5 lí do nhà quản lý cần có thái độ tích cực

Khi nói về các đặc điểm cần thiết của nhà quản lý, mọi người thường tập trung vào các phẩm chất như có tầm nhìn xa, sự chính trực, ý chí và lòng can đảm. Không có gì phải bàn cãi rằng đây là các yếu tố quan trọng nhưng nếu sở hữu thêm sự tích cực sẽ làm tăng thêm tính hiệu quả cho nhà quản lý. Dưới đây là 5 lý do tại sao thái độ tích cực giúp các nhà quản lý trở nên tốt hơn, hãy cùng tìm hiểu nhé.

Thái độ tích cực sẽ lan truyền khắp doanh nghiệp

Thực tế, các đội nhóm tích cực là các đội nhóm có năng suất cao nhất. Văn hóa tự tin và hỗ trợ sẽ thúc đẩy sự hợp tác, sáng tạo và kết quả là thu hút được các thành viên làm việc chăm chỉ và tài năng.

Nhưng nếu bạn muốn nhận “thu hoạch” loại văn hóa đó thì bạn phải “trồng” nó. Bạn không thể ép buộc nhân viên trở nên tích cực mà bạn cần phải là người làm gương bởi khuynh hướng quản lý của người đứng đầu sẽ ảnh hưởng đến đội nhóm đó. Thế nên, điều quan trọng là bạn cần phải cam kết quản lý với một thái độ tích cực nhất quán. Điều này không chỉ có lợi cho sức khỏe tinh thần của bạn mà còn ảnh hưởng rõ rệt đến hiệu suất chung của đội nhóm.

Tích cực sẽ tạo nên động lực

Khi nhân viên được quản lý theo cách khiến họ e sợ, họ có thể làm việc chăm chỉ nhưng sẽ không hết lòng với công việc. Trái lại, khi bạn làm việc với họ bằng một thái độ tích cực trong môi trường hỗ trợ, chắc chắn họ sẽ nhiệt tình và có nhiều khả năng đạt được hiệu quả hơn những gì mong đợi. Khi nhân viên cảm thấy được đánh giá cao, họ trở nên tự tin hơn và có năng suất hơn. Sự tích cực chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ và hầu như không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.

Tích cực giúp xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp

Không có nhà quản lý nào thành công một mình cả. Thành tích của họ phụ thuộc vào mối quan hệ của họ với nhân viên. Họ có thể giỏi tất cả các kỹ năng quản lý nhưng nếu họ đòi hỏi khắt khe và cư xử thô lỗ với cấp dưới thì họ sẽ phải mất nhiều năng lượng hơn để thuyết phục mọi người nghe theo. Trong khi đó, người tích cực giống như một thỏi nam châm.

Các nhà quản lý tử tế, tự tin không gặp nhiều khó khăn để thu hút người khác làm theo họ. Nhân viên cấp dưới cảm thấy hạnh phúc khi được vào đội nhóm của họ vì họ tạo được sự tín nhiệm và tin cậy. Khi bạn tích cực, việc xây dựng mạng lưới những người ủng hộ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Tích cực tăng khả năng phục hồi

Con đường thành công trong sự nghiệp sẽ đầy khó khăn, trở ngại và thử thách. Khi bạn có một quan điểm lạc quan thì thất bại là cơ hội để bạn học hỏi, phát triển và có thêm động lực để tiến về phía trước. Thái độ của bạn càng tích cực, bạn càng nhanh chóng lấy lại tinh thần sau một thất bại. Khi nhân viên nhìn thấy khả năng phục hồi của bạn, họ cũng cảm thấy bản thân họ trở nên dũng cảm và kiên cường hơn.

Tích cực cải thiện khả năng giải quyết vấn đề

Khi gặp một trở ngại, bạn phản ứng như thế nào? Câu trả lời cho câu hỏi đó liên quan rất nhiều đến khả năng vươn xa của bạn. Những người tiêu cực có xu hướng nghiền ngẫm, lo âu về vấn đề và quên đi việc xử lý. Điều này khiến đội nhóm của bạn cảm thấy thất vọng và chán nản. Trong khi đó, người tích cực có xu hướng xắn tay áo và bắt đầu giải quyết vấn đề.

Thái độ tích cực cho phép bạn nhìn vấn đề theo nhiều hướng khác nhau và nhận ra các giải pháp tiềm năng. Thay vì chỉ đưa ra một loạt lời khiển trách, những nhà quản lý có hi vọng muốn giải quyết những thách thức gặp phải, thậm chí hỏi nhóm của họ về các ý tưởng có thể cải thiện hiệu suất trong tương lai.

Trở thành một nhà quản lý đi kèm với rất nhiều trách nhiệm. Bạn nên lưu ý rằng thái độ của bạn sẽ tác động đến các thành viên khác trong nhóm, vì vậy, điều quan trọng là bạn không nên rơi vào “cái bẫy” của sự tiêu cực. Nếu bạn muốn trở thành một nhà quản lý thành công hơn và có thể tạo ảnh hưởng lớn hơn đến những nhân viên cấp dưới, hãy tập trung vào thái độ của bạn. Thực hiện các bước để trở nên tích cực hơn không chỉ giúp bạn trở nên hiệu quả trong công việc, mà nó còn giúp văn hóa doanh nghiệp của bạn ngày càng trở nên vững mạnh.

Pha Lê

Author Profile

CareerLink

Sao chép thành công