nhất như thế nào? Bạn có thể đưa ra ví dụ về cách bạn áp dụng những hiểu biết này vào công việc của mình không?
Digital Marketing là một ngành rất năng động với sự thay đổi liên tục của các thuật toán, chiến lược nội dung cũng như các phần mềm mới và đây là câu hỏi giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng cập nhật kiến thức của bạn và cách bạn áp dụng chúng vào công việc thực tế. “Bạn cần đưa ra một số phương pháp để theo dõi xu hướng mới và lý do tại sao chúng hiệu quả trong việc giúp bạn cập nhật thông tin. Cùng với đó, hãy trích dẫn một hoặc hai sự kiện diễn ra gần đây và bạn chắc chắn sẽ thu hút được nhà tuyển dụng”, chị Mỹ Hạnh giải thích và đưa ra ví dụ về câu trả lời mà bạn có thể áp dụng:
“Em luôn cập nhật những xu hướng mới nhất và các phương pháp hay nhất trong Digital Marketing bằng cách thường xuyên tham dự các hội nghị trong ngành, tham gia hội thảo trên web, nghe podcast, đọc các blog và ấn phẩm uy tín. Ví dụ, khi tiếp thị qua video phát triển mạnh, em đã xác định được cơ hội kết hợp nội dung video vào các chiến dịch truyền thông xã hội của công ty. Bằng cách tạo các video ngắn, hấp dẫn, nhóm của em đã tăng lượng người tiếp cận tự nhiên lên 25% và cải thiện mức độ tương tác của người dùng trên các nền tảng”.
Bạn phản ứng ra sao với lời chỉ trích hoặc phản hồi mang tính xây dựng về các chiến dịch hoặc chiến lược của mình?
Câu hỏi này nhằm mục đích đánh giá khả năng tự nhận thức, sự chuyên nghiệp và kỹ năng xử lý phản hồi của bạn trong môi trường làm việc. “Cụ thể, nhà tuyển dụng muốn xem mức độ cởi mở của bạn trong việc tiếp thu các ý kiến chỉ trích và có thể sử dụng điều đó để cải thiện công việc hay không. Điều này sẽ phản ánh khả năng phát triển cá nhân và hiệu quả làm việc”, chị Mỹ Hạnh phân tích.
Với ý nghĩa này thì câu trả lời của bạn nên được diễn đạt thế nào? Chị Mỹ Hạnh đề xuất: “Những lời phê bình mang tính xây dựng rất cần thiết để nâng cao chất lượng chuyên môn và em xem đó là cơ hội để cải thiện các chiến lược tiếp thị của mình. Khi nhận được phản hồi, em luôn tích cực lắng nghe, đặt câu hỏi làm rõ để hiểu quan điểm được chia sẻ và suy ngẫm để nhìn ra đâu là điều cần cải thiện. Như trong chiến dịch trước đây, em đã được góp ý về cách diễn đạt được xem là quá trang trọng. Em đã lưu ý và điều chỉnh giọng điệu tự nhiên và dễ hiểu hơn, giúp tăng lượt tương tác và nhận về nhiều phản hồi tích cực”.
Một cuộc phỏng vấn có thể là thú vị hoặc đáng sợ tùy thuộc vào câu trả lời bạn đưa ra. Nhưng khi đã chuẩn bị sẵn sàng với tất cả các câu trả lời gợi ý, chắc hẳn bạn đã giảm đi phần nào lo lắng rồi phải không? Hãy làm quen với những câu hỏi phỏng vấn Digital Marketing chung này và nắm vững cách ứng xử đúng đắn với các ví dụ được đưa ra, bạn có thể tự tin thể hiện chuyên môn và kinh nghiệm của mình với các nhà tuyển dụng tiềm năng.
Huỳnh Trâm
Về Tác Giả
Bài Mới Nhất
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Làm cách nào để tăng lương khi làm việc ở Nhật
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Nên học N2 hay học nghề để đi Nhật nếu muốn định cư lâu dài?
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Học N3 có thể đi Nhật làm được không? Top ngành nghề phù hợp nhất
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Học gì để tăng cơ hội từ kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật